/ 149
84

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 04/10/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 84

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười bốn, hàng thứ nhất:

Lìa tâm phẫn nộ mà hành bố thí thì thường được nhiều tiền của, không ai có thể xâm đoạt; bản thân mau thành tựu tâm trí vô ngại; các căn nghiêm trang tốt đẹp, ai thấy cũng đều kính mến.

Đây là không sân, không sân giận trong thập thiện. Tâm sân giận khó trừ bỏ nhất, gặp phải việc không vừa lòng, không như ý thì ý niệm sân giận tự nhiên sẽ sanh khởi, hơn nữa sanh khởi vô cùng nhanh, điều này chứng tỏ tập khí xấu của chúng ta từ vô thủy kiếp đến nay rất sâu nặng. Trong các phiền não thì phiền não này nghiêm trọng nhất, Phật nói với chúng ta quả báo của nó là ở địa ngục. Tam độc là nhân tố chủ yếu của ba đường ác, tham dục là cõi ngạ quỷ, sân giận là cõi địa ngục, ngu si là cõi súc sanh. Cho nên trong tất cả các kinh luận Đại, Tiểu thừa không biết Phật đã nói bao nhiêu lần về sự việc này, từng giờ từng phút nhắc nhở chúng ta, tuyệt đối không được tạo nghiệp nhân của tam độc, tạo nghiệp nhân tam độc thì chắc chắn đọa ba đường ác. Phật độ chúng sanh, giúp chúng sanh lìa khổ được vui, chúng ta thông thường nói Phật Bồ-tát bảo hộ, Phật Bồ-tát gia trì, các ngài dùng phương pháp gì để bảo hộ, để gia trì vậy? Dùng dạy học. Từng giây từng phút nhắc nhở chúng ta, bản thân chúng ta ngu si, không hiểu ý của Phật, không thể tiếp nhận lời giáo huấn mà gắng sức thực hiện, cho nên tuy học Phật rồi mà vẫn phải đọa ba đường ác. Há chẳng nghe ngạn ngữ thường nói “trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều” đó sao? Lời nói này quyết chẳng phải không có nguyên do, nó có đạo lý, có nguyên nhân. 

Bốn chúng đệ tử trong đời này có cơ hội nghe được Phật pháp, đây là nhân duyên hiếm có khó gặp. Trong kinh Phật cũng thường nói “thiện căn, phước đức, nhân duyên”, đầy đủ ba điều này thì đời này mới có thể được độ. Chúng ta có nhân duyên đầy đủ, vấn đề là có thiện căn, phước đức hay không? Có thiện căn, phước đức tức là tin sâu nguyện thiết, y giáo phụng hành, đây chính là thiện căn, phước đức. Nếu không tin, không có nguyện lực, không chịu y giáo phụng hành, vẫn tùy thuận tập khí phiền não của mình thì trong ba điều kiện này, tuy bạn có nhân duyên nhưng không đủ thiện căn, phước đức. Chính là điều mà trước đây lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã nói: bạn vẫn theo nghiệp mà thọ báo như cũ, bạn vẫn bị nghiệp lực kéo đi, bạn không ra khỏi luân hồi, không thoát khỏi ba đường ác. Ba điều kiện buộc phải đồng thời đầy đủ thì người ấy trong đời này vượt thoát được rồi. Rất nhiều năm về trước, khi tôi ở Đài Loan, giáo sư Lam Cát Phú đến hỏi tôi về điều kiện vãng sanh, tôi bèn dựa theo một câu kinh văn trong kinh A-di-đà để trả lời ông, kinh A-di-đà nói: “Không thể dùng ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi kia.” Chúng ta ngày nay thông thường nói thiện căn, phước đức, nhân duyên đều có, thế nhưng ít, nếu ít thì không thể “được sanh về cõi kia”; hay nói cách khác, phải nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên mới chắc chắn sanh Tịnh độ. Trong kinh Phật đã nói rõ ràng như vậy, nói sáng tỏ như vậy, chúng ta phải biết.

Làm thế nào để hàng phục tâm phẫn nộ? Đây là đại học vấn, đây là công phu chân thật. Người biết dụng công, người có tính cảnh giác cao, khi ý niệm sân giận vừa khởi lên liền niệm “Nam-mô A-di-đà Phật”, dùng câu Phật hiệu này đè ý niệm này xuống, đây gọi là biết niệm Phật. Ý niệm vừa khởi, ý niệm thứ nhất là tâm phẫn nộ thì ý niệm thứ hai là A-di-đà Phật, từng giây từng phút phải dùng công phu này, sau đó bạn mới biết được sự thù thắng của pháp môn niệm Phật. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn thì pháp môn này tiện lợi, có thể dùng mọi lúc mọi nơi, hơn nữa dùng vô cùng hiệu quả. Cổ đức thường nói: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm.” Niệm chính là ý niệm tham sân si, ý niệm tự tư tự lợi, ý niệm tùy thuận tập khí phiền não, những ý niệm này chắc chắn sẽ khởi, vì vô thủy kiếp đến nay đã huân tập thành, bạn là phàm phu thì đâu có lý nào không khởi phiền não? Niệm thứ nhất khởi lên rồi, niệm thứ hai liền cảnh giác ngay, dùng câu Phật hiệu san bằng nó, đè nó xuống. Công phu này dùng lâu rồi, thật ra mà nói nếu bạn thật sự chịu dụng công thì thông thường nói ba năm, từ ba năm đến năm năm chắc chắn thành công. Mấu chốt chính là tính cảnh giác cao, vừa khởi ý niệm thì lập tức đề khởi Phật hiệu, đây là chỗ thù thắng vô song của Tịnh độ. Phàm phu thật đáng thương, khi phiền não khởi lên, ý niệm thứ hai lại tiếp tục khởi, thế là phiền não niệm niệm tăng trưởng, cứ như vậy mới khiến mình trong đời này dù cho gặp được pháp duyên thù thắng cũng không thể thành tựu, đạo lý là ở chỗ này. Chúng ta ngày nay biết sự việc này rồi, hiểu rõ đạo lý này thì phải hết lòng nỗ lực mà học tập. Niệm Phật như thế nào? Chính là cách niệm này; phải dùng cho thuần thục, mọi lúc mọi nơi đều có thể đề khởi lên được, hoàn toàn khống chế được phiền não của chính mình, cho nên có thể xoay chuyển được cảnh giới. Bạn chính mình biết rất rõ ràng, rất sáng tỏ, phiền não nhẹ, trí tuệ tăng, công phu sẽ thấy hiệu quả.

/ 149