/ 100
288

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 02/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 24


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Hôm nay chúng tôi bắt đầu giảng kinh văn phẩm thứ tư.

PHÁP TẠNG NHÂN ĐỊA ĐỆ TỨ

Từ phẩm “Pháp Tạng nhân địa” trở xuống là phần Chánh Tông của kinh này. Phần Chánh Tông giống như cơ thể: tim là hệ thống máu huyết; phổi là hệ hô hấp; dạ dày là hệ tiêu hóa, đều ở trong này, cho nên phần này rất quan trọng.

Kinh văn phẩm này có hai ý nghĩa:

- Ý nghĩa thứ nhất: nói rõ hoàn cảnh phát tâm tu học (chính là sơ phát tâm) của A-di-đà Phật ở nhân địa, giống như chúng ta hiện nay, cũng tức là giới thiệu lịch sử của A-di-đà Phật cho chúng ta, giúp chúng ta hiểu được nguồn gốc lịch sử của thế giới Tây Phương Cực Lạc, khởi phát tín tâm của chúng ta.

- Ý nghĩa thứ hai: dẫn khởi chúng ta nên học theo tỳ-kheo Pháp Tạng. Sự phát tâm, tu hành, thành tựu của ngài đều là tấm gương tốt nhất cho chúng ta, chúng ta nên học tập theo.

Mời xem kinh văn tiếp theo:

Phật cáo A-nan: Quá khứ vô lượng bất khả tư nghị vô ương số kiếp hữu Phật xuất thế, danh Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Tại thế giáo thọ tứ thập nhị kiếp. Thời vị chư thiên cập thế nhân dân thuyết kinh giảng đạo.

Phật bảo A-nan: Vô lượng chẳng thể nghĩ bàn vô số kiếp lâu xa trong quá khứ có Phật xuất thế hiệu là Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai, Ứng Cúng, Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, trụ thế giáo hóa trong bốn mươi hai kiếp. Khi ấy, đức Phật vì chư thiên và người đời thuyết kinh giảng đạo.

“Phật cáo A-nan”. Đây là Phật bắt đầu trả lời câu hỏi của A-nan.

“Quá khứ vô lượng bất khả tư nghị vô ương số kiếp hữu Phật xuất thế”. Câu này nghĩa là thời gian quá dài, “vô ương số” phía trước lại thêm “vô lượng bất khả tư nghị”, vậy thì càng không thể nói rõ, trong nhiều kiếp quá khứ như vậy, có một vị Phật xuất thế, danh hiệu của ngài là “Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai”.

Sách Chân Giải dùng ba đức của Niết-bàn để giải thích danh hiệu Phật:

“Thế gian”, có trí tuệ mới có thể thông đạt thế gian, đây là Bát-nhã đức; “Tự tại”, bị phiền não trói buộc thì không tự tại, tự tại thì được giải thoát, đây là Giải Thoát đức; “Vương” đại diện cho Pháp Thân đức, từ pháp thân lưu hiện ra hết thảy. Thế Gian Tự Tại Vương nhiếp trọn ba đức.

“Như Lai, Ứng Cúng... Phật Thế Tôn”. Đây là mười đức hiệu của Phật. Hết thảy Phật đều có mười đức hiệu, trên thực tế là vô lượng đức hiệu, nhưng giản lược còn mười đức hiệu. Mười đức hiệu của Phật có ý nghĩa khác nhau, cách giải thích này căn cứ theo kinh Niết-bàn, tách Vô Thượng Sĩ và Điều Ngự Trượng Phu thành hai đức hiệu, Phật và Thế Tôn gộp lại thành một đức hiệu.

“Như Lai”.

Như là Chân Như, nương theo đạo Chân Như để thành Chánh Giác, nên gọi là “Như Lai”. Lại nữa, Như Lai là giống như chư Phật quá khứ mà tới vậy, chư Phật quá khứ thuyết pháp độ chúng sanh, chư Phật hiện tại cũng như vậy, cho nên gọi là Như Lai.

Sách Hội Sớ nói: “Như Lai có ba thân: Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Thân”. Kinh Kim Cang nói: “Không từ đâu mà đến, cũng chẳng đi về đâu”, đây là nói về Pháp Thân của Như Lai, cảnh giới của Pháp Thân.

Sách Thiên Thai Thọ Lượng Phẩm Sớ nói: “Ở khắp mọi nơi mà chẳng có khác biệt là Như, bất động mà đến là Lai”. Luận Chuyển Pháp Luân nói: “Ðệ Nhất Nghĩa Ðế gọi là Như, Chánh Giác gọi là Lai”, đệ nhất nghĩa đế, không và có viên dung, vốn không hai, là Như. Tự nhiên khế hợp với đệ nhất nghĩa đế, thành Đẳng Chánh Giác, chính là Báo Thân của Như Lai.

Luận Thành Thật nói: “Từ đạo mà Như Lai quá khứ đã thực hành để thành Vô Thượng Chánh Giác, đây là Ứng Thân của Như Lai”. Thích-ca Mâu-ni Phật thị hiện thành thái tử, ngồi dưới gốc cây, đêm nhìn sao sáng mà thành đạo, đây là Ứng Thân của Như Lai. Vì Như Lai có Pháp Thân, Báo Thân, Hóa Thân, cho nên cũng có ba cách giải thích “Như Lai” khác nhau.

“Ứng Cúng”.

Vạn hạnh của Phật viên mãn, phước tuệ đầy đủ, xứng đáng thọ nhận sự cúng dường của hết thảy trời người, nên xưng là Ứng Cúng.

/ 100