PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 07/12/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 34
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
Nguyện thứ 18: nguyện mười niệm ắt sanh.
Nguyện văn là: Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, chí tâm tín nhạo, sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giả, bất thủ Chánh giác. Duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp.
Khi con thành Phật, chúng sanh mười phương, nghe danh hiệu con, chí tâm tin ưa, tất cả thiện căn tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh về nước con, cho đến mười niệm. Nếu không được sanh, thì con không thành Chánh giác. Chỉ trừ kẻ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp.
Đây là đại nguyện “mười niệm ắt được sanh”. Nguyện này là đoạn trọng tâm nhất của toàn bộ kinh văn. Một nguyện vô cùng thù thắng trong 48 nguyện chính là nguyện này. Nguyện mười niệm ắt sanh là trọng tâm của trọng tâm trong đại nguyện Di-đà.
Đại ý của lời nguyện này là: khi tôi thành Phật, tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới nghe đến danh hiệu của tôi thì phát khởi tâm tín thọ chí thành vô thượng và tâm hoan hỷ mong muốn vãng sanh, do vậy đem tất cả căn lành mà chính mình gieo trồng, dùng tâm thanh tịnh thành khẩn niệm niệm không gián đoạn mà hồi hướng vãng sanh cõi nước Cực Lạc. Niệm Phật hiệu thậm chí ít nhất chỉ 10 niệm lúc lâm chung (bao gồm cả pháp thập niệm thông thường) thì đều có thể vãng sanh. Nếu nguyện này không thành tựu thì tôi không thành Phật, nguyện này loại trừ duy nhất người phạm trọng tội thập ác lại thêm phỉ báng chánh pháp.
Hoàng Niệm lão nói: Tịnh độ tông của Nhật Bản kế thừa di giáo của đại sư Thiện Đạo, đối với kinh này và nguyện thứ mười tám của kinh có thể hội rất sâu sắc. Những lời tán thán của chư cổ đức Nhật Bản khiến tín đồ Phật giáo Hoa Hạ hết sức kinh ngạc. Ví dụ nói đến kinh Hoa Nghiêm là Viên giáo, vượt hơn tất cả kinh luận của các giáo, nếu so sánh [các kinh luận] với Hoa Nghiêm thì chỉ có Hoa Nghiêm là chân thật nhất. Nhưng nếu so Hoa Nghiêm với kinh này thì kinh này chân thật hơn. Từ việc chúng sanh được lợi ích mà nói, tuy ở thời Mạt pháp nhưng vẫn thường nghe thấy có người niệm Phật vãng sanh. Kinh này nếu so với 48 nguyện thì 48 nguyện là chân thật. So sánh các nguyện trong đại nguyện với nhau thì nguyện thứ 18 là chân thật nhất. Cho nên trong một đời truyền giáo của Thích-ca Mâu-ni Phật, nguyện thứ 18 là chân thật trong chân thật. Đây là Tịnh tông Nhật Bản kế thừa lời bình luận của đại sư Thiện Đạo, điều này khế hợp với cách nói của đại sư Ngẫu Ích nước ta. Mật tạng và tinh tủy của Hoa Nghiêm và Pháp Hoa đều ở trong pháp môn Tịnh độ niệm Phật.
“Chí tâm tín nhạo”, chí tâm là tâm chí thành, tâm thành khẩn đến mức không hơn được nữa, đã đến cùng cực. Kinh Kim Quang Minh có câu: “Chí tâm là thông suốt đến tận nguồn tâm, tận tâm thực tế, nên gọi là chí tâm”. Ví dụ, thật sự tìm được chỗ bắt nguồn của sông Hoàng Hà thì gọi là thông suốt đến tận nguồn. Hoàn toàn hiển bày thực tế của bổn tâm thì mới gọi là tận tâm thực tế. Có thể thấy chí tâm rất sâu, nói một cách sơ bộ thì chính là tâm thanh tịnh vô nhiễm, thuần chánh vô nhiễm tự nhiên lưu xuất từ ngọn nguồn của tự tâm.
Chí tâm tín nhạo, nói một cách thiển cận chính là tâm rất chân, rất thật, rất thành, rất thuần, tâm rất tín thọ, rất hài lòng, rất ưa thích, rất hoan hỷ vui mừng. Chúng ta có thể nghe được pháp này thì rất vui sướng, như vậy mà tin tưởng mà vui mừng thì chính là chí tâm tín nhạo.
“Tâm tâm hồi hướng”, tâm tâm là tâm không có ô nhiễm xen tạp, chân tâm thuần chánh, thanh tịnh bổn nhiên, tâm tâm tương tục, tịnh niệm không gián đoạn. Hồi là hồi chuyển, hướng là hướng đến, đem công đức chính mình tu được hướng về chỗ kỳ vọng của bản thân thì gọi là hồi hướng.
Vãng Sanh Luận chú thích rằng hồi hướng là hồi hướng công đức của chính mình tặng khắp cho chúng sanh để cùng thấy A-di-đà Như Lai, sanh nước An Lạc. Cùng các chúng sanh đồng thấy A-di-đà Phật, vãng sanh Cực Lạc là kỳ vọng của bản thân, dùng tất cả công đức của chính mình để cầu đạt được mục đích này thì chính là hồi hướng. Những lời trong Vãng Sanh Luận nói đều khế hợp với kinh này.