/ 100
107

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 29/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 18

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Tiết học trước tôi có nói đến: Chúng ta làm thế nào trở thành tấm gương tốt cho chúng sanh? Thứ nhất là làm tấm gương tốt về làm người, tôi có nói năm điều: Một, làm người chân thành, không làm người giả dối; Hai, làm người bao dung người khác, không làm người thích so đo tính toán; Ba, làm người không có tâm đố kỵ, ưa thích tùy hỷ công đức; Bốn, làm người có đức hạnh, chỉ cống hiến không đòi hỏi; Năm, làm người hiếu thân tôn sư, tin lời thầy dạy, y giáo phụng hành.

Hôm nay chúng ta tiếp tục giao lưu: Làm thế nào để trở thành tấm gương tốt cho người tu hành? Có đồng tu hỏi, người tu hành phải có bộ dạng ra sao? Dựa vào trải nghiệm và thể hội của cá nhân tôi thì quy nạp thành những điều sau:

Điều thứ nhất là nhìn thấu buông xuống, vạn pháp đều không.

Tôi học Phật 20 năm, miễn cưỡng được xem là người tu hành. Tôi hỏi chính mình, hai mươi năm tu hành rốt cuộc đang tu điều gì? Đối với vấn đề này, có lẽ câu trả lời của mỗi người đều khác nhau. Câu trả lời của tôi là tôi đang tu nhìn thấu, buông xuống. Phật nói với chúng ta thế giới này là giả, không phải là thật, bạn đừng coi nó là thật. Nhưng mà tôi không tin, rõ ràng là thật mà, sao lại nói là giả? Bởi vì xem giả thành thật nên tôi chấp trước, tôi nghiêm trọng hóa vấn đề, gặp chuyện thì nhất định phải làm rõ một là một, hai là hai, phải làm rõ ai đúng ai sai, ai cao ai thấp, thật khổ! thật mệt! thật phiền! Ra sức phân cao thấp, khăng khăng ý mình, ra sức kéo mình ngã sấp xuống. Ngã sấp xuống rồi, phải đối mặt với cái chết bất kỳ lúc nào, là chuyện xấu. Nhưng chuyện xấu đã biến thành chuyện tốt rồi. Tôi gặp được Phật pháp, tôi đã được cứu, tôi giữ được tánh mạng, có được huệ mạng.

Học Phật 20 năm, tôi học hiểu được một chuyện. Rốt cuộc Thích-ca Mâu-ni Phật đã giảng điều gì trong 49 năm? Theo cách hiểu của tôi đó là giảng bốn chữ: “Nhìn thấu, buông xuống”. Tam tạng mười hai bộ kinh mênh mông như biển, những điều nói ra đều là bốn chữ này. Dùng một câu để khái quát: Nhìn thấu là hiểu được chân tướng sự thật, buông xuống là vạn pháp đều không.

Những điều trong kinh Kim Cang đã nói hoàn toàn chính xác, không một pháp nào có thể giữ lại được. “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Hai câu này, mọi người đều có thể chứng đắc, chỉ cần bạn nhìn thấu được, buông xuống được. Nhìn thấu rồi, buông xuống rồi, thật sự được đại tự tại!

Bây giờ quay đầu nhìn lại, nhìn xem những việc mà trước đây tôi coi là việc thật, có việc nào là việc thật? Toàn bộ đều không phải việc thật, đúng là “thế gian vốn vô sự, kẻ ngu tự nhiễu loạn”. Tôi tự làm khổ mình hơn 50 năm mà cũng không biết. Không yên hơn 50 năm, nên đã khổ hơn 50 năm, mệt mỏi hơn 50 năm, phiền não hơn 50 năm. Bây giờ nghĩ lại, ngu si biết bao, oan uổng biết mấy!

Nếu như vào năm 2000 tôi không gặp được kinh Vô Lượng Thọ, không gặp được lão pháp sư thượng Tịnh hạ Không, có lẽ kết cục của tôi sẽ như thế này: thứ nhất là không qua được cửa ải bệnh khổ, chết vì bệnh; thứ hai là tôi tự sát. Lúc đó tôi không mong muốn được sống, mong muốn được chết vô cùng mãnh liệt, muốn chết đi cho xong, hết thảy đều giải thoát. Lúc đó không phải là tín tâm cầu sanh Tịnh độ kiên định, mà hoàn toàn là một sự trốn tránh. Trốn tránh điều gì? Trốn tránh sự vô vọng, bơ vơ, bất lực; trốn tránh mười vạn câu hỏi vì sao mà tôi không tìm ra câu trả lời.

Lúc con người mê mờ, sự đau khổ trong nội tâm khó mà diễn tả thành lời, tại sao tôi lại tận lực khuyên bảo các đồng tu phải mở rộng tâm lượng, cởi bỏ trói buộc? Bởi vì tôi đã từng trải qua, tôi biết bị trói buộc khổ biết mấy, cởi bỏ được trói buộc vui vẻ biết bao, tự tại biết bao!

Làm thế nào để cởi bỏ trói buộc? Nhìn thấu, buông xuống. Người tu hành phải làm người biết nhìn thấu được, buông xuống được, không làm người tự làm khổ mình.

Điều thứ hai là mang tấm lòng đại ái, phổ ái chúng sanh.

Chú ý chữ “đại” trong từ đại ái, chữ “phổ” trong từ phổ ái. Đại ái không phải tiểu ái, phổ ái là yêu thương trọn khắp, không phải là tình yêu thương có chọn lựa. Thích thì yêu thương, không thích thì không yêu thương, vậy thì sai lầm lớn rồi.

/ 100