/ 100
235

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 04/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 27


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

“Nội tâm thanh tịnh tuyệt trần lao”.

Trần lao là phiền não. “Trần” là ô nhiễm, “lao” là ưu não. Che lấp chân tánh, nhiễu loạn thân tâm, cho nên gọi là trần lao.

“Trí tuệ rộng lớn” thì chắc chắn “nội tâm thanh tịnh”, chắc chắn cũng không có trần lao. Tâm Kinh nói: “Quán Tự Tại Bồ-tát, lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, soi thấy năm uẩn đều không, vượt qua hết thảy khổ ách”. Lúc trí tuệ Bát-nhã hiện rõ, tự nhiên thông đạt chứng tri sắc thọ tưởng hành thức đều là hư vọng. Nhà khoa học hiện nay đều biết vật chất (sắc) là do nhận thức sai lầm của chúng sanh, vọng là không thật sự có, vọng là không. Năm uẩn đều không thì còn khổ ách gì chứ? Đương nhiên cũng không còn trần lao nữa.

“Tuyệt” là đoạn diệt, “tuyệt trần lao” là đoạn tuyệt triệt để hết thảy phiền não.

“Siêu quá vô biên ác thú môn”.

Do trí tuệ như biển, nội tâm thanh tịnh, trừ tận gốc trần lao nên “siêu quá vô biên ác thú môn”. “Ác thú môn” là cánh cửa đến cõi quỷ, cánh cửa đến cõi súc sanh, cánh cửa đến cõi địa ngục. Tại sao lại nói là vô biên? Điều này nói cho bạn biết, ba đường ác nơi nào cũng có thể vào, cánh cửa này là vô biên, vô số, vô lượng. Ở trước, sau, trái, phải của bạn đều là cửa, chỗ bạn nhấc chân lên, đặt chân xuống cũng là cửa, mọi lúc mọi nơi đều có thể bị đọa vào ba đường ác.

Chỉ có trí tuệ rộng lớn, tâm thanh tịnh tuyệt trần lao mới có thể vượt khỏi vô lượng, vô số, vô biên, bất khả thuyết bất khả thuyết ác thú môn. Vì vậy chúng ta phải học theo Bồ-tát, khéo giữ gìn ba nghiệp thân khẩu ý, khéo giữ gìn ý niệm của mình.

Liên quan đến ác thú, ở đây tôi vẫn muốn nói thêm một chút.

Năm 2018, lần đầu tiên phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ, tôi đã nói: không những ba đường ác là ác thú, mà ba đường thiện cũng là ác thú; không những ba đường thiện là ác thú, mà thánh giả Nhị thừa cũng là ác thú; không những thánh giả Nhị thừa là ác thú, mà Quyền Giáo Bồ-tát vẫn là ác thú.

Trong kinh Đại thừa, Phật nói: “Pháp môn niệm Phật thù thắng bậc nhất”, cổ đức xưng tán rằng “viên trong viên, chuyên trong chuyên, đốn trong đốn”, không những ra khỏi tam đồ lục đạo, vượt khỏi Nhị thừa, Quyền Giáo, mà còn không ngừng thăng cấp lên, quả báo ngang bằng với Bồ-tát từ thất địa trở lên. “Thất địa trở lên” là bởi vì sanh tới thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là A-bệ-bạt-trí. A-bệ-bạt-trí là Bồ-tát từ thất địa trở lên, là Bồ-tát địa vị Tam bất thoái. Sự siêu việt này là quá nhiều. Thất địa Bồ-tát thấy lục địa Bồ-tát đều là ác thú.

Nếu như nâng cao lên một chút, phải chăng có thể nói như thế này, Diệu Giác Bồ-tát thấy Đẳng giác Bồ-tát đều là ác thú, chỉ có thành Phật mới là thiện thú. Đây là thể ngộ của cá nhân tôi, nói sai thì tự chịu trách nhiệm nhân quả.

Những lời vừa rồi tôi đã nói hai lần, bạn có thể tiếp nhận không? Bạn có thể tin tưởng không? Nếu như hiện nay bạn không tiếp nhận, không tin tưởng, đó là chuyện bình thường, pháp khó tin mà!

Chư Phật Bồ-tát đều nói pháp môn này khó tin, đây cũng là thực tế, không hề nói quá. Từ địa vị phàm phu như chúng ta, trong chốc lát thăng cấp đến thất địa trở lên, thăng cấp đến Đẳng giác Bồ-tát, ai có thể tin được? Không người nào tin được! Không những người bình thường không tin, mà A-la-hán không tin, Bích-chi Phật không tin, Quyền Giáo Bồ-tát không tin, rất nhiều Bồ-tát minh tâm kiến tánh cũng không tin. Nếu như các ngài tin thì đã sớm thành Phật rồi.

Bạn có thể tin tưởng thì không phải là một chuyện dễ dàng. Bởi vì đời quá khứ bạn từng hành Bồ-tát đạo, cúng dường vô lượng vô biên chư Phật Như Lai, đời này thiện căn hiện tiền, đồng thời lại được mười phương chư Phật Như Lai âm thầm gia trì nên mới có thể tín, mới có thể giải, mới có thể hành, nên nói bạn không phải là phàm phu. Đáng để vui mừng, đáng để trân trọng!

“Tốc đáo Bồ-đề cứu cánh ngạn”.

“Bồ-đề” là giác, “Bồ-đề cứu cánh” là Cứu Cánh Giác. “Ngạn” là bờ bên kia, “cứu cánh” nghĩa là nhất định, hoàn thành, tột cùng. Cứu Cánh Giác là hiểu thấu tận cùng nguồn gốc của tâm cấu nhiễm.

Thỉ Giác hoàn toàn tương đồng với địa vị quả giác Như Lai của Bổn Giác, đạt đến bờ Niết-bàn bên kia. Ý nghĩa của đoạn này chính là vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, một đời thành Phật, thành tựu Phật quả viên mãn rốt ráo, cũng tức là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. “Siêu quá vô biên ác thú môn, tốc đáo Bồ-đề cứu cánh ngạn”, hai câu kệ tụng này là quả báo.

/ 100