PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 16/10/2000
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 89
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười lăm, bắt đầu xem kinh văn hàng thứ hai:
Thiền định trang nghiêm nên có thể sanh ra niệm tuệ, tàm quý, khinh an.
Đây là nói rõ thực hành thập thiện nghiệp đạo vào trong thiền định ba-la-mật, là điều thứ năm của lục độ, nên họ đạt được công đức lợi ích thù thắng. Mỗi một điều trong thập thiện, từ không sát sanh, không trộm cắp, cho đến không tham, không sân, không si đều tương ưng với thiền định. Chúng ta đọc qua kinh văn phía trước thì nhất định thể hội được, như trong kinh Hoa Nghiêm đã nói “một là tất cả, tất cả là một”, tùy chọn ra một pháp thì tám vạn bốn ngàn pháp môn không sót một pháp nào. Bạn xem, trong mỗi một pháp đều đầy đủ viên mãn tất cả pháp, đây là Bồ-tát hạnh. Quay đầu nhìn lại phàm phu chúng ta, các pháp dường như toàn bộ đều rời rạc nhau, không thể nào giống như Phật Bồ-tát, bất kỳ một pháp nào cùng tất cả pháp đều dung hợp mật thiết, chặt chẽ với nhau. Đây là tánh đức, tự tánh vốn đầy đủ, vốn dĩ như vậy.
Thiền định trong lục độ, hiện nay chúng ta gọi là tâm có chủ tể, nhất định không bị cảnh bên ngoài dao động, người như vậy tu hành thì công phu mới có lực, mới có thể có thành tựu. Vào thời xưa, phong khí xã hội thuần phác, lòng người lương thiện; hay nói cách khác, cơ hội bị cảnh giới bên ngoài mê hoặc tương đối ít. Hiện tại thời kỳ mạt pháp, lòng người bất thiện, hữu ý hay vô ý chúng ta luôn ảnh hưởng người khác. Bản thân chúng ta luôn không cẩn trọng, tín tâm dao động, cho nên chúng ta nỗ lực tu hành thế nào cũng đều không thể thành tựu.
Vậy phải tu hành thế nào mới có thể nhanh chóng bảo đảm thành tựu? Tôi nghĩ đây là việc mà mỗi một đồng học đều mong cầu, sự việc này tuyệt nhiên không phải là vọng tưởng, “trong cửa nhà Phật, có cầu tất ứng”, đích thực là có thể cầu được. Chư Phật Như Lai đại từ đại bi, ban cho chúng ta pháp môn Tịnh độ, đáp ứng mong cầu này của chúng ta, hy vọng trong một đời mau chóng viên mãn vô thượng Bồ-đề. Điều này có thể đạt được hay không? Nhân tố then chốt chính là ba tư lương “tín nguyện hạnh”. Trong tín nguyện hạnh thì quan trọng nhất chính là tín tâm. Ngày nay chúng ta có xây dựng tín tâm hay không? Tin tưởng A-di-đà Phật, tin tưởng kinh luận Tịnh tông thì có thể thành tựu hay không? Chưa chắc! Vì sao vậy? Tâm của bạn không định, tâm của bạn vẫn còn bị tất cả người, việc, vật trong xã hội ảnh hưởng thì bạn không thể thành tựu. Chúng ta trên đường Bồ-đề có một chướng ngại nghiêm trọng nhất là ma chướng, nó làm cho bạn mất đi tín tâm. Tín tâm bị mất đi rồi thì nguyện lực sẽ yếu kém, cho nên thường đổi sang tu các pháp môn khác, thường chạy đi các đạo tràng khác, đây gọi là loạn tu, tạp tấn, vậy thì làm sao có được thành tựu?
Chúng ta thấy những người có thành tựu trong thế xuất thế gian, bạn chỉ cần quan sát kỹ, vì sao họ có thể thành tựu? Họ có tín tâm. Tín tâm của họ càng kiên định, tín tâm càng không dao động, càng không bị ảnh hưởng của cảnh giới bên ngoài thì thành tựu của họ càng lớn, chắc chắn là tỉ lệ thuận với tín tâm. Chúng ta muốn học Phật, Phật là vị thầy lớn bậc nhất của thế xuất thế gian, bạn không có tín tâm [với ngài] hơn hẳn tất cả mọi người thì làm sao bạn có thể thành tựu được? Sự việc này khó, quá khó quá khó, rất không dễ gì kiến lập, cho nên nó chướng ngại chúng ta niệm Phật, chướng ngại chúng ta vãng sanh, chướng ngại chúng ta tu phước, ngay đến phước báo nho nhỏ của thế gian cũng bị nó chướng ngại.
Chúng tôi nêu lên một thí dụ rất đơn giản để nói, việc cứu tế tất cả chúng sanh khổ nạn là phước báo, là việc tốt. Tài vật cứu tế có bị người trung gian, thông thường gọi là bị họ đoạt mất hay không? Người dân thật sự bị nạn không nhận được, có tình huống này hay không? Có. Cho nên khi nhìn thấy tình hình này, chúng ta không làm việc cứu tế nữa. Người học Phật trong lòng nghĩ, ta đem tài vật đi cứu trợ thiên tai nhưng bị những người trung gian này chiếm lấy, vậy chẳng phải là ta tạo ra cơ hội để họ tạo tác ác nghiệp hay sao? Thế là càng nghĩ thì càng không dám phát tâm, ngay cả cơ hội tu phước cũng bị đoạn mất. Loại người này tự cho mình thông minh, tự cho rằng làm vậy là chính xác. Trong kinh điển, Phật dạy chúng ta như thế nào? Phật dạy không giống với cách nghĩ của chúng ta. Trong kinh Lăng-nghiêm nói: “Phát ý viên thành, công đức viên mãn.” Khoan nói bạn đem tài vật đi cứu tế người khác, mà bạn khởi lên ý niệm này thì công đức của bạn viên mãn rồi, vì tâm của bạn là chân tâm, ý của bạn là thành ý. Mỗi người có nhân quả của mỗi người, mỗi người có phước đức, nhân duyên của mỗi người, quyết không được mắc nghẹn mà bỏ ăn, vậy là hết sức sai lầm. Pháp thế gian, nhất là sống trong thời đại này, giáo huấn của bậc thánh hiền hoàn toàn không còn, chúng sanh tạo ác rất là phổ biến. Không được vì chúng sanh tạo ác mà chúng ta không hành thiện, chúng ta không giúp đỡ người thì tiền đồ tương lai của chúng ta rất đáng sợ, không phải hướng lên trên mà là hướng xuống đọa lạc. Ta tu phước của ta, họ tạo nghiệp của họ, mỗi người có quả báo của mỗi người.