PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 21/11/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 2
Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người. A-di-đà Phật!
Từ hôm nay trở đi, chúng tôi chính thức bắt đầu phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai. Tôi vô cùng vui mừng muốn nói cho mọi người biết, lúc tôi viết bản thảo bài giảng tập 1, lại một lần nữa cảm nhận được sự gia trì từ oai thần của chư Phật Như Lai, cảm nhận được sự thân thiết chân thực này khiến tôi vui mừng phấn khởi, tín tâm tăng gấp bội.
Tôi tin chắc có sự từ bi gia trì của mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai, có sự từ bi che chở của thiên long hộ pháp và chư thiện thần hộ pháp, có sự hộ trì mạnh mẽ của đoàn thể hộ pháp nhìn thấy được và không nhìn thấy được ở đạo tràng, có sự ủng hộ và khích lệ của đông đảo đồng tu, lần phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ thứ hai nhất định sẽ thành công viên mãn. Đem công đức giảng kinh này hồi hướng cho sư phụ, cầu nguyện sư phụ trụ thế độ chúng sanh, đây là động lực lớn nhất giúp tôi phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai. Hôm nay bắt đầu giảng đề kinh.
Lần phúc giảng đầu tiên vào năm 2018 tôi đã giảng qua đề kinh này, lần này tôi vẫn phải giảng, tại sao vậy? Không chỉ kinh văn có vô lượng ý nghĩa, mà đề kinh cũng có vô lượng ý nghĩa. Vô lượng ý nghĩa này có giảng vô lượng kiếp cũng giảng không hết. Lần này chúng ta từ một góc độ khác, từ một cấp bậc khác mà giải thích đề kinh này, mục đích là giúp cho quý vị đồng tu có sự lý giải và nhận thức càng phong phú, càng sâu sắc hơn đối với đề kinh này. Đối với kinh văn, có giảng sâu, có giảng cạn; đối với đề kinh cũng như vậy, có giảng sâu, có giảng cạn. Như vậy thì chúng sanh căn tánh khác nhau, cấp bậc khác nhau đều có được thu hoạch, có được lợi ích trong đó, chứ không ra về tay trắng.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Đề kinh này “độc cụ đặc sắc”. Độc cụ chính là độc nhất vô nhị, đặc sắc chính là khác biệt với các bộ kinh khác.
Điểm đặc sắc thứ nhất: đề kinh của bản kinh này là do hội tập mà thành. Kinh văn trong bộ kinh này là hội tập, đề kinh cũng là hội tập, là bản hội tập danh xứng với thực.
Điểm đặc sắc thứ hai: trình độ hội tập đề kinh này khiến người tán thán chẳng ngớt. Hội tập vô cùng tự nhiên, không chê vào đâu được, thật đúng là bút tích như thần.
Kinh Vô Lượng Thọ tổng cộng có mười hai bản dịch. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư không lấy đề kinh của bản dịch thời Tống là “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh” mà lấy một đề kinh khác là “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm”, sau đó lại lấy đề kinh của bản dịch thời Hán là “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh”. Kết hợp lại thành “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh”, đề mục này đặt hay biết bao! Mười hai bản dịch, bản dịch thời Hán là bản dịch sớm nhất, bản dịch thời Tống là bản sau cùng, hội tập đề kinh của hai bản dịch này thành một, ý nghĩa đề kinh của mười hai bản dịch đều được hàm nhiếp viên mãn ở trong đó. Thật sự là quá vi diệu, quá tuyệt vời! Nếu như không phải là người tái lai thì ai có thể hội tập đề kinh cực kì hay như vậy!
Điểm đặc sắc thứ ba: y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc đã được hiển lộ rất rõ ràng ở trong đề kinh. Điều này thật đáng quý! Nội đề kinh thôi cũng đã thu hút người khác rồi, nơi tốt như vậy ai mà không muốn đi chứ! Đề kinh này chẳng khác nào là thể lệ chiêu sinh của thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Điểm đặc sắc thứ tư: những gì chúng ta học, chúng ta tu, chúng ta hy vọng chứng đắc, toàn bộ đều nằm trong đề kinh này. Khiến chúng ta vừa đọc đề kinh này sẽ thấy một cảm giác rất thân thiết. Đặc biệt là đối với những đồng tu tu học pháp môn Tịnh độ niệm Phật mà nói, quý vị có cảm giác đang trở về nhà không? Tôi sẽ giải thích cụ thể một chút đề kinh này. Có thể chia làm tám đoạn để giải thích:
Thứ nhất là “Phật”.
Chữ đầu tiên trong đề kinh là “Phật”. “Phật” là dịch âm từ tiếng Phạn của Ấn Độ, là tên gọi tắt của Phật-đà trong tiếng Phạn. Trong chữ Hán của Trung Quốc vốn không có chữ Phật này, sau khi Phật pháp truyền đến Trung Quốc, lúc đó văn tự của Trung Quốc không đủ dùng để phiên dịch kinh Phật, có rất nhiều ý nghĩa mà trong từ vựng của chúng ta không có, vì thế đã tạo ra không ít chữ mới để phù hợp với nhu cầu phiên dịch kinh điển. Chữ Phật chính là từ mới tạo ra. Chữ Phật không có bộ nhân bên cạnh là chữ thời xưa, trước đó đã có rồi, âm đọc khá giống. Người Ấn Độ gọi Phật là bậc đại giác, cho nên mới mượn chữ Phất này, thêm một chữ nhân bên cạnh thì trở thành chữ “Phật”, trở thành danh từ chuyên dùng cho Phật giáo.