/ 100
383

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 21/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 1

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Hôm nay là ngày 21/11/2020, là một ngày đáng để kỷ niệm. Từ hôm nay trở đi tôi bắt đầu phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai, nguyện đem công đức này hồi hướng cho lão pháp sư thượng Tịnh hạ Không.

Báo đáp ân sư ơn tri ngộ,

Y giáo phụng hành an lòng Thầy.

Ân pháp nhũ thật khó báo đáp,

Toàn tâm toàn lực hoằng đại kinh.

Thỉnh cầu ân sư thương xót chúng sanh khổ mà trụ thế độ quần manh! Chúng ta đều làm học trò ngoan biết nghe lời. Hôm nay là ngày 21/11/2020, là ngày kỷ niệm Bồ-tát Lưu Tố Thanh vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc tròn 8 năm, chúng tôi giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai, lấy việc này biểu đạt sự tưởng nhớ và cảm ân sâu sắc của chúng ta dành cho Bồ-tát Lưu Tố Thanh.

Năm 2018, lần đầu tiên tôi phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ, tổng cộng 70 tập. Năm 2019, tôi giảng chuyên đề báo cáo kinh Vô Lượng Thọ tổng cộng 33 tập. Năm nay là năm 2020, là lần thứ hai tôi phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ, ý nghĩa càng sâu sắc hơn. Tại sao phải phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai? Dùng một câu khái quát là: bộ kinh này quan trọng. Tác dụng, tầm ảnh hưởng, giá trị, địa vị, ý nghĩa sâu xa của bộ kinh này có thể nói là không thể suy tính đo lường được, thật sự là không thể nghĩ bàn. Không một bộ kinh nào có thể thay thế được. Tức là kinh Hoa Nghiêm hay kinh Pháp Hoa cũng không thể thay thế được, sau cùng cũng phải quy về kinh Vô Lượng Thọ.

Sách giáo khoa và kinh điển không giống nhau, sách giáo khoa chỉ có một ý nghĩa, cũng chỉ có một cách nói. Kinh Phật thì không như vậy, hàm nghĩa sâu rộng không gì bằng, có thể giảng sâu, cũng có thể giảng cạn. Mỗi lần giảng đều sẽ có ý mới, bởi vì cảnh giới đã khác, người giảng có cách hiểu mới, người nghe cũng có cách hiểu mới, theo cách nói của lão pháp sư, đây gọi là lần sau tốt hơn lần trước.

Mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai cùng tuyên thuyết vô lượng kiếp, rồi lại vô lượng kiếp mà vẫn chưa thuyết xong, chúng ta giờ mới bắt đầu, mới nói một chút xíu mà thôi, con đường sau này còn dài, đâu chỉ phúc giảng một lần, hay phúc giảng hai lần, chúng ta phải liên tục phúc giảng không cùng tận, khiến cho cây gậy tiếp sức phúc giảng này được truyền lại lâu dài về sau, vĩnh viễn không đứt đoạn.

Lão pháp sư thượng Tịnh hạ Không đã trở thành tấm gương cho chúng ta, ngài đã tuyên giảng kinh Vô Lượng Thọ mười mấy lần, cho đến hôm nay ngài đã 94 tuổi mà vẫn còn đang giảng, chúng ta còn có lý do gì mà không giảng nữa?

Chúng ta là đệ tử Phật, đã quy y cửa Phật, nếu như đã quy y cửa Phật, thì phải nói lời trong cửa Phật, làm việc trong cửa Phật. Trong cửa Phật thì điều gì là quan trọng nhất? Tiếp nối huệ mạng Phật, hoằng pháp lợi sanh là quan trọng nhất. Chúng ta là đệ tử Phật, có trách nhiệm, có nghĩa vụ gánh vác trọng trách tiếp nối huệ mạng Phật, hoằng pháp lợi sanh. Gánh vác trọng trách không thể chỉ nói ngoài miệng được, phải áp dụng vào trong hành động thực tế, cách thực hành tốt nhất đó là hoằng dương bộ kinh Vô Lượng Thọ này.

Phúc giảng như thế nào? Nguyên tắc căn bản không thay đổi. Vẫn giữ vững nguyên tắc căn bản là “thuật lại mà không sáng tác, tin tưởng và yêu thích lời người xưa”, không được mảy may lệch khỏi quỹ đạo, lý niệm căn bản của lão pháp sư là: không được nghĩ ra cách độc đáo mới lạ, phát minh sáng tạo; không được bằng mặt mà không bằng lòng, làm theo cách khác; tuân theo lời dạy của lão pháp sư, không được huênh hoang cao giọng. Phúc giảng lần thứ hai có chỗ nào khác vậy? Chỗ khác biệt thứ nhất là lần phúc giảng này sẽ nói trọng điểm nổi bật của mỗi một phẩm, không nói sơ lược. Phải từ trên nền tảng của lần phúc giảng thứ nhất mà tiến thêm một bước nữa, tinh lọc trọng điểm, tức là tôi sẽ hết sức tinh lọc phần cốt lõi trọng tâm của mỗi phẩm, giúp quý vị đồng tu tu học thuận tiện hơn. Chỗ khác biệt thứ hai là dùng phương pháp phân chia thứ lớp, từng bước thâm nhập, trọng tâm giải quyết vấn đề làm thế nào kết hợp lý luận vào thực tiễn. Hay nói cách khác là làm thế nào áp dụng Phật pháp vào trong cuộc sống, học phải đi đôi với hành. Đây là chỗ vướng mắc mà lần phúc giảng này chúng ta phải đột phá.

/ 100