/ 100
238

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 30/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 20

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Từ hôm nay trở đi chúng tôi bắt đầu giảng kinh văn của phẩm thứ ba:

ĐẠI GIÁO DUYÊN KHỞI ĐỆ TAM

Kinh văn trong phẩm này là Thế Tôn thị hiện tướng lành hiếm có, phóng quang cảm động tôn giả A-nan. Ngài A-nan thưa hỏi, Thế Tôn trả lời, diễn thuyết biển nguyện của đức Di-đà, pháp bảo hiếm có khó gặp nhất, [đó là] Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh.

Mời xem câu kinh tiếp theo:

Nhĩ thời Thế Tôn, uy quang hách diệc, như dung kim tụ, hựu như minh kính, ảnh sướng biểu lý. Hiện đại quang minh, số thiên bá biến.

Bấy giờ đức Thế Tôn uy thần quang minh sáng rỡ mạnh mẽ, như ánh sáng của vàng nung chảy, cũng như gương sáng, trong ngoài đều tỏ. Hiện ánh sáng lớn, trăm ngàn sắc tướng xinh đẹp.

Đoạn kinh này [miêu tả] đức Phật phóng quang hiện tướng lành. “Uy quang hách diệc”, quang minh do Phật phóng ra dũng mãnh uy nghiêm, sáng chói rực rỡ, khiến người nhìn thấy được quang minh này sanh tâm kính sợ. “Như dung kim tụ”, lại giống như sự chói sáng rực rỡ của vàng sau khi bị nung chảy, tụ lại với nhau, đẹp không tả xiết. Đây là nói hào quang, nghi dung, tinh thần của Phật không giống ngày thường, trước đây chưa từng thấy, đây là tán thán tướng hảo của Phật.

“Hựu như minh kính, ảnh sướng biểu lý”, thân tâm của Phật thuần tịnh thanh khiết không gì sánh bằng, không nhiễm chút bụi trần. Quang minh của thân Phật giống như tấm gương, trong ngoài đều trong suốt, giống như pha lê, đây là tướng lành.

“Hiện đại quang minh, số thiên bá biến”, chữ đại này biểu thị ánh sáng này vô cùng thù thắng, sáng ngời rộng lớn. Hình sắc của ánh sáng thiên biến vạn hóa, đẹp không tả xiết. Trong ánh sáng có màu sắc, trong màu sắc có ánh sáng, hoán đổi lẫn nhau; hình dạng của ánh sáng cũng không ngừng biến đổi, càng biến càng đẹp.

Sáu câu kinh văn vừa rồi nói Thế Tôn phóng quang hiện tướng lành. Đây là nhân duyên đầu tiên khởi xướng bộ kinh này.

Mời xem đoạn kinh văn tiếp theo:

Tôn giả A-nan tức tự tư duy: Kim nhật Thế Tôn, sắc thân chư căn, duyệt dự thanh tịnh, quang nhan nguy nguy, bảo sát trang nghiêm, tùng tích dĩ lai, sở vị tằng kiến. Hỷ đắc chiêm ngưỡng, sanh hy hữu tâm.

Tôn giả A-nan liền tự suy nghĩ: Ngày nay sắc thân các căn của đức Thế Tôn hoan hỷ thanh tịnh, dung nhan sáng ngời tôn quý, cõi nước trang nghiêm, từ trước đến nay chưa từng thấy. Vui mừng được chiêm ngưỡng, sanh tâm hy hữu.

“Tôn giả A-nan tức tự tư duy”, ngài A-nan là thị giả của Phật, đã chứng được Sơ quả, mỗi lần Phật giảng kinh ngài đều tham gia. Trong hội Pháp Hoa đức Phật công bố, “ta cùng nhóm ông A-nan cùng lúc ở chỗ Không Vương Phật đồng thời phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, A-nan ưa thích đa văn, ta thường siêng tinh tấn, vì vậy nay ta đã đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. A-nan sẽ phải hộ trì pháp của ta, cũng hộ trì pháp tạng của chư Phật trong tương lai, giáo hóa thành tựu chúng Bồ-tát”. Ngài A-nan vẫn chưa thành Phật, có thể thấy được ngài A-nan và Thế Tôn cùng lúc phát tâm ở chỗ Không Vương Phật, một trong những nhiệm vụ của ngài A-nan là giáo hóa chúng Bồ-tát, cũng tức là có thể làm thầy của Bồ-tát, đây chính là bổn tích của ngài A-nan, chứng Sơ quả chỉ là thị hiện.

Trên thực tế, những gì ngài A-nan hiển hiện trong một đời: ngài là nhân vật vô cùng quan trọng của đại giáo. Một, ngài kết tập kinh tạng; hai, truyền tâm ấn của Phật, ngài là tổ thứ hai của Thiền tông; ba, trong Mật điển gọi A-nan là Tập Pháp Kim Cang, ngôi vị Kim Cang đồng với Như Lai. Sau khi giáo chủ Mật giáo - Đại sĩ Liên Hoa Sanh ra đời, ngài lãnh thọ pháp do Thích-ca Mâu-ni Phật truyền trao lại từ chỗ A-nan. Cho nên A-nan hộ trì Phật pháp là bổn nguyện của ngài. Ngài thị hiện làm thị giả của Phật, hơn nữa lại truyền thừa hai tông phái Thiền và Mật, tiếp nối huệ mạng Phật, tiếp nối người trước, dẫn dắt người sau. Do vậy, ngài là người đương cơ trong kinh Vô Lượng Thọ. Một mình ngài A-nan tụ hội cả Thiền, Mật, Tịnh, Phật pháp là một không phải hai, pháp môn là một không phải hai. Nói rộng ra hơn, tôn giáo là một không phải hai. Vạn pháp quy nhất, tuy khác đường nhưng cùng đích đến, đều quy về kinh Vô Lượng Thọ, quy về A-di-đà Phật.

/ 100