/ 100
259

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 30/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 19


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Nội dung của tiết học này chúng tôi sẽ tổng kết trọng tâm từ tập 10 đến tập 18.

Từ nửa phần sau của tập 10 cho đến hết tập 18 đều là nội dung kinh văn của phẩm thứ hai: “Đức Tuân Phổ Hiền Đệ Nhị”. Một phẩm kinh văn đã giảng hết tám tập rưỡi, có thể thấy được vị thế quan trọng của phẩm kinh này trong bộ kinh này. Tiếp theo tôi sẽ nói một chút những trọng điểm của phẩm kinh văn này để các đồng tu tham khảo.

- Trọng điểm thứ nhất: hàm nghĩa sâu xa của đức tuân Phổ Hiền là gì?

Một, tán thán các vị Bồ-tát tham gia pháp hội kinh Vô Lượng Thọ này, đồng thời cũng tán thán hết thảy các vị Bồ-tát ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, các ngài đều tu học thập đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ-tát.

Hai, thế giới Tây Phương Cực Lạc là pháp giới của Phổ Hiền Bồ-tát. Chúng ta phát tâm cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì nhất định phải hiểu rõ hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát. Sau khi hiểu rõ phải học tập, phải thực hành.

Ba, đức của Phổ Hiền Bồ-tát không thể nói hết được. Ngài là trưởng tử của Hoa Nghiêm, trong pháp hội Hoa Nghiêm, Phật là pháp vương, trong số những người nghe pháp, Phổ Hiền Bồ-tát là trưởng tử, trưởng tử là người kế thừa của pháp vương.

Bốn, điểm tâm yếu cốt lõi nhất trong vô lượng vô biên công đức của Phổ Hiền Bồ-tát chính là thập đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ-tát dẫn về Cực Lạc. Đây là chỗ quy về của kinh Hoa Nghiêm. Thánh chúng tham gia pháp hội tu theo đức của ngài Phổ Hiền, đương nhiên cũng là tu theo thập đại nguyên vương dẫn về Cực Lạc.

- Trọng điểm thứ hai: mười sáu vị Chánh sĩ: ngài Hiền Hộ v.v... đại biểu điều gì?

Một, mười sáu đại biểu cho viên mãn. Mười sáu vị Chánh sĩ đại biểu cho vô lượng vô biên Chánh sĩ. Chánh sĩ là Bồ-tát tại gia, Đại sĩ là Bồ-tát xuất gia. Chánh sĩ và Đại sĩ cùng một cấp bậc, đều là Đẳng Giác Bồ-tát.

Hai, kinh văn trong phẩm này kể tên mười sáu vị thượng thủ của chúng tại gia, mà trong phẩm thứ nhất chỉ kể tên ba vị thượng thủ của chúng xuất gia. Điều này chứng tỏ: pháp môn Tịnh độ vô cùng thích hợp cho người tại gia tu trì, đối tượng độ thoát chủ yếu của bộ kinh này là người tại gia, đức Phật chuyên giảng bộ kinh này cho người tại gia. Nói chính xác hơn là đức Phật chuyên giảng cho tôi. Làm sao báo đáp đại ân đại đức của Phật? Pháp môn Tịnh độ thù thắng vi diệu ở chỗ “không rời Phật pháp mà thực hành pháp thế gian, không bỏ pháp thế gian mà chứng Phật pháp”. Pháp môn này khế hợp với tình hình xã hội hiện nay và trong tương lai, rất thích hợp cho người tại gia tu học.

Ba, Chánh sĩ “Hiền Hộ”. Tiếng Phạn là “Bạt-đà-hòa”, Hán dịch là Hiền Hộ, Hiền Thủ (賢首), Hiền Thủ (賢守), Thiện Thủ. Công đức danh hiệu của ngài rất lớn, chúng sanh chỉ cần nghe được danh hiệu của ngài nhất định có được ba loại Bồ-đề: tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Bởi vì ngài thủ hộ chúng sanh cho nên gọi là Thiện Thủ. Hiền Hộ Bồ-tát là đệ tử tại gia tu học Tịnh độ của Thích-ca Mâu-ni Phật, địa vị của ngài tương đương với Quán Âm, Thế Chí, Văn-thù, Phổ Hiền Bồ-tát, đều là vượt qua Đẳng Giác Bồ-tát của Thập địa. Hiền Hộ Bồ-tát là người phát khởi niệm Phật tam-muội, có nguồn gốc rất sâu với Tịnh tông, ngài tận mắt thấy A-di-đà Phật, vì vậy ngài là thượng thủ của chúng tại gia, tham gia pháp hội, giúp Thích-ca Mâu-ni Phật tuyên dương pháp môn vô thượng niệm Phật tam-muội. Ngoài cư sĩ Duy-ma-cật, Hiền Hộ Bồ-tát là vị cư sĩ đại đức tại gia cực kỳ thù thắng. Trong mười sáu vị Bồ-tát thượng thủ của chúng tại gia, vị đầu tiên là Hiền Hộ Bồ-tát, Bồ-tát thị hiện ở thế giới Ta-bà, ngài là đệ tử của Thích-ca Mâu-ni Phật khi Phật còn tại thế. Mười lăm vị còn lại đều từ thế giới phương khác đến núi Linh Thứu nghe pháp, tham gia pháp hội thù thắng không gì sánh bằng này, tới làm ảnh hưởng chúng. Đây cũng là biểu pháp, biểu pháp gì? Vô lượng vô biên chư Phật trong mười phương thế giới đều giảng kinh Vô Lượng Thọ, vô lượng vô biên chư Phật trong mười phương thế giới đều hộ niệm kinh Vô Lượng Thọ. Pháp hội kinh Vô Lượng Thọ này thù thắng không gì sánh bằng là do hết thảy mười phương chư Phật tuyên thuyết. Câu này rất quan trọng, không chỉ có mỗi Thích-ca Mâu-ni Phật tuyên thuyết, mà hết thảy chư Phật tuyên thuyết, nghiệm chứng cho chúng ta thấy kinh Vô Lượng Thọ là Di-đà bổn nguyện hải, là bộ kinh thỏa bổn hoài của Phật. Mười lăm vị Bồ-tát còn lại đến từ thế giới phương khác cũng là đang biểu pháp. Chúng ta phải hiểu sơ bộ tình hình biểu pháp của các ngài:

/ 100