PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 07/12/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 33
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
Nguyện thứ 14: nguyện chạm quang minh được an lạc.
Nguyện văn là: Nhược hữu chúng sanh, kiến ngã quang minh, chiếu xúc kỳ thân, mạc bất an lạc, từ tâm tác thiện, lai sanh ngã quốc.
Nếu có chúng sanh nào thấy quang minh của con chiếu đến thân họ thì chẳng ai mà không được an lạc, khởi từ tâm làm điều lành, sau sanh về nước con.
Nguyện này là từ nguyện trước mà có, thể hiện Phật quang có đầy đủ diệu đức lợi ích chúng sanh. Quang minh vô lượng chỉ là để làm ra vô lượng lợi ích, bất kỳ người nào thấy Phật quang chiếu đến, hoặc được Phật quang chiếu đến thân thì lập tức được thân tâm an lạc. Hơn nữa sự an lạc này bất kỳ sự an lạc nào trong thế gian cũng không thể sánh bằng, đây là loại an lạc thanh tịnh chân thật cực thù thắng. Do đó tự nhiên khơi gợi tâm từ của chúng sanh, họ tự nhiên dũng mãnh làm điều thiện, càng quan trọng hơn là sanh khởi hoằng nguyện sanh về nước Cực Lạc, nhờ đó họ có thể sanh đến Cực Lạc Tịnh độ. Cho nên người thật sự nhìn thấy quang minh của A-di-đà Phật đều có được lợi ích thù thắng như vậy.
“Mạc bất an lạc, từ tâm tác thiện, lai sanh ngã quốc”.
Ba câu kinh văn này vô cùng quan trọng, là nhu cầu vô cùng bức thiết đối với chúng ta hiện nay. Vì sao vậy? Chúng ta sống trong thời đại động loạn này, thân tâm bất an, giàu mà không vui, sang mà không an, đã trở thành một hiện tượng xã hội phổ biến. Làm thế nào để thân tâm của chúng ta an ổn? Đọc kinh Vô Lượng Thọ, đem lời dạy trong kinh hoàn toàn thực hiện vào trong cuộc sống thì tâm của bạn sẽ an. Vì sao vậy? Nhìn thấu thế gian này rồi, biết thế gian này vì sao hỗn loạn đến như vậy, bất an là do nguyên nhân gì tạo thành. Biết được nhân rồi thì bản thân chúng ta sẽ không tạo nhân đó, chúng ta thay đổi bản thân chứ đừng thay đổi người khác, hãy chuyển đổi chính mình. Chính mình thay đổi rồi thì an lạc biết bao, pháp hỷ sung mãn.
Chúng ta thấy lão hòa thượng Hải Hiền, tất cả những người đã gặp ngài đều nói ngài từ bi, không ai nhìn thấy bộ dạng không vui vẻ của ngài cả. Bất luận là khi nào, ở đâu, bạn tiếp xúc với ngài thì ngài đều rất hoan hỷ, khiến họ cảm nhận được tâm yêu thương và sự ấm áp của ngài. Đây là gì vậy? Đây là A-di-đà Phật mượn thân thể của ngài để phóng quang, phóng từ quang, phóng quang minh bi mẫn, phóng quang minh cứu giúp hộ trì, từ trên thân ngài mà biểu diễn ra.
Kinh Vô Lượng Thọ, phẩm Quang Minh Biến Chiếu nói rằng người gặp được quang minh này sẽ được cấu diệt thiện sanh, thân ý nhu nhuyễn. Cấu là cấu ô, ác trược, chỉ cho đủ loại phiền não. Những thứ này đều tiêu diệt rồi thì tự nhiên sanh ra thiện nguyện, cùng các chúng sanh đồng sanh Cực Lạc.
“Thân ý nhu nhuyễn”, nhược điểm lớn nhất của chúng sanh thế giới Ta-bà là cang cường khó giáo hóa, chấp trước kiên cố vào tình kiến, không chịu buông xả, vì vậy rất khó hóa độ. Nhưng một phen gặp được Phật quang thì thân và ý đều đồng thời nhu nhuyễn, chư Phật mới có thể tiến hành dạy dỗ. Người thọ giáo thì mới có thể được độ, đây chính là lợi ích thọ giáo pháp do gặp được quang minh.
Quán Kinh nói: “Quang minh chiếu khắp chúng sanh niệm Phật trong mười phương thế giới, nhiếp thủ không xả”. Cho nên chúng ta nói rằng pháp môn niệm Phật là dựa vào tha lực, Phật quang chiếu khắp tất cả chúng sanh niệm Phật trong mười phương thế giới, vĩnh viễn nhiếp thọ họ, hơn nữa một người cũng chẳng bỏ. Phàm những người gặp được quang minh đều có thể vãng sanh Phật quốc. Lợi ích của Phật quang, sự rộng lớn của Phật nguyện, thâm ân của Phật đều không thể nghĩ bàn.
Nguyện thứ 15: nguyện thọ mạng vô lượng.
Nguyện văn là: Ngã tác Phật thời, thọ mạng vô lượng.
Khi con thành Phật, thọ mạng vô lượng.
Trong nguyện thứ 15 thọ mạng vô lượng, trước tiên là đức giáo chủ của cõi ấy thọ mạng vô lượng: khi tôi thành Phật thọ mạng vô lượng. Như kinh Pháp Hoa nói, Sơn Hải Huệ Như Lai thọ mạng không hạn lượng là do thương xót chúng sanh. Vì sao thọ mạng của ngài vô lượng? Duy chỉ thọ mạng vô lượng mới có thể độ chúng sanh, cho nên thọ mạng không phải là vì bản thân cần, bản thân không cần, mà đó là vô lượng thọ chân thật. Vì sao vậy? Pháp thân không có thọ lượng, pháp thân Phật vô lượng, pháp thân của mỗi người chúng ta cũng là vô lượng. Pháp thân và Phật là một, không phải hai. Trong Đại kinh có một câu nói: ba đời chư Phật mười phương cùng chung một pháp thân, chẳng những là chung một pháp thân mà trí tuệ, đức năng đều bình đẳng, đều đầy đủ.