PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 25/11/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 10
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
Hôm nay chúng tôi tổng hợp trọng điểm của tập 8, tập 9.
Trọng điểm tập 8. Tập 8 có bảy trọng điểm:
Trọng điểm thứ nhất là: địa vị của ngài Xá-lợi-phất trong tăng đoàn, là đệ tử thủ tọa trong tăng đoàn, cùng với Đại Mục-kiền-liên hợp lại là cánh tay trái phải của đức Phật; là đệ tử mà đức Phật tín nhiệm nhất, cũng là đệ tử có thể gánh vác trọng trách; là vị trưởng lão có uy vọng nhất, nhận được sự tôn kính và yêu quý sâu sắc của đông đảo tăng chúng trong tăng đoàn.
Trọng điểm thứ hai: Xá-lợi-phất đối xử với vị tỳ-kheo hủy báng ngài như thế nào? Đối xử với tỳ-kheo giành trước chỗ ngồi của ngài như thế nào? Một, dùng tay xoa đầu vị tỳ-kheo hủy báng ngài, hiền hòa nói chuyện với tỳ-kheo. Hai, tiếp nhận sự sám hối của vị tỳ-kheo, khích lệ tỳ-kheo đó sửa đổi lỗi lầm. Ba, đem chỗ ngồi tốt nhường cho tỳ-kheo khác, tự mình tĩnh tọa một đêm dưới gốc cây, lấy mình làm gương, hiển lộ rõ ràng phẩm chất cao thượng của Xá-lợi-phất. Bốn, tại sao ngài Xá-lợi-phất lại nhập Niết-bàn trước đức Phật? Đệ tử thượng thủ của chư Phật đều làm như vậy. Ngài Xá-lợi-phất không nhẫn tâm nhìn Phật nhập Niết-bàn.
Trọng điểm thứ ba: hai đoạn khai thị từ biệt của ngài Xá-lợi-phất dành cho tăng chúng, bạn có học được điều gì trong đó không? Một, đức Phật xuất hiện trên thế gian, phải mấy ngàn vạn năm mới có thể gặp một lần, gặp được rồi phải trân trọng. Hai, có thể nghe được chánh pháp của đức Phật, cũng là hiếm có trong trăm ngàn vạn ức kiếp, cũng phải càng trân trọng hơn. Ba, nối dòng huệ mạng của đức Phật là sứ mạng của mỗi người đệ tử Phật.
Trọng điểm thứ tư: sau khi Xá-lợi-phất nhập Niết-bàn, khai thị của đức Phật dành cho đại chúng có ý nghĩa sâu xa thế nào? Vô thường là chân tướng của thế gian, sanh diệt là pháp tắc tự nhiên. Ngài Xá-lợi-phất nhập Niết-bàn trước Phật là thứ tự tự nhiên của pháp. Mặc dù người không còn nhưng pháp vẫn không mất đi. Đức Phật vĩnh viễn sống trong tâm những ai tin tưởng ngài, đức Phật sẽ vĩnh viễn chăm sóc họ. Tiến nhập Niết-bàn, đến thế giới Cực Lạc là công phu quan trọng bậc nhất; đại trí Xá-lợi-phất, trí tuệ của ngài rộng lớn vô biên, ngoài đức Phật ra không ai sánh được.
Trọng điểm thứ năm: tộc Vua Lưu-ly muốn diệt tộc Thích-ca, khi đó Thích-ca Mâu-ni Phật còn tại thế, tại sao đức Phật cũng không cứu nổi tộc Thích-ca? Mục-kiền-liên thần thông đệ nhất, tại sao cũng không cứu nổi tộc Thích-ca? Vì thần thông không phải pháp căn bản, thần thông không chống lại được nghiệp lực. Thần thông không thể liễu sanh tử, thoát luân hồi. Không được kết oán với chúng sanh, oan oan tương báo biết bao giờ dứt.
Trọng điểm thứ sáu: tôn giả Mục-kiền-liên đối xử với Liên Hoa Sắc như thế nào? Liên Hoa Sắc tại sao lại trở thành đệ tử của đức Phật? Một, không khinh bỉ, không kỳ thị, nhẫn nại lắng nghe bà kể về thân thế của mình và đủ loại bất hạnh bà gặp phải. Hai, không nhìn bề ngoài mà nhìn chân tâm, ngài nhìn thấy tâm của Liên Hoa Sắc rất chân, rất thiện, rất mỹ, ngài đồng cảm, thương xót bà, giúp đỡ bà. Ba, sửa lỗi làm mới chính mình là cách duy nhất để lìa khổ được vui; Liên Hoa Sắc trở thành tỳ-kheo ni mô phạm, trở thành vị thần thông đệ nhất trong chúng tỳ-kheo ni, không thể bỏ qua công lao của tôn giả Mục-kiền-liên.
Trọng điểm thứ bảy: tôn giả Mục-kiền-liên thần thông đệ nhất trong số đệ tử của đức Phật, tại sao ngài vẫn bị ngoại đạo hãm hại? Vì truyền bá hạt giống Phật pháp, ngài trở thành tấm gương hy sinh vì pháp để lại cho đời sau. Nhục thể là vô thường, nghiệp báo phải kết thúc. Vấn đề sanh tử trước mặt người giác ngộ không thành vấn đề, có sanh ắt có tử, đối với tử hoàn toàn không cần phải hoang mang lo sợ. Điều quan trọng là lúc bạn xả thân có thể không mê mà nhập Niết-bàn? Hai chữ “không mê” quá quan trọng. Mục-kiền-liên không mê mà nhập Niết-bàn, đức Phật tán thán ngài, sự hy sinh của ngài thật sự đẹp vô hạn!
Trọng điểm tập 9. Tập 9 có hai trọng điểm:
Trọng điểm thứ nhất: tôn giả Đại Ca-Diếp có chỗ nào khác người? Xuất thân từ gia đình giàu sang, cha ngài là một vị trưởng giả đại phú, ngài từ bỏ vinh hoa phú quý đi tu khổ hạnh đầu đà. Ý chí thanh cao, không bị dục vọng làm ô nhiễm. Xin nhà nghèo mà không xin nhà giàu, giúp bà lão nghèo có cơ hội trồng phước điền, bà lão nghèo nhờ công đức này mà sau khi qua đời được sanh thiên. Dựng nên pháp tràng, làm tấm gương tu hành gian khổ trác tuyệt. Làm theo chí hướng của chính mình, kiên định không thay đổi việc thực hiện lý tưởng của chính mình, để hàng hậu học biết tôn trọng và thực hành khổ hạnh đầu đà, ít muốn biết đủ. Không tham danh văn, không cầu lợi dưỡng, không ở tinh xá, không bỏ khổ hạnh, chuyên tâm chuyên đức củng cố tăng đoàn. Tương lai chánh pháp của đức Phật bị hủy diệt, không phải do thiên ma ngoại đạo phá hoại, mà là do tăng đoàn hủ bại và mục nát!