/ 149
79

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 19/10/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 92


Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười lăm, kinh văn hàng thứ tư từ dưới lên:

Tâm bi trang nghiêm nên thương xót chúng sanh, thường không chán bỏ.

Đây là hạnh Bồ-tát, thực hành thập thiện nghiệp đạo với lòng bi mẫn trang nghiêm, thực hành trên tâm bi mẫn. “Bi” là bi mẫn, thương xót tất cả chúng sanh. Chúng sanh ngu muội vô tri, không những là nhân gian chúng ta, cho dù là trên trời cũng vẫn không thể tránh khỏi. Trong kinh Phật nói với chúng ta trên trời cũng tương đối phức tạp, nhìn theo chiều dọc thì có 28 tầng trời, đây là khu vực giáo hóa của một vị Phật; nhìn theo chiều ngang thì phạm vi của mỗi một tầng đều là vô cùng, vô cùng rộng lớn, theo khái niệm của con người hiện nay đều gọi nó là con số thiên văn, phạm vi lớn hơn rất nhiều so với trái đất chúng ta. Vì sao nói làm thiên nhân không cứu cánh? Phật pháp nói đến chỗ cứu cánh thì có hai tầng ý nghĩa. Tầng nghĩa thứ nhất là chí ít phải có thể thoát khỏi lục đạo luân hồi thì mới xem là cứu cánh, bằng không mà nói thì dù sanh đến trời Tứ thiền, sanh đến trời Tứ không, khi thọ mạng hết rồi vẫn phải đọa lạc như cũ, không ra khỏi luân hồi, đây chẳng phải là cứu cánh. Tầng nghĩa cao hơn là phải thoát khỏi mười pháp giới thì mới được xem là cứu cánh chân thật. Nếu không thể thoát khỏi mười pháp giới, chỉ ở trong tứ thánh pháp giới là Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát và Phật trong mười pháp giới thì vẫn là không cứu cánh, không cứu cánh thì có khổ, có nạn.

Phật nói với chúng ta, phàm phu sáu cõi phải chịu cái khổ của hai loại sanh tử, một loại là phần đoạn sanh tử, một loại là biến dịch sanh tử. Mỗi một giai đoạn tiếp nối nhau của chúng ta gọi là phần đoạn sanh tử; chúng ta thường nói là từng đời từng kiếp, đây đều thuộc về hiện tượng phần đoạn sanh tử. Một loại khác là biến dịch sanh tử, biến dịch là biến hóa, không có phần đoạn, không phải phân đoạn này. Ví dụ nói chúng ta đi học ở trường, năm nay học tập rất chăm chỉ nỗ lực, học tập rất vất vả, đến sang năm lên lớp, từ lớp một lên lớp hai, ví như năm lớp một chết rồi thì năm lớp hai sanh ra, đây gọi là biến dịch. Thật ra đây hoàn toàn không phải từng đoạn từng đoạn, mà là biến dịch. Mỗi lần bạn dụng công phu rất vất vả mới nâng cảnh giới của mình lên cao một cấp, đây gọi là biến dịch. Trong sáu cõi đều có hai loại sanh tử là biến dịch sanh tử và phần đoạn sanh tử, nhưng tứ thánh pháp giới thì không có phần đoạn sanh tử, chỉ có biến dịch sanh tử. Biến dịch cũng rất khổ, tu hành cũng tương đối khổ. Hai loại sanh tử này đều không còn nữa thì mới gọi là cứu cánh. Cho nên cứu cánh đích thực là ở nhất chân pháp giới, chúng ta nhất định phải biết. Như vậy bạn mới có thể lý giải vì sao Phật nói mười pháp giới đều khổ, không chỉ là nói sáu cõi là khổ, mà mười pháp giới đều khổ.

Nỗi khổ của sáu cõi thì trong kinh Phật đã nói quá nhiều, quá nhiều rồi, nói Dục giới khổ, Sắc giới khổ, Vô Sắc giới khổ. Dục giới khổ, thường gọi là tam khổ, bát khổ, thảy đều phải chịu, chúng ta ở Dục giới, đời sống quả thật khổ vô cùng. Người trời Sắc giới không còn “khổ khổ”, cũng tức là họ không có bát khổ, nhưng họ có “hoại khổ”, và có “hành khổ”. Chữ “hoại” này chính là mọi thứ chẳng thể thường trụ, không thể trụ thế vĩnh cửu, nó sẽ biến hoại. Giống như chúng ta xây một ngôi nhà, ngôi nhà này dù bạn xây tốt đến đâu thì sau 200 năm, 300 năm nó vẫn bị sụp đổ, vẫn bị hư hoại; đến lúc hư hoại thì khổ liền hiện tiền, loại này là thuộc về hoại khổ. Chúng ta thử nghĩ, có vật chất nào mà không bị biến đổi? Thân người mỗi năm một già yếu, già yếu là hoại khổ. Chúng ta phải biết rằng, tất cả mọi hiện tượng vật chất đều không thể bảo tồn mãi mãi, kể cả thân thể của chính mình, nhất định phải biết điều này.

Hành khổ là từng sát-na biến đổi không ngừng. Lấy con người chúng ta để nói, bạn không có cách nào vĩnh viễn giữ được tuổi thanh xuân; con người không phải mỗi mười năm già đi, không phải già đi từng năm, mà lão hóa trong từng sát-na, sự biến đổi trong sát-na gọi là hành khổ. Người trời Sắc giới tuy không có “khổ khổ” như sinh, lão, bệnh, tử, cầu không được, ái biệt ly, v.v. những thứ này người trời Sắc giới không có, nhưng họ có hoại khổ, có hành khổ. Đến người trời Vô Sắc giới thì ngay cả thân thể cũng không cần nữa, đây là phàm phu cao cấp ở trong tam giới. Chúng ta đọc trong “Lão Tử”, Lão tử rất cảm thán nói: “Ta sở dĩ có niềm ưu tư lớn là vì ta có cái thân này”, ta có ưu tư lớn nhất đó là ta có thân thể. Người trời Vô Sắc giới không cần thân thể nữa, người thông thường chúng ta gọi là linh giới, Vô Sắc giới mới là linh giới chân thật, họ không có thân thể, không có thân thể thì không có hoại khổ, cho nên họ cũng không cần cung điện, cũng không cần hoàn cảnh cư trú, đó là linh giới. Tuy nhiên họ có hành khổ, hành khổ chính là cảnh giới này của họ không thể vĩnh viễn giữ y nguyên, Phật nói thời gian dài nhất mà họ có thể duy trì là tám vạn đại kiếp, đây là mức tối đa, họ chỉ có thể duy trì thời gian dài lâu đến mức này. Khi tám vạn đại kiếp hết rồi họ vẫn phải đọa lạc, vẫn phải chịu sanh tử luân hồi. 

/ 149