/ 100
100

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 28/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 15

 

Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem đoạn tiếp theo:

Tâm thường đế trụ độ thế chi đạo. Ư nhất thiết vạn vật, tùy ý tự tại. Vị chư thứ loại tác bất thỉnh chi hữu. Thọ trì Như Lai thậm thâm pháp tạng. Hộ Phật chủng tánh thường sử bất tuyệt. Hưng đại bi, mẫn hữu tình, diễn từ biện, thọ pháp nhãn, đỗ ác thú, khai thiện môn. Ư chư chúng sanh, thị nhược tự kỷ, chửng tế phụ hạ, giai độ bỉ ngạn. Tất hoạch chư Phật vô lượng công đức, trí huệ thánh minh, bất khả tư nghị.

Tâm thường an trụ trong đạo độ thế. Đối với vạn vật tùy ý tự tại. Vì các loài chúng sanh mà làm người bạn không mời. Thọ trì pháp tạng rất sâu của Như Lai. Hộ trì giống Phật khiến không dứt. Khởi lòng đại bi, thương xót hữu tình, diễn thuyết từ bi, truyền trao pháp nhãn, đóng đường ác, mở cửa lành. Đối với chúng sanh xem như chính mình; gánh vác việc cứu giúp, độ hết đến bờ giác ngộ. Đều đạt được vô lượng công đức của chư Phật, trí tuệ sáng suốt không thể nghĩ bàn.

Chúng ta xem câu đầu tiên trước: “Tâm thường đế trụ độ thế chi đạo”.

Thường tức là thường xuyên không ngừng. Đế nghĩa là an, là chân thật. Đế trụ có nghĩa là an trụ. Độ thế tức là giúp chúng sanh liễu sanh tử, thoát luân hồi. Đại ý của câu kinh văn này là: Bồ-tát xuất gia và Bồ-tát tại gia tham gia pháp hội kinh Vô Lượng Thọ này, dụng tâm của các ngài chân thật, thường hằng an trụ trong pháp độ thế chân thật vô vi, cứu độ hết thảy thế gian, hết thảy chúng sanh.

Tâm của chư Phật Bồ-tát là tâm gì? Đó là giúp hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ, nhận thức chính mình, nhận thức hoàn cảnh nơi mình sinh sống. Nhận thức hết thảy chân tướng sự thật, lìa khổ rốt ráo, được vui rốt ráo. Chư Phật Bồ-tát chính là có tâm như vậy, làm chuyện như vậy. Chuyện mà người khác trên thế gian không làm được thì chư Phật Bồ-tát đến làm. Chuyện mà người thế gian có thể làm được thì để người thế gian làm. “Như Lai sở dĩ xuất hiện ở đời, chỉ để nói bổn nguyện hải của đức Di-đà”.

Phật dùng phương pháp nào để làm việc này? Giáo dục. Mục đích giáo học của chư Phật Bồ-tát khác với mục đích giáo học của thế gian, cho nên môn học, nội dung dạy học, phương thức dạy học của các ngài cũng khác. Dùng phương pháp dạy học của thế gian để học Phật pháp thì không thể học được, học Phật nhất định phải dùng phương pháp của nhà Phật.

Giáo học của nhà Phật bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ giới, định, tuệ. Đây là chỗ khác biệt so với giáo học thế gian. Tam học giới, định, tuệ là học vấn căn bản của nhà Phật, cho dù là Tông môn hay là Giáo hạ, cho dù là tông nào phái nào, không có học vấn tam học giới, định, tuệ thì chính mình không thể liễu sanh tử, không thể ra khỏi ba cõi. Có năng lực này, lại thêm phát tâm độ chúng sanh, hành Bồ-tát đạo thì mới có thể giảng kinh thuyết pháp. Giảng kinh thuyết pháp là đạo độ thế tốt nhất mà chư Phật Bồ-tát dùng để giáo hóa chúng sanh, tâm của các ngài thường hằng bất biến, trụ nơi đạo này.

Chư Phật Bồ-tát giảng kinh thuyết pháp đều là tự tánh lưu lộ, cho nên gọi là “nói mà không nói, không nói mà nói”. Trước đây nghe được câu nói như thế này nhưng tôi không hiểu, đó là: Thích-ca Mâu-ni Phật chưa từng nói một câu pháp nào trong 49 năm, ai nói Thế Tôn thuyết pháp trong 49 năm, tức là hủy báng Phật. Trải qua 20 năm nghe kinh, nghe pháp, dần dần tôi hiểu được hàm nghĩa thật sự của câu nói này. Thế Tôn thật sự không nói một câu pháp nào, pháp bất định pháp, không có pháp cố định để nói, Phật [nói pháp] là tự tánh lưu lộ một cách khế lý khế cơ. Đây là chỗ chư Phật giáo hóa chúng sanh tuyệt diệu nhất, cao minh nhất, không thể nghĩ bàn nhất.

Chúng ta học Phật, có người phát tâm giảng kinh thuyết pháp, hoằng pháp lợi sanh, phát tâm như vậy là tốt. Thế nhưng chúng ta có biết học giảng kinh thuyết pháp phải học từ đâu không? Tôi dùng một câu để khái quát, đó là “giảng chân kinh của tự tánh”, nên hiểu câu này như thế nào? Lão pháp sư nói với chúng ta: “Học giảng kinh từ đâu? Phải dẫn khởi kinh điển trong tự tánh, giảng chân kinh trong tự tánh, không phải giảng kinh Phật bên ngoài, chúng ta mở kinh Vô Lượng Thọ của Thích-ca Mâu-ni Phật ra, đem kinh Vô Lượng Thọ trong tự tánh của chúng ta dẫn khởi ra, kinh Vô Lượng Thọ trong tự tánh của chúng ta cùng với kinh Vô Lượng Thọ của Thích-ca Mâu-ni Phật là một”. Bạn hiểu câu nói này của lão pháp sư như thế nào? Cũng giống như tung gạch nhử ngọc vậy, để tôi nói quá trình nhận thức của mình đối với câu nói này, có thể chia làm bốn giai đoạn để nói:

/ 100