PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 27/11/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 14
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
Mời xem hai câu kinh văn tiếp theo:
Thiện lập phương tiện, hiển thị Tam thừa.
Khéo lập phương tiện, hiển thị Tam thừa.
Thiện là thiện xảo, vô cùng xảo diệu. Tâm địa tự tánh thanh tịnh, chẳng lập một pháp. Năm xưa Phật còn tại thế, lập nên pháp Tam thừa. Tam thừa là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ-tát thừa. Tam thừa là tùy thuận chúng sanh mà lập ra, trong quan niệm của Phật không có điều này, không những không có tam thừa, mà nhất thừa cũng không có. Có nhất thừa cũng là sai lầm.
Vậy thì tại sao lại có thuyết nhất thừa, tam thừa? Đó là vì nhu cầu giáo hóa chúng sanh, chúng sanh có cảm, Phật Bồ-tát tự nhiên có ứng.
Chúng ta nên nhận thức như thế này, pháp nhất thừa lập ra để đối lập với pháp tam thừa, nhất định không được chấp trước. Nếu bạn thật sự chấp trước có nhất thừa có tam thừa, vậy thì sai rồi, đó là vọng tưởng, phân biệt. Các vị Bồ-tát trong hết thảy cõi nước chư Phật đều tùy duyên độ chúng, nên dùng thân nào để độ chúng sanh thì Bồ-tát hiện thân đó độ thoát.
Sách Pháp Hoa Nghĩa Sớ giải thích về phương tiện như sau: “Phương tiện là tên của thiện xảo, thiện xảo là ứng dụng của trí”. Phương tiện là tên của thiện xảo. Bình thường chúng ta hay nói hai từ này cùng nhau là phương tiện thiện xảo. Ví dụ như người nào đó giỏi thuyết pháp, có thể dùng phương pháp xảo diệu cứu độ chúng sanh, thì gọi là thiện xảo. Nói rõ hơn một chút, thiện xảo là ứng dụng của trí tuệ. Tác dụng hiển hiện ra từ bản thể trí tuệ gọi là phương tiện.
Kinh Duy-ma-cật nói như sau: “Bát-nhã ba-la-mật là mẹ của Bồ-tát, phương tiện được xem là cha”. Chúng ta xem đại trí tuệ là gốc, theo đó mà lập ra pháp môn, ứng cơ thuyết pháp, tùy duyên cứu độ, đây là phương tiện. Phương tiện rất quan trọng, là cha của chúng sanh.
Hội Sớ nói phương tiện có hai loại:
Loại thứ nhất là: “Hiểu sâu về Không mà chẳng chấp tướng thọ chứng”.
Câu này có hai cách lý giải:
Đầu tiên là có lý giải sâu sắc về Không, chẳng phải lý giải và giải thích nông cạn, mà là đạt đến cảnh giới liễu đạt, khai giải đối với Không. Hay nói cách khác, đối với Không đã đạt đến mức độ hiểu sâu nghĩa thú. Nói rõ hơn một chút là triệt để thông đạt đối với Không.
Thứ hai là chẳng chấp tướng Không, cũng chẳng chứng Không. Đây là chỗ cao minh. Tại sao có đốn pháp, có tiệm pháp? Tại sao chúng ta đem đốn pháp tu thành tiệm pháp? Là bởi vì những chuyện vướng mắc của chúng ta quá nhiều, vừa chấp tướng, vừa chấp chứng, cũng giống như người đi trên đường, đi rồi dừng, dừng rồi lại đi, chấp tướng rồi; chấp chứng thì nhất định phải dừng lại, cho nên bị chậm. Người cao minh, người có trí tuệ thì tin tưởng lời Phật nói, cho nên đối với hết thảy đều không chấp chứng, thẳng tới A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
Chuyện này là thế nào? Nói thẳng ra là đi đường tắt. Ví dụ như bạn đi thang máy, giữa đường không ngừng, thẳng tới tầng cao nhất tầng thứ 200 của tòa nhà cao chọc trời, đây là thẳng tới Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại ví như chúng ta đi máy bay, có bay thẳng, có trung chuyển, bạn chọn loại nào?
Loại thứ hai là: do diệu lý thật tướng cực sâu, cực diệu, trình độ chúng sanh quá thấp, không cách nào tin tưởng và tiếp nhận, cho nên dùng phương pháp phương tiện thiện xảo để dạy dỗ khuyên bảo.
Để tôi kể cho mọi người nghe câu chuyện về Ngư Lam Quán Âm:
Có một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, tay cầm giỏ trúc, trong giỏ trúc có một con cá, người này là do Quán Âm Bồ-tát hóa hiện ra, gọi là Ngư Lam Quán Âm. Có một thôn chài nhỏ làm nghề đánh cá mưu sinh, một hôm thiếu nữ xinh đẹp này tới thôn, cùng ngư dân đánh cá. Rất nhiều thanh thiếu niên cầu hôn cô gái. Cô gái nói: nhiều người như vậy ta biết gả cho ai? Mọi người hãy mang quyển Tâm kinh này về đọc, ngày mai ai có thể đọc thuộc thì ta sẽ gả cho người đó. Ngày thứ hai, có rất nhiều người học thuộc được, thế là cô gái đưa phẩm Phổ Môn cho những người đã thuộc Tâm Kinh. Cô nói: ba ngày sau ai có thể thuộc phẩm Phổ Môn thì ta sẽ gả cho người ấy. Ba ngày sau, có bảy người đọc thuộc được phẩm Phổ Môn, đương nhiên vẫn chưa được. Thế là cô gái lại đưa cho bảy người cuốn kinh Pháp Hoa. Mấy ngày sau chỉ có một người thuộc được, thiếu nữ giữ lời gả cho người đó. Người thanh niên này họ Mã, hai người liền kết hôn. Đêm động phòng hoa chúc, đang tiệc chúc mừng, tân nương cảm thấy không thoải mái, trong phút chốc liền qua đời. Mọi người rất đau buồn. Một năm sau có một vị hòa thượng tới thôn, nghe mọi người bàn tán câu chuyện này, hòa thượng nói, sao mọi người lại ngu ngốc như vậy, đó là Quán Thế Âm Bồ-tát tới cứu độ các người. Chỗ các người có nạn, Quán Thế Âm Bồ-tát tới dạy các người đọc kinh tiêu tai! Mọi người không tin lời hòa thượng nói, bèn đào mộ mở quan tài khám nghiệm. Vừa mở ra liền thấy quan tài trống không, lúc này mọi người mới tin rằng lời hòa thượng nói là thật. Từ đó câu chuyện vợ chàng họ Mã là Ngư Lam Quán Âm được lưu truyền ra ngoài.