/ 149
50

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 20/10/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 93

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười lăm, hàng thứ ba từ dưới lên: 

Tâm hỷ trang nghiêm nên thấy người tu thiện mà lòng không đố kị.

Đoạn này là nói thực hành thập thiện nghiệp đạo vào trong tâm hỷ của tứ vô lượng tâm, lợi ích thù thắng mà họ đạt được là nhìn thấy người tu thiện nhưng trong tâm không sanh đố kỵ. Không những không có tâm đố kỵ, mà còn có thể sanh tâm tùy hỷ, gọi là “tùy hỷ công đức” trong mười nguyện Phổ Hiền, điều này vô cùng quan trọng. Ngạo mạn, đố kỵ là phiền não vô cùng nghiêm trọng, Thế Tôn đem chúng xếp ở sau tham sân si. Đố kỵ là thuộc về hiện tượng được sanh ra từ trong sân giận và ngạo mạn, phiền não này chướng ngại vô cùng nghiêm trọng đối với sự tu hành của chúng ta, không những bạn không thể thành tựu trong pháp xuất thế, mà ngay cả pháp thế gian cũng luôn bị phiền não này phá hoại sạch. Nếu muốn thành tựu pháp thế xuất thế gian thì điều này quan trọng hơn tất cả. 

Giữa người với người có thể đối xử bình đẳng, chung sống hòa thuận, đây là đại học vấn, là chân lý, chúng ta cần phải làm như vậy. Nếu không thể làm như vậy, tức là chúng ta sai lầm, đây chính là nghiệp chướng, nhà Phật gọi là tạo nghiệp. Vì sao chúng ta nhất định phải đối xử bình đẳng, chung sống hòa thuận? Trong kinh Đại thừa nói với chúng ta, tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới đều là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, nếu chúng ta gọi là cùng chung một thể thì đã cách biệt một tầng rồi, nhưng cách nói này người sơ học vẫn có thể thể hội được, nói lời thật thì họ sẽ không thể hội được. Lời thật là gì vậy? Đó chính là một thể, không phải là cùng chung một thể, mà nó chính là một thể, thế nhưng chúng ta đã mê mất tự tánh, đã mê mất một thể, mê hay ngộ chính ở chỗ này, chánh hay tà cũng ở chỗ này, trong kinh thường nói là “điên đảo hỗn loạn”. Bạn điên đảo ở chỗ nào vậy? Chính ngay chỗ này. Bạn có thể nhìn thấy sự thật này, nhìn thấy chân tướng này, đây gọi là “địa vị thấy đạo”. “Thấy đạo” là Bồ-tát ở địa vị nào? Là Bồ-tát Sơ trụ của Viên giáo, Bồ-tát Sơ trụ thấy đạo, nhìn thấy chân tướng sự thật, họ thật sự hiểu rõ, thật sự sáng tỏ rồi; sau đó là “địa vị tu đạo”. Chúng ta ngày nay sở dĩ tu như thế nào cũng tu không giống là do nguyên nhân gì? Do chưa thấy đạo, khởi tu khi chưa thấy đạo thì đương nhiên là tu mù luyện đui. 

Trong kinh Cô-ran của Hồi giáo nói cũng vô cùng hay: Loài người trên địa cầu này của chúng ta là cùng một tổ tiên, loài người trên toàn thế giới đều là con cháu của A-đam và Ê-va, chúng ta vốn dĩ là anh chị em, là người một nhà. Đây là nói từ trên sự, Phật pháp là nói từ trên lý nên nói viên mãn hơn điều này. Anh chị em tranh chấp với nhau, anh chị em tàn sát lẫn nhau, đây là sự việc bi ai biết bao! Trên thế giới này, loài người sinh sống trong mỗi khu vực đều là con cái do một tổ tiên sinh ra, họ phân bố ra các khu vực, hình thành các chi phái khác nhau, dân tộc khác nhau. Kinh Cô-ran nhắc nhở chúng ta nhận thức, mục đích là hy vọng mọi người có thể thật sự đạt đến đối xử bình đẳng, chung sống hòa thuận, tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hỗ trợ hợp tác, đây là mục đích của kinh Cô-ran, lại còn hy vọng đạt đến chí thiện; giáo nghĩa của họ là phản đối chiến tranh, ưa chuộng tự do và hòa bình. Kinh điển của nhà Phật thì nói sâu sắc hơn, đích thực có lý luận viên mãn, có phương pháp tu học chu đáo tường tận, từ lý đến sự, đây mới là đại viên mãn chân thật. 

Trong kinh luận, Phật thường dạy người phải thường sanh tâm hoan hỷ, vậy hỏi làm thế nào để sanh tâm hoan hỷ? Chúng ta đều mong muốn hoan hỷ, nhưng vì sao tâm hoan hỷ không sanh ra được? Vì tâm hoan hỷ này bị che đậy, bị chướng ngại rồi, trong Phật pháp gọi là sở tri chướng và phiền não chướng. Hoan hỷ là tánh đức. Luận Ngữ là điển tịch của nhà Nho, câu nói đầu tiên là: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ!” (Học mà thường làm được, chẳng phải vui lắm sao!) Chữ “duyệt” đó chính là chữ “hỷ” ở đây. Vì sao vậy? Hỷ này không phải niềm vui do thú vui bên ngoài kích thích, không phải từ bên ngoài đến, mà là từ nội tâm sản sanh ra, cho nên gọi là duyệt; duyệt là từ nội tâm sanh ra, lạc là do hoàn cảnh bên ngoài kích thích. Chữ “hỷ” ở đây là hỷ duyệt, không phải hỷ lạc. Hỷ duyệt từ đâu mà có vậy? Học mà thường làm được. Trong Tam Tự Kinh cũng nói: “Người không học, không biết nghĩa.” “Nghĩa” là gì? Là đạo lý làm người, đạo lý sinh sống, đạo lý đối nhân xử thế tiếp vật. Bạn không học thì làm sao biết được? Có thể thấy việc học rất quan trọng. 

/ 149