/ 100
98

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 27/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 13

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem kinh văn tiếp theo:

Giải chư triền phược.

Triền là quấn quanh, giống như sợi dây thừng vậy, quấn quanh bạn từng vòng từng vòng. Phược là ràng buộc. Triền phược là trói buộc. Tịnh Ảnh Sớ nói “hết thảy phiền não kết đều là triền phược.” Bồ-tát hóa hiện mười phương, giáo hóa chúng sanh, đoạn dứt phiền não, gọi là “giải chư triền phược”.

Kinh Phật nói có tám triền ba phược.

Tám triền:

Thứ nhất là vô tàm: Tàm chính là chúng ta thường nói lương tâm. Người làm việc bất thiện, lương tâm bất an gọi là tàm. Vô tàm tức là làm chuyện xấu mà không cảm thấy lương tâm bất an, thậm chí “lấy sỉ làm vinh”, tục ngữ nói là mặt dày, không biết nhục nhã, thông thường cũng gọi là không có lương tâm.

Thứ hai là vô quý. Quý là dư luận bên ngoài. Làm việc không tốt sợ người khác phê bình, sợ người khác chỉ trích, bởi vậy mà không dám làm chuyện xấu. Vô quý tức là không hề để ý đến lời phê bình và khiển trách bên ngoài, vẫn làm chuyện xấu, làm theo ý mình.

Tàm quý chính là liêm sỉ mà người Trung Quốc chúng ta nói đến; vô tàm vô quý tức là không biết liêm sỉ, nói thẳng ra là không biết xấu hổ.

Thứ ba là đố kỵ. Người kiểu này không chịu được khi người khác tốt hơn mình, giỏi hơn mình, tâm đố kỵ rất nặng. Nói đơn giản tức là muốn trội hơn người khác. Nhìn thấy người khác tốt hơn mình, giỏi hơn mình, trong lòng bất bình, không phục. Người có tâm đố kỵ mạnh thì thường ngạo mạn, coi thường người khác. Người như vậy có hai tính cách: vô cùng tự phụ, cảm thấy ai cũng không bằng mình; vô cùng tự ti, cảm thấy ai cũng giỏi hơn mình. Người như vậy không biết tùy hỷ công đức, sống rất khổ, rất mệt, rất đáng thương.

Thứ tư là keo kiệt. Ích kỷ, bủn xỉn, mình có nhưng không muốn giúp người khác.

Thứ năm là làm ác. Chính mình biết rõ là việc bất thiện nhưng vẫn làm, hết thảy hành vi bất thiện, không thuận theo lý đều là làm việc ác.

Thứ sáu là thùy miên. Tức ngủ quá nhiều, tham ngủ.

Thứ bảy là trạo cử. Trong lòng nhiều vọng niệm, hồi hộp lo âu, không định được tâm.

Thứ tám là hôn trầm. Tinh thần ngẩn ngơ, không tỉnh táo, không thể đề khởi tinh thần, đầu óc không có tinh thần, ủ rũ.

Ba phược tức là ba độc phiền não tham, sân, si, đây là phiền não căn bản. Trọng tâm của tham là tình chấp và ái dục, điều này nghiêm trọng nhất. Trọng tâm của sân là đố kỵ và ngạo mạn. Trọng tâm của si là hoài nghi. Ba phược giống như sợi dây thừng trói chặt lấy chúng ta. Mọi người nghĩ thử xem, chúng ta có tám triền ba phược hay không? E là toàn bộ đều có đủ, không thiếu điều nào, chỉ là khác nhau ít hay nhiều mà thôi.

Chúng ta thật may mắn, gặp được Phật pháp, Phật giúp chúng ta thoát khỏi tám triền ba phược. “Giải” tức là cởi bỏ sự trói buộc và ràng buộc của tám triền ba phược. Thoát là thoát ly luân hồi, thoát ly sanh tử, thoát ly tam giới lục đạo, thoát ly thập pháp giới.

Từ đó thấy được, thứ cần cởi bỏ là nhân duyên của lục đạo luân hồi; thứ cần thoát khỏi là quả báo. Điều quan trọng nhất là làm thế nào để giải trừ nghiệp duyên của chúng ta, đây là giải quyết vấn đề căn bản. Nếu bạn không muốn liễu sanh tử, thoát luân hồi vậy thì vẫn y như cũ. Nếu như một đời này thực sự muốn cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, mà không thực sự hạ công phu thì giống như lời lão pháp sư nói, chập chờn đẩy đưa, vậy thì không có chút tác dụng nào.

Triền phược trong cuộc sống hiện thực nào chỉ có tám triền ba phược? Thật sự quá nhiều. Chúng ta ở trong đó cảm nhận sâu sắc tai hại của nó, mặc dù phiền não nhưng cũng vô cùng bất lực. Để tôi nêu một ví dụ cụ thể:

Theo sự quan sát và thể hội của tôi, điều gì trói buộc con người hiện nay nhất? Nếu như xếp theo thứ tự thì điều gì đứng đầu? Tôi xếp con cái đứng đầu. Con cái là sự trói buộc lớn nhất của phụ huynh. Không biết lời tôi nói có phải là lời trong lòng mọi người hay không? Hiện nay nuôi một đứa trẻ thật không dễ dàng, để tôi kể chuyện cháu gái tôi, [chuyện người] khác tôi không nói rõ được.

/ 100