/ 100
107

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 04/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 28

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem phần kinh văn tiếp theo:

Nguyện đương an trụ tam-ma-địa

Hằng phóng quang minh chiếu nhất thiết

Cảm đắc quảng đại thanh tịnh cư

Thù thắng trang nghiêm vô đẳng luân

Luân hồi chư thú chúng sanh loại

Tốc sanh ngã sát thọ an lạc

Thường vận từ tâm bạt hữu tình

Độ tận vô biên khổ chúng sanh.

Nguyện sẽ an trụ tam-ma-địa

Luôn phóng quang minh chiếu hết thảy

Cảm được cõi thanh tịnh rộng lớn

Trang nghiêm thù thắng không đâu bằng

Chúng sanh luân hồi trong các nẻo

Mau sanh cõi con hưởng an lạc

Thường dùng từ tâm cứu hữu tình

Ðộ hết vô biên chúng sanh khổ.

Tám câu này là tỳ-kheo Pháp Tạng phát đại nguyện cầu thành Phật. Tám câu này là tổng kết của hết thảy những lời nguyện trên, cũng là cốt lõi của bốn mươi tám nguyện của A-di-đà Phật.

“Nguyện đương an trụ tam-ma-địa

Hằng phóng quang minh chiếu nhất thiết”.

Tam-ma-địa chính là niệm Phật tam-muội, chính là chánh định. Lúc an trụ trong chánh định, không ngừng phóng hào quang rộng lớn chiếu khắp hết thảy. An trụ trong chánh định là tịch, là thể; phóng hào quang chiếu khắp hết thảy là chiếu, là dụng. Có thể thì có dụng, thể dụng luôn gắn liền nhau.

Hai câu này cũng chứng tỏ định tuệ đẳng trì. An trụ tam-ma-địa là định, luôn phóng hào quang là tuệ. Cho nên tu trì phải giống như chim có hai cánh, xe có hai bánh, vận dụng cùng lúc, định tuệ phải đẳng trì. Luôn trụ tam-ma-địa lại phóng hào quang chiếu khắp, tịch và chiếu cũng đồng thời. Có người sau khi nhập định thì không thể chiếu; có người vừa chiếu, tâm bèn có chỗ trụ, thậm chí tán loạn, không thể đồng thời. Trong Giáo có một bài kệ nổi tiếng:

“Cảnh vi diệu giả quán vi không,

Năng sở lưỡng vong tức thị trung,

Vong chiếu hà thường hữu tiên hậu,

Nhất tâm dung tuyệt mẫn vô tung”.

Đây cũng là vong-chiếu đồng thời. Người thật sự tu hành có thể bắt đầu từ chỗ này, từ vong-chiếu đồng thời khế nhập tịch-chiếu đồng thời. Tịch là thể, chiếu là dụng, cũng tức là thể dụng không hai. Lý thể và sự dụng không phải là hai, chính là lý sự vô ngại trong kinh Hoa Nghiêm. Lý thì tịch nhiên bất động; Sự thì cảm nhi toại thông, thông là thông đạt, chính là có sự thay đổi. Bất động và thông đạt, ở thân phận chúng sanh thì có mâu thuẫn, có chướng ngại; chỉ có người đạt được vong-chiếu đồng thời mới thật sự thể hội được cảnh giới lý sự vô ngại.

“Cảm đắc quảng đại thanh tịnh cư

Thù thắng trang nghiêm vô đẳng luân”.

“Cảm” là cảm ứng, “cư” là cõi nước. Pháp Tạng Bồ-tát khẩn cầu: nguyện đem công đức tịch chiếu đồng thời, lý sự vô ngại, định tuệ đẳng trì v.v... của chính mình cảm được sự gia trì, đạt được cõi nước rộng lớn thanh tịnh. Thế giới Cực Lạc không có biên giới, đúng là “rộng lớn”. Vãng Sanh Luận Chú nói: “Cõi Phật trang nghiêm vào trong một câu thanh tịnh”. Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ lại nói: “Chẳng còn hết thảy sầu khổ nơi thân tâm, chỉ có vô lượng thanh tịnh hỷ lạc, vì vậy gọi là thế giới Cực Lạc”. Đúng như tâm nguyện của Bồ-tát Pháp Tạng, Cực Lạc là một cõi nước thanh tịnh.

Cõi nước mà Pháp Tạng Bồ-tát cầu không chỉ rộng lớn thanh tịnh, mà còn “thù thắng trang nghiêm vô đẳng luân”. “Vô đẳng luân” là không gì có thể tương đồng, sánh bằng. “Thù thắng” là vi diệu đẹp đẽ, cũng có nghĩa là siêu tuyệt.

Gia Tường Sớ ghi: “Tu đạo nhanh chóng thành Phật nên gọi là siêu tuyệt”. Cho nên thù thắng không những chứng tỏ cảnh sắc ở cõi nước [Cực Lạc] xinh đẹp không gì sánh bằng, mà còn hiển bày sự diệu dụng bao hàm lợi ích chúng sanh. Vì vậy, nước, chim, cây cối đều đang diễn diệu pháp, tùy theo nhận biết của họ mà ban cho pháp tương ứng. “Trang nghiêm” có hai hàm nghĩa là cụ đức và nghiêm tịnh hoa lệ. Nguyện cõi nước thù thắng trang nghiêm, vượt hơn mười phương, không gì có thể sánh bằng.

“Luân hồi chư thú chúng sanh loại

/ 100