/ 100
259

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 26/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 11

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem câu kinh văn tiếp theo:

Nguyện ư vô lượng thế giới thành Đẳng chánh giác.

Nguyện ở vô lượng thế giới thành Đẳng chánh giác.

Câu này là cách nói chung về tha thọ dụng. Cho thấy Bồ-tát tham gia pháp hội vì độ chúng sanh mà bằng lòng đến mười phương vô lượng vô biên thế giới thị hiện thành Phật. Giống như phẩm Phổ Môn có nói: “Nên dùng thân Phật để độ thì hiện thân Phật mà thuyết pháp”.

Nguyện là thệ nguyện, đối với pháp xuất thế có mong cầu thì gọi là nguyện.

Thế giới, “thế” đại biểu cho thời gian, quá khứ, vị lai, hiện tại gọi là ba đời; “giới” đại biểu cho không gian, tức là mười phương.

Đẳng chánh giác, xưa dịch là Đẳng Giác. Đẳng Giác có hai hàm nghĩa:

Thứ nhất là vị trí cao nhất của Bồ-tát, tức là sắp đạt được Phật quả Diệu giác, xưng là Đẳng Giác, công đức trí tuệ của họ đã gần tương đương với Diệu giác Phật. Đã là mặt trăng ngày 14 rồi, còn kém ngày 15 một ít, nhưng đã rất gần rồi.

Thứ hai, Đẳng Giác chính là Phật. Sách Vãng Sanh Luận Chú nói: “Do các pháp bình đẳng nên các Như Lai bình đẳng. Vì vậy chư Phật Như Lai gọi là Đẳng Giác.” Đại Trí Độ Luận nói: “Chư Phật bình đẳng nên gọi là Đẳng Giác”.

Tổng hợp những điều vừa nói, Đẳng Giác có hai hàm nghĩa: có thể là Đẳng Giác Bồ-tát, cũng có thể là Phật. Trong kinh này Đẳng Giác là Phật, biểu thị Bồ-tát trong pháp hội tới mười phương thế giới thị hiện thành Phật.

Bồ-tát thành tựu trí tuệ đức năng, tuyệt đối không phải vì chính mình, mà hoàn toàn vì lợi ích hết thảy chúng sanh. Tại sao vậy? Không có lý do! Chính vì không có lý do, cho nên gọi là “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Các đồng tu chắc rất là quen thuộc với hai câu này, nhưng vẫn chưa hiểu ý nghĩa thật sự của nó, đừng nói tới vận dụng nó vào trong cuộc sống.

Ví như có người cần giúp đỡ, bạn sẽ hỏi tại sao tôi phải giúp họ? Đó là bởi vì bạn chưa biết chân tướng sự thật rằng chúng sanh và bạn là một thể. Bạn sẽ cho rằng như thế này: tôi không phải là họ, họ không phải là tôi, tôi và họ có quan hệ gì? Lấy một ví dụ cho dễ hiểu: tay trái của bạn bị muỗi cắn, tay phải có đuổi muỗi đi không? Nếu như tay phải hỏi như vầy: nó là nó, tôi là tôi, dựa vào cái gì mà tôi phải giúp tay trái đuổi muỗi chứ? Bạn nghe xong câu này có cảm thấy buồn cười không? Không nên cười, chuyện như vậy thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, chỉ là chúng ta không cảm nhận được mà thôi. Tại sao vậy? Phàm phu thường làm những chuyện hồ đồ này, không biết tất cả chúng sanh và chính mình là một thể. Đã là một thể, là đồng thể thì tay phải giúp đỡ tay trái, hà tất phải hỏi tại sao? Chư Phật Bồ-tát biết chúng sanh và chính mình đồng thể, cho nên mới độ hết thảy chúng sanh vô điều kiện, biểu thị “đồng thể đại bi”. Thể tức là bản tánh chân như. Hiện tượng y chánh trong mười pháp giới đều là cảnh giới do bản tánh chân như biến hiện ra, là một không phải hai.

Chúng sanh mê mất chân tướng sự thật, sanh khởi vọng tưởng, chấp trước cho nên mới phân biệt mình, phân biệt người, mê hoặc điên đảo, không biết rằng hư không pháp giới vốn là một thể. Chư Phật Bồ-tát biết là một thể, cho nên độ chúng sanh chính là độ chính mình, không độ chúng sanh tức là không độ chính mình, có lý nào lại không độ chính mình chứ! Chúng sanh và chính mình là tự - tha không hai, đích thực là một thể. Phật độ chúng ta, Phật biết ngài cùng chúng ta là một thể. Chúng ta lại đi phân ranh giới với Phật, không phải là Phật không độ chúng sanh, mà là chúng sanh không tiếp nhận sự hóa độ của Phật.

Trong hội kinh Pháp Hoa, Quán Thế Âm Bồ-tát nói rất hay: “Nên dùng thân gì để độ thì hiện thân đó mà thuyết pháp”. Trong kinh Pháp Hoa nói 32 ứng thân, “nguyện trong vô lượng thế giới thành Đẳng chánh giác” chính là nên dùng thân Phật để độ; nên dùng thân Bồ-tát để độ thoát thì ngài liền hiện tướng Bồ-tát. Chúng sanh chúng ta có phân biệt, chấp trước đối với Phật Bồ-tát. Chúng tôi sẽ lấy ví dụ về Bồ-tát kể cho mọi người nghe.

Có người phân định rất rạch ròi về các vị Bồ-tát, phân công rõ ràng, mỗi vị Bồ-tát chỉ làm một chuyện, họ cho rằng Quán Thế Âm Bồ-tát chắc chắn không phải là Phổ Hiền Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát chắc chắn không phải là Đại Thế Chí Bồ-tát, Đại Thế Chí Bồ-tát chắc chắn không phải là Địa Tạng Bồ-tát. Thực ra trong pháp giới, Bồ-tát không có danh hiệu. Thế giới Tây Phương Cực Lạc có danh hiệu hay không? Không có danh hiệu, không có tên gọi, như vậy mới bình đẳng, có tên gọi thì không bình đẳng. Nếu cho rằng đây là Quán Thế Âm Bồ-tát, kia là Đại Thế Chí Bồ-tát thì làm sao có thể bình đẳng được? Tây Phương Tịnh Độ là pháp giới bình đẳng, cho nên không có danh hiệu. Cho dù vị ấy là người nào, gọi là Quán Thế Âm Bồ-tát cũng được, gọi là Đại Thế Chí Bồ-tát cũng được, gọi là Phổ Hiền Bồ-tát cũng được, đều được cả, bạn muốn vị Bồ-tát nào tới độ bạn học Phật thì vị Bồ-tát đó sẽ tới. Chắc chắn không sai! Cho nên hết thảy danh hiệu của Bồ-tát đều là “thông hiệu”. Bồ-tát ở thế giới Tây Phương Cực Lạc đầy đủ hết thảy danh hiệu, bạn gọi các ngài là Bồ-tát gì cũng được.

/ 100