/ 100
92

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 01/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 22

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem câu kinh văn tiếp theo:

Như Lai định tuệ, cứu sướng vô cực. Ư nhất thiết pháp, nhi đắc tối thắng tự tại cố.

Định tuệ của Như Lai thông suốt rốt ráo không cùng tận. Đạt được tự tại tối thắng với tất cả pháp.

Định là thiền định, tuệ là trí tuệ, cứu là rốt ráo, sướng là thông suốt. Vô cực là không có giới hạn, không cùng tận. Định tuệ đều là tự tánh vốn sẵn đầy đủ. Lúc đại sư Huệ Năng minh tâm kiến tánh đã nói năm câu, câu thứ ba là “vốn tự đầy đủ”, đây là tuệ, vốn tự đầy đủ là trí tuệ; câu thứ tư là “vốn không dao động”, đó là định, tự tánh vốn định.

Tại sao ở đây chỉ nhắc tới “định tuệ”? Bởi vì trong lục độ vạn hạnh, hai cánh cửa này tôn quý nhất, giống như hai bánh xe, tựa như hai cánh chim. Đại sư Vĩnh Minh nói: “Định là tướng quân, tuệ là tể tướng, có thể giúp tâm vương thành vô thượng, mãi làm cửa ngõ để quần sanh chứng đạo, chính là cổ Phật Bồ-đề”. Ngài lại nói: “Định tuệ đều tu không xao lãng, một niệm về ngay nơi chân giác”.

“Định tuệ của Như Lai thông suốt rốt ráo không cùng tận”, đạt đến tột cùng, bởi vì “đạt được tự tại tối thắng với tất cả pháp”, thoát khỏi sự trói buộc của phiền não, thông đạt các pháp, không có chướng ngại, gọi là tự tại.

Đạt được sự “tự tại” này mới có thể dạy người khác. Từ đây chúng ta có thể biết được, đại đức xưa giảng kinh dạy học, nhất định là có tu có chứng, quả vị chứng đắc không cao cũng không sao, các ngài có chứng, hoặc là chứng thập tín vị, hoặc là thập trụ vị, thập trụ của Biệt giáo, hoặc chứng thập hạnh vị, thập hồi hướng vị, có thể thuyết pháp cho hết thảy chúng sanh.

Hai câu kinh văn này là tán thán A-di-đà Phật. Chư Phật tán thán A-di-đà Phật là “ánh sáng tôn quý nhất, vua trong các vị Phật”, nên đối với pháp, ngài được tự tại tối thắng. Chúng ta vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, trong đại pháp hội của A-di-đà Phật, cũng đạt được giai vị này mới rời khỏi thế giới Cực Lạc, nếu chưa đạt đến giai vị này thì sẽ không rời khỏi thế giới Cực Lạc. Như vậy có nghĩa là chứng đắc Phật quả viên mãn rốt ráo nhất định là ở thế giới Cực Lạc.

Làm thế nào để “đạt được tự tại tối thắng với tất cả pháp”? “Tâm thoát khỏi sự trói buộc của phiền não, thông đạt vô ngại, gọi đó là tự tại”. Hoàn toàn thông đạt thấu suốt chân tướng của hết thảy các pháp, được đại tự tại, như vậy mới có thể giáo hóa hết thảy chúng sanh.

Bồ-tát vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, A-di-đà Phật dùng uy thần tự tại, trí tuệ tối thắng của bốn mươi tám nguyện gia trì cho bạn, trong một niệm bạn tiếp nhận sự gia trì của A-di-đà Phật thì trí tuệ, thần thông, đạo lực của bạn cũng gần giống với A-di-đà Phật, có được lợi ích thù thắng như vậy. Nếu như bạn có tâm đại bi, tâm từ bi khẩn thiết, tôi có năng lực này rồi, nhìn thấy chúng sanh trong lục đạo thập pháp giới chịu nỗi khổ luân hồi, bạn không nhẫn tâm, liền xuống đây ngay lập tức. Sau khi xuống đây, nên dùng thân gì để độ thoát thì dùng thân đó. Hoàn toàn cảm ứng đạo giao với chúng sanh, chúng sanh có cảm, bạn liền có ứng. Uy thần bổn nguyện của A-di-đà Phật có sức mạnh lớn đến như vậy, vì vậy người vãng sanh đến thế giới Cực Lạc đều được Phật gia trì, nên tự tại tối thắng.

Kinh Hoa Nghiêm có mười sự tự tại, lần đầu phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ, tôi đã từng giới thiệu với các đồng tu, lần này tôi vẫn muốn nói chi tiết hơn với mọi người về mười sự tự tại, mong các bạn đồng tu của tôi, ai cũng có thể đạt được mười sự tự tại này.

Một, mạng tự tại.

“Bồ-tát có được huệ mạng trường thọ, trải qua vô lượng A-tăng-kỳ kiếp trụ trì thế gian không có chướng ngại”. Mạng tự tại, người chứng quả có thể làm được, người vãng sanh thế giới Cực Lạc có thể làm được. Sanh đến thế giới Cực Lạc, chưa chứng quả cũng như đã chứng quả, đây là A-di-đà Phật gia trì, bằng với chứng quả. Giáo hóa chúng sanh trong mười phương thế giới, người hữu duyên đều được độ hết thì chư Phật Bồ-tát không trụ thế nữa, các ngài nhập Bát Niết-bàn; nếu vẫn còn một người hữu duyên chưa được độ thoát thì các ngài vẫn trụ trên thế gian này, phải giúp đỡ người này giác ngộ, cho nên thọ mạng của các ngài dài ngắn tự tại.

/ 100