/ 100
98

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 03/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 26

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem bài kệ tụng tiếp theo:

Như Lai vi diệu sắc đoan nghiêm

Nhất thiết thế gian vô hữu đẳng

Quang minh vô lượng chiếu thập phương

Nhật nguyệt hỏa châu giai nặc diệu.

Như Lai vi diệu sắc đoan nghiêm

Hết thảy thế gian không ai bằng

Quang minh vô lượng chiếu mười phương

Nhật, nguyệt, hỏa, châu đều ẩn sáng.

Bài kệ này tán thán đức của Phật, tán thán tướng hảo quang minh của Phật.

“Như Lai” là chỉ Thế Gian Tự Tại Vương Phật. “Sắc” là sắc tướng. “Đoan” là đoan chánh. “Nghiêm” là trang nghiêm. Trang nghiêm là tốt đẹp, trong Phật pháp gọi là trang nghiêm tốt đẹp, không ai có thể sánh bằng. Chư Phật Bồ-tát đều là mỹ nam tử, sắc đẹp cũng là phương pháp tiếp dẫn chúng sanh của Phật. Rất nhiều người nhìn thấy Phật rồi không nỡ rời khỏi, ngài thật quá đẹp!

Các đồng tu đã đọc qua kinh Lăng-nghiêm đều biết, tại sao tôn giả A-nan lại xuất gia? Bởi vì nhìn thấy tướng mạo của Phật đẹp quá, A-nan nghĩ, Phật đẹp như vậy, không thể nào do cha mẹ sanh ra được, nhất định là do tu được, A-nan cũng muốn đẹp như Phật, cho nên theo Phật xuất gia, xem thử Phật tu hành phương pháp gì mà tu được đẹp như vậy. Phàm phu đều có tâm tham cầu sắc đẹp, nên Phật dùng phương pháp này để dẫn dụ mọi người. Người xưa nói: “Sắc đẹp có thể khiến người ta quên đói”, Phật liền dùng tướng hảo làm phương pháp, cho nên chư Phật Bồ-tát đều đẹp.

“Sắc” trong bài kệ tụng này là sắc tướng, sắc tướng này là nói sắc tướng cõi Thật Báo Trang Nghiêm và Báo thân của Phật đều “vi diệu”, “đoan nghiêm”. Vi diệu là trí tuệ. Phẩm Tích Lũy Công Đức trong kinh Vô Lượng Thọ, sau khi tỳ-kheo Pháp Tạng phát nguyện trước Phật, liền “trụ chân thật huệ.... nhất hướng chuyên chí trang nghiêm diệu độ”. Có thể chứng minh nguyên nhân thế giới Cực Lạc trang nghiêm đẹp đẽ hơn mười phương cõi nước chư Phật là do đại trí tuệ của tỳ-kheo Pháp Tạng lưu hiện ra.

Vãng Sanh Luận nói: thế giới Cực Lạc Phật trang nghiêm, Bồ-tát trang nghiêm, cõi Phật trang nghiêm.... đều vào trong một câu thanh tịnh, trí tuệ chân thật, pháp thân vô vi. Cũng nói sự trang nghiêm của thân Phật, cõi Phật đều đến từ trí tuệ chân thật, cho nên đẹp đẽ mới lạ, trang nghiêm không thể nghĩ bàn.

“Vi” là tinh vi, nghĩa là tinh diệu và vi tế. Tâm của chúng sanh thô không thể nhập tế, diệu tướng của Phật có vô lượng trang nghiêm, nhưng chúng sanh lại không thể phát giác. “Diệu” là tuyệt diệu, có nghĩa là không thể sánh bằng, không thể nghĩ, khen ngợi không sao bằng được. Chữ diệu lại thêm vào chữ vi, càng vi diệu tột cùng.

“Nhất thiết thế gian vô hữu đẳng”.

Nhất thiết thế gian ở đây là chỉ hết thảy cõi nước trong mười phương. Tỳ-kheo Pháp Tạng khen ngợi sự vi diệu đoan nghiêm của Báo thân, Báo độ, sắc tướng của Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai; các thân, các cõi trong hết thảy thế giới mà tỳ-kheo Pháp Tạng có thể thấy được đều không thể sánh bằng. Bài kệ tán Phật mà chúng ta thường đọc “chỗ con thấy được khắp mười phương, hết thảy không đâu bằng chư Phật” cũng chính là ý này.

“Quang minh vô lượng chiếu thập phương

Nhật nguyệt hỏa châu giai nặc diệu”.

Đây là tán thán trí tuệ quang minh của Phật. Phật có quang minh, phàm phu không thể nhìn thấy Phật quang, không phải Phật quang không chiếu chúng ta, mà do chính chúng ta có chướng ngại.

Quang minh có hai ý nghĩa:

Một, là thân quang, phóng quang, là hào quang trên hình tướng.

Hai, là đại biểu cho trí tuệ. Trí tuệ của Phật rộng lớn viên mãn, trọn khắp mười phương thế giới rộng lớn. Nơi Phật quang chiếu tới, ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, lửa, châu ngọc đều “nặc diệu”. “Nặc” là ẩn tàng; “diệu” là ánh sáng. Trong ánh Phật quang, ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, lửa, châu ngọc đều không hiển hiện. Ví như trăng sáng sao thưa, ánh trăng sáng rỡ thì sẽ nhìn thấy ít sao hơn.

“Châu” là ngọc Ma-ni, cũng gọi là ngọc Như Ý, có ánh sáng rực rỡ. Hội Sớ nói: “Vật sáng nhất trong muôn vật không gì hơn được ngọc Ma-ni”. Muôn vật trên thế gian, ánh sáng của chúng chiếu rọi rực rỡ cũng không thể hơn được ngọc quý Ma-ni, nhưng trong Phật quang, ánh sáng của ngọc Ma-ni cũng không thể hiện ra. Trong quang minh của Phật hiển thị sự thanh tịnh, bình đẳng, trí tuệ, từ bi. Một câu này đã bao hàm vạn đức vạn năng của Như Lai trên quả địa. Tánh đức của Phật như vậy, tánh đức của chúng ta cũng không khác với Phật. Tánh đức của Phật hiển lộ ra, tánh đức của chúng ta bị ẩn tàng, ẩn tàng trong vọng tưởng, chấp trước, phiền não.

/ 100