/ 149
181

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 07/10/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 87


Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười bốn, hàng cuối cùng:

Nhẫn nhục trang nghiêm nên được viên âm của Phật, đủ các tướng hảo.

Đây là nói hành thập thiện nghiệp đạo, thực hành vào trong nhẫn nhục ba-la-mật. Hai câu phía trước của đoạn kinh văn này sẽ xuyên suốt toàn bộ tất cả kinh văn bên dưới, đó là câu “nêu ra điều trọng yếu để nói, hành đạo thập thiện”, tiếp theo chính là “vào trong nhẫn nhục trang nghiêm nên được viên âm của Phật, đủ các tướng hảo”, đọc như vậy thì ý nghĩa sẽ rất hoàn chỉnh. Đây là người kết tập kinh tạng đã tỉnh lược về mặt văn tự, cách tỉnh lược này là mỹ hóa văn chương. Người Trung Quốc bất luận là trên văn tự hay trong ngôn ngữ, đều chú trọng “giản yếu tường minh”, tức là tuy đơn giản, yếu lĩnh, nhưng vẫn tường tận, rõ ràng, phù hợp với tiêu chuẩn này thì là văn chương hay, ngôn ngữ hay. Vì vậy phiên dịch kinh Phật cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc này. Chúng ta đọc tụng, nghiên cứu, giảng giải nhất định phải hiểu được nghĩa thú viên mãn đầy đủ hàm chứa trong bài văn, đều là nêu ra điều trọng yếu để nói.

Nhẫn nhục là việc rất khó làm, đặc biệt là khi bị sỉ nhục. Sáu ba-la-mật trong Phật pháp Đại thừa, Phật chỉ nói một chữ “nhẫn”, mà không phải chuyên chỉ cho nhẫn nhục. Sau khi Phật pháp truyền vào Trung Quốc, pháp sư dịch kinh đặc biệt thêm chữ “nhục” vào điều này, nguyên nhân là gì? Người có học ở Trung Quốc thời xưa, chúng ta gọi là giai cấp sĩ đại phu, nói theo hiện nay thì chính là phần tử trí thức. Người Trung Quốc vô cùng tôn kính phần tử trí thức, có thể nói Trung Quốc lập quốc 5.000 năm nay, phần tử trí thức giữ địa vị vô cùng quan trọng, bất luận là thay đổi triều đại như thế nào, không ai không tôn trọng phần tử trí thức, cho nên có câu “tuyển chọn người tài đức”. Trước đây giai cấp sĩ đại phu có câu: “Kẻ sĩ có thể chết, không thể bị nhục”, người có học ở Trung Quốc xem việc bị sỉ nhục là vô cùng nghiêm trọng, đây là điều không thể nhẫn chịu được; chém đầu cũng không sao, còn có thể chịu được, chứ bị sỉ nhục thì không thể chịu được. Pháp sư dịch kinh nhìn thấy giai cấp sĩ đại phu có sự chấp trước nghiêm trọng như vậy, cho nên đã thêm chữ “nhục” vào phía sau chữ “nhẫn”. Nếu như nhục còn có thể nhẫn thì đương nhiên không có gì không thể nhẫn được, mọi thứ đều có thể nhẫn được, cho nên đặc biệt dùng chữ “nhẫn nhục”. Chúng ta phải hiểu danh từ này, trong nguyên văn kinh Đại thừa, kinh điển tiếng Phạn hoặc là kinh điển tiếng Pa-li ngày nay, kinh điển bằng tiếng Tạng đều không có nghĩa nhẫn nhục này, chúng ta phải biết điều này. 

Nếu không thể nhẫn thì chúng ta có thể tưởng tượng ra được. Chúng ta cũng nhìn thấy rất nhiều người, thậm chí kể cả chính mình, bạn xem khi bạn không nhẫn được thì đức tướng đó nó sẽ như thế nào? Thử soi gương là biết ngay, hiện nay có thể ghi hình thì càng rõ hơn, bạn xem bộ dạng đó như thế nào? Chắc chắn không thể khiến người khác nhìn thấy mà sanh tâm hoan hỷ được, sẽ khiến người khác nhìn thấy sợ hãi, chán ngán, tránh xa bạn, không dám đến gần. Tình trạng này, bất luận là thế pháp hay Phật pháp thì đều là phá hoại chứ không phải thành tựu. 

Nếu chúng ta muốn có được thành tựu viên mãn trong pháp thế xuất thế gian thì nhẫn là công phu, nhẫn là mấu chốt. Ngạn ngữ Trung Quốc thường nói: “Việc nhỏ không thể nhẫn thì sẽ hỏng việc lớn”, trong kinh Kim Cang Bát-nhã mà mọi người đọc rất thuộc, Phật đã nói một câu danh ngôn: “Hết thảy pháp thành tựu nơi nhẫn.” Thế xuất thế gian bất luận việc lớn việc nhỏ, bạn muốn thành tựu thì phải làm được nhẫn. Ý nghĩa của nhẫn sâu rộng vô tận. Điều quan trọng nhất là trong đời sống thường ngày, con người chắc chắn không thể tách rời xã hội để tồn tại độc lập, mà con người nhất định phải dựa vào đại chúng, sống chung với đại chúng nếu không thể nhẫn thì làm sao được? Nhất là trong thời đại mạt pháp hiện nay, thời đại này phiền phức rất nhiều. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Thế Tôn vô cùng cảm thán nói với chúng ta: “Đời trước không tốt, không biết đạo đức, không có người dạy.” Chúng ta từ nhỏ không được tiếp nhận nền giáo dục tốt đẹp nên đã dưỡng thành rất nhiều tập khí bất thiện, rất khó sống chung với đại chúng, điều này khó! 

/ 149