/ 100
227

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 02/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 23


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Tiết học hôm nay trước tiên chúng tôi tổng kết một chút những trọng điểm của kinh văn phẩm thứ ba “Đại Giáo Duyên Khởi Đệ Tam”. Kinh văn phẩm thứ ba không dài, nhưng nội dung rất quan trọng. Chúng tôi giảng hết ba tiết, từ tập 20 đến tập 22, tổng kết lại những trọng điểm như sau để quý vị đồng tu tham khảo.

Trọng điểm thứ nhất: kinh văn phẩm thứ ba là Phát Khởi Tự trong phần Tựa của cả bộ kinh, đại biểu nhân duyên phát khởi bộ kinh này. Bốn mươi tám phẩm trong cả bộ kinh Vô Lượng Thọ có thể chia thành ba phần.

Một, phần Tựa.

Hai, phần Chánh Tông.

Ba, phần Lưu Thông.

Phần Tựa giống như đầu của con người, có lông mày, mắt, tai, mũi, miệng, có thể biểu hiện trí tuệ và thiện ác của người này. Phần Chánh Tông giống như thân thể. Phần Lưu Thông giống như tay chân.

Phẩm thứ nhất và thứ hai của kinh này là Phần Tựa Chung, cũng gọi là Phần Tựa Chứng Tín. Phần này các kinh đều có, trong đó bao gồm sáu loại “Tín, Văn, Thời, Chủ, Xứ, Chúng”, để chứng minh kinh văn thực sự do Phật nói ra. Sáu loại này, trong Giáo gọi là “sáu loại thành tựu”. Người giảng là ai? Nghe xong giảng lại là ai? Thời gian, địa điểm, đại chúng cùng nghe là ai? Đều viết rõ ràng để chứng minh việc giảng kinh là sự thực.

Căn cứ vào kinh này mà nói, sáu loại thành tựu là:

Một, “Như thị” là Tín Thành Tựu.

Hai, “Ngã văn” là Văn Thành Tựu.

Ba, “Nhất thời” là Thời Thành Tựu.

Bốn, “Phật” là Chủ Thành Tựu.

Năm, “Trong núi Kỳ-xà-quật tại thành Vương-xá” là Xứ Thành Tựu.

Sáu, chúng Thanh văn, chúng Bồ-tát v.v... là Chúng Thành Tựu.

Kinh văn phẩm thứ ba là Phần Tựa riêng, Phần Tựa riêng là phần Tựa chỉ kinh này mới có. Phần Tựa riêng còn gọi là Phần Tựa Phát Khởi, phát khởi chánh văn của kinh này. Sáu loại thành tựu của hai phẩm đầu tiên trong kinh là Chánh Tín, trong Phát Khởi Tự lại có năm lần Chứng Tín.

Thứ nhất, phóng quang hiện tướng lành, trước nay chưa từng có.

Thứ hai, ngài A-nan biết được nhất định là do chư Phật niệm nhau.

Thứ ba, Phật tán thán A-nan rằng hết thảy hàm linh trong tương lai đều nhờ câu hỏi của A-nan mà được độ thoát.

Thứ tư, Phật nói với A-nan, sở dĩ Phật xuất hiện ở đời là để mang lại lợi ích chân thật cho chúng sanh. Lợi ích chân thật là biển nguyện Di-đà, danh hiệu Di-đà, niệm Phật vãng sanh.

Thứ năm, tuyên thuyết định tuệ của Phật thông suốt rốt ráo không cùng tận, một sát-na bình đẳng với vô lượng kiếp, đối với hết thảy pháp được tự tại tối thắng.

Trên đây là năm lần Chứng Tín. Bởi vì diệu pháp Tịnh tông và thánh trí của Như Lai đều không phải là điều mà hàng Đẳng Giác Bồ-tát có thể biết được, chỉ Phật với Phật mới có thể hiểu được rốt ráo. Công đức chân thật của biển nguyện Nhất Thừa, sáu chữ hồng danh cũng không phải là điều mà phàm phu có thể nằm mơ thấy được. Vì vậy Phật chỉ đành tuyên thuyết định tuệ diệu dụng không thể nghĩ bàn của chính mình, khuyên hàng hậu học mặc dù không thể hiểu được pháp môn tín nguyện trì danh vi diệu mà Phật đã nói, nhưng hãy nên kính tin, hoan hỷ tôn trọng, y giáo phụng hành. Tu tập lâu ngày thì càng ngày sẽ càng hiểu rõ hơn.

Trọng điểm thứ hai: nhận thức hàm nghĩa sâu xa của chân thật chi tế và chân thật chi lợi. Kinh văn trong phần Tựa giới thiệu hai loại chân thật: chân thật chi tế và chân thật chi lợi, hai loại này giống với hai đoạn mở đầu mà Liên Trì đại sư nói trong Di-đà Sớ Sao.

Đoạn thứ nhất: “thông suốt thấu triệt, thường hằng tịch tĩnh, không đục không trong, không quay lưng không hướng đến, chân thể lớn lao thay! Chỉ có tự tánh không thể nghĩ bàn!” Vì vậy, chúng ta khai hóa hiển thị chân thật chi tế, chỗ rốt ráo chân thật chính là tự tánh, chính là chân thể lớn lao thông suốt thấu triệt, thường hằng tịch tĩnh. Đây chính là chân thật chi tế của kinh này.

Đoạn thứ hai: vốn dĩ không có đục, không có trong, không quay lưng, không hướng đến, nhưng chúng sanh đã đục, đã quay lưng, bội giác hợp trần, nên cần gạn lọc lại. “Gạn lọc ô trược thì thanh tịnh”, gạn lọc những thứ vẩn đục; “ngược với quay lưng thì hướng đến”, biến bội giác thành hướng giác. “Vượt khỏi ba a-tăng-kỳ trong một niệm”, tu hành trong ba đại a-tăng-kỳ kiếp mới có thể thành Phật, đây là cách tu mà Chung Giáo kiên trì, thế nhưng một niệm thì có thể vượt qua, một câu danh hiệu có thể thành tựu quả giác vô thượng, đồng thời “ngang với chư thánh nhờ một câu”. Các vị thánh nhân Văn-thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Thế Chí, bạn niệm một câu Nam-mô A-di-đà Phật thì bình đẳng, bình đẳng.

/ 100