/ 149
74

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 03/10/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 83

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười ba, hàng thứ hai từ dưới lên: 

Lìa tâm tham cầu mà hành bố thí thì thường được nhiều tiền của, không ai có thể xâm đoạt; hết thảy mọi thứ đều dùng trí tuệ để buông xả; tín giải vững chắc, có đủ uy lực lớn.

Điều đầu tiên trong ba điều thiện của ý trong thập thiện là không tham. “Lìa tâm tham cầu”, tham cầu là phiền não căn bản của tất cả chúng sanh, là thứ nghiêm trọng nhất trong tam độc. Sân giận, tham không được nên mới sân giận; nếu tất cả đều có thể tham được thì sao họ có thể sân giận? Cho nên, suy cho cùng chính là một chữ “tham” này. Phật dạy Bồ-tát điều đầu tiên là bố thí; bố thí độ tham lam keo kiệt. Bố thí là có thể xả, vậy có thể đoạn sạch gốc của phiền não, nếu không đoạn sạch cái gốc này thì vĩnh viễn không thể vào cửa Phật, đạo lý và sự thật này, chúng ta đều phải hiểu rõ. Cho nên, nếu chúng ta muốn khế nhập cảnh giới của Phật thì buộc phải xả bỏ tham lam keo kiệt. Phạm vi của tham lam keo kiệt vô cùng rộng, học Phật rồi, xả hết pháp thế gian rồi, nhưng lại tham Phật pháp, vậy thì chưa xả tâm tham, chỉ là đổi đối tượng mà thôi. Như vậy có thể vào cửa Phật hay không? Vẫn không thể vào cửa Phật. Phật dạy chúng ta xả tâm tham lam keo kiệt, không phải dạy chúng ta đổi đối tượng. Tham muốn Phật pháp, quả báo vẫn là phước báo, là phước báo hữu lậu trong tam giới. Lậu là gì vậy? Phiền não là lậu. Phiền não của bạn không đoạn thì là hữu lậu. Phật pháp là thiện pháp, cho nên bạn được phước, có thể thành tựu phước đức của bạn chứ không hề liên quan đến công đức. Công đức là xả tham sân si thì mới gọi là công đức; xả tham sân si thì tất cả thiện pháp mà bạn đã tu là công đức chân thật, không xả tham sân si thì không được.

Chúng ta quan sát tỉ mỉ người khác, rồi xoay trở lại xét bản thân mình. Tự mình nhìn tật xấu của chính mình thì rất khó phát hiện, dù cho có phát hiện cũng không thể quan sát tỉ mỉ, chỉ sơ suất qua loa, không dễ dàng làm được quán chiếu tỉ mỉ. Người biết tu hành không có gì khác là họ có thể nhìn thấy người khác bèn lập tức soi lại chính mình, loại người này tiến bộ rất nhanh, thành tựu cũng lớn. Người ngu si chỉ nhìn thấy tật xấu của người khác, không biết tật xấu của mình, cho nên vĩnh viễn không ra khỏi lục đạo luân hồi. Người ngu si khởi tâm động niệm thì đặt lợi ích của chính mình lên hàng đầu, đặt lợi ích của người khác ở hàng thứ hai, thứ ba, thứ tư. Người giác ngộ thì đặt lợi ích của người khác lên hàng đầu, hoàn toàn không nghĩ đến lợi ích của mình, đây là Bồ-tát, người này mới có thể vào được cửa Phật. Phạm vi của tham cầu thật là quá rộng, tóm lại mà nói thì khởi tâm động niệm nếu có ý niệm vì bản thân thì trong đó có tham cầu. Cho nên, sự tham cầu đã bao hàm tất cả ác nghiệp, nó là gốc rễ của tất cả ác nghiệp, căn nguyên là ở chỗ này. 

Ở đây Phật dạy chúng ta đầu tiên là xa lìa tâm tham. Không có tâm tham cầu mà hành bố thí, đây là chư Phật Bồ-tát làm, một mảy may tâm tham cầu cũng không có, niệm niệm đều vì chúng sanh, nhất định không vì chính mình. Nếu có một mảy may tâm tham cầu thì xin nói với các vị rằng chắc chắn không sanh trí tuệ, đoạn sạch phiền não mới sanh trí tuệ; có tâm tham cầu thì dù có học nhiều đến đâu, nhà Phật gọi là thế trí biện thông, người này không sanh trí tuệ. Trí tuệ là từ trong tâm thanh tịnh mà sanh ra, ở trong tâm thanh tịnh hoàn toàn không có tham sân si mạn. Chúng ta cầu trí tuệ thì phải biết, nếu chúng ta không xả thì nhất định không có được tâm thanh tịnh. Không có tâm thanh tịnh thì bạn không có tâm bình đẳng, cũng không có tâm từ bi, nhà Phật nói những danh từ này, danh từ nghe rất hay, bạn có thể thường nói nơi cửa miệng, nhưng cảnh giới của bạn nhất định là cảnh giới của phàm phu, bạn nhất định không thể khế nhập. Hay nói cách khác, bạn giúp đỡ người khác sẽ có hạn, vì sao vậy? Vì giúp chính mình còn giúp không nổi, niệm Phật cũng không thể vãng sanh. 

/ 149