/ 100
138

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 25/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 9

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Hôm nay tôi sẽ giới thiệu cho mọi người vị tôn giả thượng thủ thứ tư.

“Tôn giả Ca-diếp”

Tôn giả Đại Ca-diếp là đệ tử có hạnh đầu đà bậc nhất của đức Phật. Ngài là người được Phật truyền tâm ấn, là sơ tổ Thiền tông. Thiền là đức Phật Thích-ca Mâu-ni truyền cho ngài Ca-diếp, đại biểu cho “tông môn”. Vào thời xưa Phật pháp Đại thừa, Tiểu thừa chia làm 10 tông phái, chín tông phái ngoài Thiền tông ra đều xưng là “giáo hạ”. Giáo hạ là do tôn giả A-nan truyền lại. Trong bộ kinh Vô Lượng Thọ này [hai tôn giả] đều ở địa vị thượng thủ, đại biểu toàn bộ Phật pháp đều ở trong bộ kinh này.

Phương hướng, mục tiêu tu hành của tông môn, giáo hạ hoàn toàn tương đồng, đều là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, thế nhưng phương pháp khác nhau, ý muốn nói là phương thức không giống nhau. Tông môn trực tiếp hạ thủ từ “buông xuống vạn duyên”, họ không lên lớp học, không cần giáo trình. Trực tiếp buông bỏ vạn duyên, khôi phục tâm thanh tịnh của tự tánh, cho nên họ dùng phương pháp “quán tâm”, “tham thoại đầu”. Những phương pháp này rất đặc biệt, phải là người căn tánh rất nhạy bén mới có năng lực tu học pháp môn này.

Đầu đà có nghĩa là tu tập khổ hạnh, phàm là người tu khổ hạnh đầu tiên phải lựa chọn nơi thanh vắng; thứ hai phải sống cuộc sống mang bình bát đi khất thực; thứ ba phải thường ở một nơi; thứ tư phải ngày ăn một bữa; thứ năm phải khất thực không phân biệt giàu nghèo; thứ sáu phải tuân thủ ba y một bát; thứ bảy phải thường ngồi dưới gốc cây tư duy; thứ tám phải thường ngồi tĩnh tọa ở ngoài trời; thứ chín phải mặc phấn tảo y; thứ mười phải sống nơi mồ mả. Người tu đầu đà khổ hạnh thì phải sống cuộc sống đơn giản như vậy, cũng là cuộc sống thanh tịnh.

Người tu hạnh đầu đà lý tưởng như vậy chính là tôn giả Đại Ca-diếp. Ngài sanh ra trong gia đình giàu sang, cha ngài là một vị trưởng giả đại phú. Tôn giả Ca-diếp có thể từ bỏ vinh hoa phú quý, giàu sang quyền thế, xuất gia tu khổ hạnh, thật sự là đáng quý. Trước khi ngài Đại Ca-diếp quy y đức Phật, được người đời xưng tán là người thanh niên có chí khí thanh cao, không bị dục nhiễm, cha mẹ muốn cưới vợ cho ngài, ngài lại cùng vợ chia giường để ngủ. Sau đó ngài nghe được đức Phật thuyết pháp ở tinh xá Trúc Lâm, sanh đại tín tâm, quy y đức Phật, đức Phật từng nói rằng, nếu không phải là bậc đại giác thấu triệt vũ trụ thì không nhận nổi danh xưng là thầy của ngài.

Tôn giả Đại Ca-diếp trải qua cuộc sống bưng bát xin nhà nghèo mà không xin nhà giàu. Có một lần trên đường đi hành hóa trong thành Vương-xá, ngài gặp một bà lão nghèo khổ, nghèo tới mức quần áo không đủ che thân, ăn không đủ no, nằm ở nơi đường hẻm tối tăm. Tôn giả Đại Ca-diếp rất thương xót bà ấy, liền hướng tới bà lão hành khất: “Bà lão! Tôi thấy tình trạng nghèo khổ của bà, trong lòng cũng rất đau buồn đồng cảm, tại sao bà lại nghèo khổ như vậy, đều là vì trước đây bà keo kiệt tham lam không chịu bố thí, tôi là đệ tử của đức Phật, là vị tăng phước điền của nhân gian, bây giờ hy vọng bà bố thí cho tôi một ít thức ăn để bà trồng chút phước điền, tương lai tránh được kiếp sống nghèo khổ này.

Bà lão nghèo khổ đáp lại: “À! Ngài là một vị tôn giả, con rất vinh hạnh vì ngài đã thuyết pháp cho con, có điều ngài muốn con bố thí cúng dường thức ăn cho ngài, chuyện này đối với con vô cùng khó khăn. Nói ra không sợ tôn giả chê cười, ba ngày nay con không có hạt cơm lót dạ, bây giờ con chỉ còn một ít nước gạo, mùi hôi khó ngửi, người khác sắp sửa vứt đi thì con nhặt về, làm sao có thể dùng để cúng dường tôn giả được?” Đại Ca-diếp nói: “Không sao đâu, bà hãy đưa một ít nước gạo cho tôi đi, tôi là Đại Ca-diếp, xin nhà nghèo mà không xin nhà giàu, tôi rất hoan hỷ tiếp nhận sự cúng dường của bà”. Bà lão nghèo khổ nghe vậy rất hoan hỷ, lập tức lấy nước gạo ra cúng dường, Đại Ca-diếp sợ bà lão không tin liền uống sạch hết nước gạo ngay trước mặt bà, nhờ vào công đức này mà sau khi qua đời bà lão được sanh lên trời hưởng lạc.

Tâm từ bi lợi ích người khác của tôn giả Đại Ca-diếp đáng để mọi người kính ngưỡng, nhưng mà sự nhiệt tình hoằng pháp của ngài rõ ràng không bằng Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Trước khi Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên vẫn chưa nhập Niết-bàn thường khuyên ngài quên đi tự ngã để làm công việc truyền bá chân lý hoằng pháp lợi sanh, tôn giả Đại Ca-diếp vẫn luôn kiên định trả lời rằng: “Ta thực sự là không được. Chuyện hoằng dương chánh pháp, giáo hóa chúng sanh đều không phải việc thuộc bổn phận của ta. Quên đi tự ngã không hề dễ dàng chút nào! Ta cùng lắm là trong cuộc sống của chính mình có thể trở thành tấm gương tu hành trác tuyệt gian khổ hơn nữa mà thôi, để cho hàng hậu học biết tôn trọng và thực hành khổ hạnh đầu đà, ít muốn biết đủ. Nhiệm vụ hoằng pháp lợi sanh gian khổ ấy đều dựa vào hai vị gánh vác”.

/ 100