PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 26/11/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 12
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
Mời xem hai câu kinh văn tiếp theo: “Thăng quán đảnh giai, thọ Bồ-đề ký”
Hai câu này là thành tích dạy học của chư Phật Bồ-tát. Đây là cấp bậc tu học cao nhất đạt được, học vị cao nhất có thể lấy được trong giáo dục của đức Phật, đó là thành Phật. “Thăng” giống như đi học, mỗi năm đều lên lớp, từ tiểu học cho đến nghiên cứu sinh, “quán đảnh giai” là viện nghiên cứu Phật giáo. Đây là quả vị cao nhất của Bồ-tát, thông thường là từ Bát địa trở lên.
Ở Ấn Độ thời xưa, khi quốc vương kế vị thì người quán đảnh sẽ lấy nước bốn biển rưới lên đỉnh đầu quốc vương, đại biểu quốc vương sắp đăng cơ. Trong Mật tông cũng như vậy, có pháp quán đảnh, ý nghĩa giống với quốc vương Ấn Độ thời xưa đăng cơ kế vị. Thái tử tiếp nhận lễ quán đảnh thì sẽ tiếp nhận vương vị. Trong nhà Phật, Đẳng Giác Bồ-tát (Bổ xứ Bồ-tát) lên trên thêm một bậc nữa là Phật-đà. Đây là học vị cao nhất, cũng cử hành lễ quán đảnh, quán đảnh tức là tốt nghiệp.
Quán đảnh có hai loại thông thường nhất:
Thứ nhất là kết duyên quán đảnh.
Kết duyên quán đảnh của Mật tông cũng giống với Tam quy y của Hiển tông, kết duyên với Phật. Kết duyên quán đảnh của Mật tông như thế này: Bạn đến cầu pháp, họ dẫn bạn vào trong đàn quán đảnh, truyền cho bạn thủ ấn, chú ngữ của Bổn tôn, từ đó trở đi bạn có tư cách tu học pháp môn được truyền dạy, đây gọi là kết duyên quán đảnh. Rất nhiều bìa sách của Mật tông có in bên ngoài dòng chữ “chưa quán đảnh không được phép mở ra xem”, ở đây muốn nói nếu bạn chưa được pháp quán đảnh này thì bạn không thể xem kinh điển và pháp bổn này, trong đó cũng không có gì bí mật không thể nói cho người biết, chỉ là thận trọng mà thôi.
Thứ hai là thọ chức quán đảnh. Người tu hành như pháp được mật pháp quán đảnh, nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu trì, tích chứa công hạnh thâm sâu, trí tuệ khai mở, có thể trở thành thầy của người khác, đảm nhiệm chức vị kim cang thượng sư. Cho nên làm pháp thọ chức quán đảnh cho họ, tiếp nhận chức vị kim cang A-xà-lê, rồi sau đó mới là thượng sư như pháp. Hiện nay có rất nhiều người không như pháp, không được sự cho phép từ thượng sư của mình, tự làm theo ý mình truyền cho đệ tử.
Giữa thọ chức quán đảnh và kết duyên quán đảnh còn có bốn loại quán đảnh: Bình quán, mật quán, huệ quán, đại thủ ấn quán. Tiếp nhận quán đảnh đều phải thọ mật giới. Có người không thọ giới mà tu pháp, thực sự là muốn [tu tập được] tăng lên nhưng ngược lại bị hạ xuống.
Quán đảnh còn phân biệt giữa sơ vị và hậu vị. Những điều tôi vừa nói là sơ vị, hậu vị không giống như vậy. Trong Bí Tạng Ký nói từ Sơ địa đến Thập địa Bồ-tát, cho đến Đẳng Giác Bồ-tát, đến lúc chính thức sắp chứng Phật quả, lúc sắp thành Phật, chư Phật dùng nước đại bi quán đảnh cho người ấy thì chính họ tự nhiên viên mãn chứng nhập Phật quả. Hiện tại Bồ-tát đến tham gia pháp hội kinh Vô Lượng Thọ đa phần là Phổ Hiền hậu vị, từ quả hướng nhân, là sự thị hiện của Phật. Cho nên các ngài đương nhiên đều đã thọ qua quán đảnh hậu vị, quán đảnh thành Phật. Còn Bồ-tát từ Sơ địa đến Đẳng Giác cũng đều phải thọ quán đảnh này. “Thăng quán đảnh giai” là chỉ hai loại Bồ-tát đều phải trải qua quán đảnh hậu vị.
Sau khi thọ lễ quán đảnh thì phải giảng kinh, phải dạy học, mọi người gọi bạn là pháp sư. Sư là giải hoặc truyền đạo, bạn không thể giúp chúng sanh đoạn nghi sanh tín, không thể khiến Phật pháp đời đời tương truyền thì quán đảnh như vậy là giả, không phải là thật.
Tiếp theo tôi sẽ nói cho các đồng tu nghe hàm nghĩa thật sự của quán đảnh, để giúp mọi người không còn nhầm lẫn nữa.
Bí Tạng Ký Sao nói: “Quán nghĩa là đại bi hộ niệm. Đảnh nghĩa là Phật quả cao tột đỉnh”. Cách giải thích này rất hay. Đại bi hộ niệm là chỉ hết thảy chư Phật Như Lai hộ niệm người tu hành, người thật sự tu hành thì các ngài thật sự hộ niệm, đại từ đại bi. “Đảnh” nghĩa là gì? Đảnh là Phật quả cao tột đỉnh, cũng là pháp môn vô thượng, thực sự có thể giúp bạn một đời thành Phật, đó là cao tột đỉnh. Phát tâm niệm Phật vãng sanh, đến thế giới Cực Lạc chính là Phật quả cao tột đỉnh. Đến thế giới Cực Lạc, chắc chắn chứng được Phật quả viên mãn rốt ráo trong một đời, A-di-đà Phật đảm bảo cho chúng ta. Đem pháp môn này truyền cho chúng ta chính là đại bi hộ niệm. Đời này chúng ta gặp được bộ kinh này, gặp được pháp môn này cũng là [nhờ] Di-đà Như Lai đại bi hộ niệm. Đem pháp môn đỉnh cao một đời thành Phật, pháp môn cao nhất trong hết thảy các pháp môn, không có pháp môn nào sánh được này truyền cho chúng ta, đây mới gọi là quán đảnh thật sự.