/ 149
229

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 21/10/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 94


Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười lăm, hàng thứ hai từ dưới lên:

Tâm xả trang nghiêm nên đối với cảnh thuận nghịch, tâm không có thương giận.

Chúng ta xem đoạn này, đây là đoạn cuối cùng của tứ vô lượng tâm. Bồ-tát tu hành thập thiện nghiệp đạo, thực hành vào trong tâm xả, công đức lợi ích thù thắng đạt được là “đối với cảnh thuận nghịch, tâm không có thương giận”, chúng ta đọc đến câu này thì phải nghĩ đến thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Những cương lĩnh quan trọng này nói ra thì dễ, nhưng tại sao chúng ta không làm được? Là do chưa tu tâm xả. Nếu thật sự có thể tu từ bi hỷ xả thì chân tâm của chúng ta, tánh đức của chúng ta tự nhiên sẽ hiện tiền. Từ bi hỷ xả là tánh đức, vốn sẵn đầy đủ trong tự tánh của tất cả chúng sanh, Vương Dương Minh gọi là “lương tri lương năng”, không phải đến từ bên ngoài. Nhưng phàm phu lục đạo từ kiếp lâu xa đến nay đã mê mất tánh đức rồi, chúng ta phải nghe cho rõ, đây là mê mất, chứ hoàn toàn không phải thật sự mất, chỉ là mê mất mà thôi, nếu chúng ta thật sự giác ngộ rồi thì tánh đức lập tức khôi phục trở lại. “Xả” là buông xuống, vì sao chúng ta không thể buông xuống? Không thể buông xuống là bởi vì chưa nhìn thấu. 

Lúc tôi mới học Phật, đại sư Chương Gia dạy tôi hai câu: “Nhìn thấu, buông xuống.” Hai câu này bắt đầu làm từ đâu? Thật ra mà nói là bắt đầu làm từ xả. Thầy dạy tôi bắt đầu làm từ bố thí, bố thí chính là xả. Nhưng chữ “xả” ở đây có ý nghĩa tinh thâm sâu xa hơn, đó chính là trong thuận cảnh và nghịch cảnh, ở trong thuận cảnh, nghịch cảnh tu tâm bình đẳng, tu tâm thanh tịnh. Trong thuận cảnh không có tham ái, trong nghịch cảnh không có sân giận, phải từ đây mà dụng công phu chân thật thì tâm địa của chúng ta sẽ đạt được bình lặng, bình đẳng, thanh tịnh, chân tâm bèn hiện tiền. Sự việc này nói thì dễ, làm mới khó, quả thật là rất khó. Chúng ta cũng biết việc này là đúng, là tốt, nhưng không thể buông xuống tập khí phiền não; hay nói cách khác, chính là không xả được. Không xả được thì công phu của bạn không có cách gì tiến bộ, đây là công phu gì vậy? Xin thưa với quý vị, đây là công phu nhập môn Phật pháp. Nếu không thể nhìn thấu, không thể buông xuống, nhìn thấu là trí tuệ, buông xuống là công phu, không thể buông xuống thì bạn không cách gì thấy đạo, chứ đừng nói đến tu đạo, căn bản là bạn còn chưa nhìn thấy đạo ở đâu thì bạn còn tu cái gì? Cho nên cảnh giới này, nếu thật sự thành tựu rồi thì đây là “địa vị thấy đạo”. 

Thế nhưng tứ vô lượng tâm là pháp mà người trời tu, họ tu thập thiện nghiệp và tứ vô lượng tâm nên cảm được phước báo ở trên trời, họ đã thấy đạo hay chưa? Chưa thấy. Vì sao chưa thấy đạo? Vì chưa phá chấp ta, đối với cảnh giới thuận nghịch có thể không động tâm là rất khá rồi, nhưng đây là phương tiện tiền đề để thấy đạo, chúng ta thông thường gọi là công phu dự bị. Nếu công phu của họ có thể nâng lên một tầng, xả bỏ tự tư tự lợi, nếu có thể xả bỏ danh văn lợi dưỡng, xả bỏ hưởng thụ ngũ dục lục trần, mà ý niệm về “ta” đó vẫn còn thì không thể thấy đạo. Trong kiến tư phiền não, điều đầu tiên là “thân kiến”, thực tế mà nói phá được thân kiến rồi thì bốn loại kiến khác cũng đồng thời đều phá cả, thân kiến là căn bản. Trong kinh điển thường nói 88 phẩm kiến hoặc trong tam giới, 88 phẩm kiến hoặc mấu chốt là ở thân kiến, không còn chấp trước thân này là ta nữa thì đây là quả Tu-đà-hoàn, địa vị sơ quả của Tiểu thừa, là quả vị Sơ tín của Bồ-tát Viên giáo Đại thừa, đây là thấy đạo rồi. Chúng ta suy nghĩ một chút, nếu không hạ công phu ngay chỗ này thì chúng ta vĩnh viễn quanh quẩn ở ngoài cửa Phật, muốn thành tựu thật khó! Điều này chứng tỏ tám vạn bốn ngàn pháp môn, tu hành bất kỳ pháp môn nào cũng đều không dễ dàng. 

Thế Tôn thấy rất rõ ràng, cho nên nói với chúng sanh thời mạt pháp chúng ta, ngoài tu Tịnh độ, nương vào uy thần bổn nguyện của A-di-đà Phật gia trì tiếp dẫn vãng sanh ra, quả thật không có con đường thứ hai. Sự tiện lợi của pháp môn Tịnh độ chính là không cần đoạn phiền não, ví dụ như chúng ta nói đến “thân kiến”, chúng ta hoàn toàn chưa đoạn hết thân kiến, chúng ta dùng công phu niệm Phật đè nó xuống, đè xuống là không cho khởi hiện hành, cũng tức là không để nó khởi tác dụng, có công phu như vậy thì có thể vãng sanh. Cũng chính là nói, thật sự chưa đoạn “ta”, nhưng có khi đạt đến được tạm thời quên cái “ta” trong thời gian ngắn, đây gọi là phục, việc này nếu chúng ta hết lòng nỗ lực một chút thì có thể làm được. Thích-ca Mâu-ni Phật chẳng phải đã làm cho chúng ta thấy rồi sao? Thân tâm thế giới, tất cả vạn duyên ngài thảy đều buông xuống, trải qua đời sống đơn giản nhất thì sẽ dễ dàng chế phục được chấp vào ta. Loại phương pháp tu học này rất dễ dàng đạt được vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, Phật cũng đã làm gương, cũng đã làm mô phạm cho chúng ta thấy, chúng ta phải thể hội được, có thể hiểu được ý của Phật. Phật vì sao làm như vậy? Cách làm này của Phật dạy chúng ta điều gì? Là dạy chúng ta xả, dạy chúng ta buông xuống.

/ 149