PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 05/10/2000
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 85
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo trang thứ mười bốn, bắt đầu xem kinh văn hàng thứ ba:
Lìa tâm tà đảo mà hành bố thí thì thường được nhiều tiền của, không ai có thể xâm đoạt; hằng sanh chánh kiến, gia đình chánh tín; thấy Phật nghe pháp, cúng dường chúng tăng, thường không quên mất tâm đại Bồ-đề.
Đoạn kinh văn nhỏ này nói không ngu si mà hành bố thí thì lợi ích đạt được là “thường không quên mất tâm đại Bồ-đề”. Phần tiếp theo từ câu “đây là bậc đại sĩ” trở xuống đến “lợi ích lớn như vậy” là phần tổng kết của đoạn này, chính là phần tổng kết dùng thập thiện nghiệp mà tu bố thí. “Tà đảo”, tà là tà kiến, đảo là điên đảo, tà kiến điên đảo chính là ngu si. “Lìa tâm tà đảo mà hành bố thí”, đây là chúng ta thông thường nói không ngu si, không ngu si mà hành bố thí. “Thường được nhiều tiền của, không ai có thể xâm đoạt”, đây là nói lợi ích tổng quát.
Quả báo riêng biệt của không ngu si mà hành bố thí, nếu chỉ nói riêng về quả báo của việc này thì là “hằng sanh chánh kiến”, hằng là vĩnh hằng, chánh là chánh tri chánh kiến; hay nói cách khác, chính là đại sư Lục tổ Huệ Năng trong Tông môn nói là “thường sanh trí tuệ”. Ngài gặp Ngũ tổ liền nói: “Trong tâm đệ tử thường sanh trí tuệ.” Chúng ta biết vì sao ngài thường sanh trí tuệ, là do ngài không ngu si mà hành bố thí nên được quả báo này. Chúng ta bình thường có tu học như vậy hay không? “Gia đình chánh tín”, không những bản thân sanh chánh tri chánh kiến, đây là một điều trong câu “hằng sanh chánh kiến, gia đình chánh tín”, họ thọ sanh không phải thọ sanh trong nhà người bình thường, nhất định là sanh vào trong gia đình Phật giáo có chánh tín. Tại sao vậy? Vì bản thân họ có chánh tri chánh kiến, nếu bản thân không đầy đủ chánh tri chánh kiến thì sẽ không sanh vào gia đình chánh tri chánh kiến, đây là cảm ứng. Khổng phu tử trong phần Hệ từ truyện của Chu Dịch đã nói: “Vật tụ theo loài, người phân theo nhóm”, người chánh kiến thì ưa thích người thích chánh kiến, người tà kiến thì ưa thích người tà kiến. Cho nên cổ nhân đã từng dạy người, muốn quan sát một người, xem người này là người chánh kiến hay là người tà kiến, nhìn từ chỗ nào vậy? Xem bạn bè kết giao của họ, xem họ cùng làm bạn với những hạng người nào. Nếu bạn bè mà họ qua lại đều là chánh tri chánh kiến thì người này chắc chắn là chánh tri chánh kiến; nếu những người mà họ giao du là tà tri tà kiến thì họ cũng khó tránh khỏi tri kiến bất chánh, đây là đạo lý nhất định. Cho nên, nhìn bạn họ thì có thể biết họ vậy.
Đã là chánh tri chánh kiến thì nhất định “thấy Phật nghe pháp, cúng dường chúng tăng”, đây là thân cận tam bảo. Quý vị nhất định phải biết, trong pháp thế xuất thế gian, thân cận tam bảo là người đại phước đức, cũng là người đại trí tuệ. Thế nhưng ngày nay tam bảo ở thế gian đã suy vi rồi, suy vi là do chỉ có tam bảo hình thức, không có tam bảo thực chất. Quý vị phải biết rằng, tam bảo thực chất mới hữu hiệu, chúng ta mới có thể thật sự được phước tuệ. Tam bảo thực chất, trong Đàn Kinh nói rất hay, Lục tổ nói: “Phật là giác, pháp là chánh, tăng là tịnh.” Cho nên ngài dạy người quy y giác, quy y chánh, quy y tịnh. Giác, chánh, tịnh là tam bảo thực chất, Phật pháp tăng chính là giác chánh tịnh. Tuy nhiên người hiện nay biết Phật pháp tăng, nhưng không biết nội hàm của Phật pháp tăng là giác chánh tịnh. Nhắc đến Phật liền nghĩ đến tượng Phật, nhắc đến pháp liền nghĩ đến kinh điển, nhắc đến tăng liền nghĩ đến người xuất gia, nghĩ sai rồi! Cho nên không đạt được lợi ích chân thật của Phật pháp.
Trụ trì tam bảo đối với sự hoằng truyền, tu học Phật pháp là vô cùng quan trọng, không thể thiếu được; bạn có thực chất mà không có hình tượng thì thực chất cũng vỡ tan. Phật Bồ-tát chỉ dạy chúng ta, nhìn thấy tượng Phật phải nghĩ đến giác ngộ, giác mà không mê, ý nghĩa chân thật của việc cúng dường tượng Phật là ở chỗ này. Nhìn thấy kinh điển, không chỉ là kinh điển, mà chỉ cần nhìn thấy quyển sách, nhìn thấy văn tự thì lập tức có thể nghĩ đến chánh mà không tà, đây là thật sự quy y pháp, thật sự bạn đã thấy Phật, thấy pháp rồi. Nhìn thấy người xuất gia thì nghĩ đến sáu căn thanh tịnh, mảy trần không nhiễm, đây là bạn thật sự kính tăng. Thấy Phật, nghe pháp, kính tăng, phải giảng như vậy mới được. Cho nên, hình tượng tam bảo từng giây từng phút đang nhắc nhở chúng ta, không có hình tượng này thì chúng ta rất dễ quên, chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay tùy thuận tập khí phiền não nên tự nhiên bị phiền não kéo đi. Thế nên, vì sao chúng ta phải cúng dường tam bảo? Mục đích là từng giây từng phút nhắc nhở mình, đây chính là ân huệ lớn nhất mà tam bảo trên hình tượng đã cho chúng ta, nếu không thì lấy gì để nhắc nhở chúng ta?