PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 15/10/2000
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 88
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười lăm, hàng thứ nhất:
Tinh tấn trang nghiêm nên có thể phá trừ ma oán, vào pháp tạng của Phật.
Đây là nói thực hành thập thiện nghiệp vào môn tinh tấn của hạnh Bồ-tát thì sẽ có được công đức thù thắng. Phần trước ở điều trì giới, kinh văn nói rằng: “Này long vương! Nêu ra điều trọng yếu để nói, hành đạo thập thiện”, chúng ta đem câu này nối vào phía trước thì ý nghĩa sẽ hoàn chỉnh, “vào trong tinh tấn trang nghiêm nên có thể phá trừ ma oán, vào pháp tạng của Phật”. Câu phía trước đều thông với mỗi một câu bên dưới. “Tấn” là cầu tiến bộ, tiến bộ nhất định phải “tinh”, người đời đều biết cầu tiến bộ, nhưng đã lơ là chữ “tinh” này nên biến thành tạp tấn, nói khó nghe một chút là loạn tấn. Như vậy không thể thành tựu Phật pháp, Phật pháp là pháp giác ngộ chân thật, là trí tuệ chân thật, nếu tâm bị tạp, bị loạn thì tâm thanh tịnh chắc chắn không thể hiện tiền, tâm chân thành nhất định bị phá hoại. Nếu người không có chân thành, tâm không thanh tịnh thì ma oán nhất định sẽ thừa cơ hội nhập vào.
Ma oán là chỉ cho phiền não, trong kinh Bát Đại Nhân Giác, Phật đã nói với chúng ta về bốn loại ma là: ngũ ấm ma, phiền não ma, tử ma, thiên ma. Ở đây dùng hai chữ “ma oán” thì đã bao gồm toàn bộ rồi. Chúng sanh lục đạo từ vô lượng kiếp đến nay đã kết vô lượng vô biên ân ân oán oán với tất cả chúng sanh, cho nên vì sao trên đường Bồ-đề lại khó đi như vậy, từ xưa đến nay biết bao người tu hành muốn thành tựu nhưng cuối cùng đều bị ma oán chướng ngại. Ở đây Phật nhắc nhở chúng ta, nhân tố chướng ngại nhiều vô cùng nhưng nhân tố quan trọng nhất chính là tâm hạnh bất thiện của chúng ta, khởi tâm động niệm đều rơi vào thập ác, lại không biết tinh tấn thì đương nhiên ma sẽ chướng đạo, bạn làm sao có thể thành tựu được?
Người thế gian không có trí tuệ, nhìn vấn đề rất nông cạn, rất ngắn tạm, chỉ nhắm đến cái lợi nhỏ trước mắt mà làm hại cái lợi lớn chân thật vĩnh hằng. Chỉ có người có trí tuệ chân thật thì họ nhìn thấy rõ ràng, họ biết cái lợi nhỏ trước mắt chắc chắn không phải là lợi ích, mà là tai họa, tai họa thì phải xa lìa. Trong kinh luận Đại, Tiểu thừa Phật đã nói rất nhiều: “Thập thiện là bạn tốt, thập ác là oan gia”, chúng ta khởi tâm động niệm rơi vào thập ác nghiệp là tự mình làm ma oán của chính mình, ma oán không phải đến từ bên ngoài. Ma là giày vò, tự mình giày vò bản thân, oán là oán hại, chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng. Thật sự tinh tấn thì tinh thần, thời gian của bạn đều tập trung vào trong đạo nghiệp, ma oán tuy nhiều nhưng không có kẽ hở thì nó không vào được.
Ví dụ trong bộ kinh này Phật dạy Bồ-tát rằng: Bồ-tát có một pháp có thể đoạn tất cả các đường ác khổ của thế gian. Tất cả các đường ác khổ của thế gian này chính là ma oán. Tất cả các đường ác của thế gian không chỉ là nói lục đạo, mà bao gồm thập pháp giới, đó là pháp gì? “Ngày đêm thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp.” Ngày đêm thường niệm, “thường” là không gián đoạn, ngày đêm không gián đoạn thì tâm này trụ trong ý niệm thiện, niệm ác sẽ không vào được, đây là chân thật tinh tấn. Trong pháp môn niệm Phật, chấp trì câu Phật hiệu này là đại thiện, câu lục tự hồng danh này là thiện trong thiện, bạn không thể hiểu nghĩa của nó. Hai mươi bốn giờ niệm Phật không gián đoạn, người hiện nay nghiệp chướng sâu nặng, tinh thần và thể lực làm không nổi. Lão pháp sư Đế Nhàn nói rất hay: “Bạn niệm mệt rồi thì nghỉ ngơi, nghỉ ngơi khỏe rồi tiếp tục niệm”, như vậy cũng được, như vậy cũng xem là thường niệm, cũng được xem là không gián đoạn. Vấn đề là bạn phải giữ cho chắc, từng giây từng phút đều có thể đề khởi Phật hiệu, đây gọi là tinh tấn.
Từ đó cho thấy sự tinh tấn trang nghiêm, chúng ta hằng ngày niệm kệ hồi hướng: “Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh độ”, thế nào là công đức? Nếu như không có công đức thì bài kệ này là niệm suông. Chân thật tinh tấn thì đem sự chân thật tinh tấn này mà trang nghiêm. Phần trước đã nói, đem sự bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, chúng ta thật làm thì hãy dùng những điều này mà trang nghiêm cõi Phật, trang nghiêm Phật Tịnh độ. Phật Tịnh độ ở đâu? Hư không pháp giới, nơi nào cũng đều là Phật Tịnh độ, cho nên trong kinh thường nói: “Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh.” Chúng ta ngày nay vì sao không nhìn thấy Phật Tịnh độ? Vì tâm không thanh tịnh. Tại sao tâm không thanh tịnh? Tôi thường hay nói, có tự tư tự lợi thì tâm bạn không thanh tịnh. Trong kinh Kim Cang nói: “Tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả”, tự tư tự lợi là tướng ta, tướng ta là cửa ải đầu tiên. Không thể đột phá cửa ải này thì mọi sự tu hành đều là giả, bất luận tu như thế nào thì bạn cũng đều ở ngoài cửa Phật, bạn không thể vào cửa Phật. Phá chấp ta rồi, thật sự đạt đến không có ta, quý vị đều biết người này mới là Tu-đà-hoàn, trong Viên giáo của Đại thừa thì bạn là Bồ-tát quả vị Sơ tín, bạn được xem là đã vào cửa. Cho nên, bản thân chúng ta phải thường xuyên cảnh tỉnh chính mình, nếu còn có một niệm tư tâm, còn có một niệm vì mình thì chúng ta biết rất rõ là chúng ta vẫn ở ngoài cửa Phật, chưa vào cửa được. Trong pháp Tiểu thừa gọi là “quả vị thấy đạo”, chứng quả Tu-đà-hoàn là thấy được đạo, vừa vào cửa là thấy đạo. Việc này có khó không? Nói khó cũng không khó, mà nói dễ cũng không dễ, mấu chốt là chỗ nào vậy? Bản thân bạn có chịu buông xuống hay không? Chịu buông xuống thì không khó.