/ 149
55

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 02/10/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 82

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười ba, bắt đầu xem kinh văn hàng thứ ba:

Lìa lời thô ác mà hành bố thí thì thường được nhiều tiền của, không ai có thể xâm đoạt; hết thảy hội chúng hoan hỷ quy y; lời nói đều được người tin nhận, không ai chống trái.

Đây là không nói thô ác. Không nói lời thô ác mà hành bố thí thì sẽ được quả báo thù thắng, hai câu tổng thuyết phía trước không cần giảng nữa, vì phần trước đã nói rồi, đó là “thường được nhiều tiền của, không ai có thể xâm đoạt”. Chúng ta xem quả báo riêng biệt là “hết thảy hội chúng hoan hỷ quy y”, đây là điều vô cùng hiếm có, tức là khi chung sống với mọi người, “hội chúng” là rất nhiều người ở chung với nhau, bạn đều được quần chúng hoan nghênh. “Hoan hỷ quy y”, chúng ta có thể dùng ngôn ngữ ngày nay để giải thích, tức là bạn sẽ được mọi người ủng hộ hoan nghênh. “Lời nói đều được người tin nhận”, bạn ở trong đại chúng phát biểu hay nói chuyện thì mọi người đều tin, đều có thể tiếp nhận, “không chống trái”, không có phản đối, không có cự tuyệt. Từ đó cho thấy, đây là người lãnh đạo rất được mọi người trọng vọng. Phước đức này của họ từ đâu mà có vậy? Từ không nói thô ác mà có. 

Chúng ta ngày nay nhìn thấy một số nhà lãnh tụ quả thật rất được quần chúng hoan nghênh, chúng ta biết được họ đã tu thế nào mới có được quả báo như vậy. Có một số người thật sự có trí tuệ, cũng có năng lực, cũng rất nhiệt tâm muốn vì đại chúng xã hội làm một chút việc, nhưng họ chung sống với mọi người mà không được mọi người ủng hộ. Đây là nguyên nhân gì? Đây là vấn đề của khẩu nghiệp trong đời quá khứ, trong khẩu nghiệp nói năng thô lỗ khiến mọi người nghe thấy sanh ra khó chịu, cho nên mới cảm quả báo này; dù bạn có trí tuệ, nhiệt tâm vì mọi người mà phục vụ, nhưng mọi người đều chống đối bạn. Cho nên, nếu muốn phước đức được viên mãn thì phải làm tốt mọi mặt, thiếu một mặt cũng không được, chúng ta thật sự hiểu được đạo lý của nhân quả, hiểu rõ sự thật về báo ứng thì một cách tự nhiên, không cần người khác khuyên bảo, chúng ta chắc chắn tu thập thiện nghiệp. 

Dùng thập thiện nghiệp vào trong hành môn nào cũng đều đạt được quả báo thù thắng, vậy tại sao chúng ta không hết lòng nỗ lực tu học? Vì sao không sửa đổi những tập khí sai lầm của chính mình? Nếu thật sự sửa đổi được thì bất luận thế pháp hay Phật pháp đều thật sự được thuận buồm xuôi gió. Đặc biệt trong Phật pháp, Phật chỉ dạy chúng ta phải hướng về tất cả chư Phật Như Lai mà học tập, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn. Khổ nạn này nói theo nghĩa rộng là chúng sanh trong mười pháp giới đều có khổ, đều có nạn. Pháp giới Phật trong mười pháp giới vẫn chưa minh tâm kiến tánh, chưa thoát khỏi mười pháp giới, đây chính là tai nạn của họ. Đến được nhất chân pháp giới thì mới được xem là bạn đích thực đã đến chỗ an ổn, trong Phật pháp gọi là “cứu cánh niết-bàn”. 

Cứu cánh niết-bàn nói theo nghĩa rộng chính là nhất chân pháp giới. Trong kinh Hoa Nghiêm, địa vị Sơ trụ của Viên giáo chứng được cứu cánh niết-bàn, là cứu cánh viên mãn trong cứu cánh, đó là Phật quả của Viên giáo; Sơ trụ, Nhị trụ là phần chứng cứu cánh; trong mười pháp giới, thứ mà Thanh văn, Duyên giác chứng được là thiên chân niết-bàn. Phật ở trong mười pháp giới vẫn không phải là phần chứng niết-bàn. Những lý và sự này chúng ta nhất định đều phải hiểu rõ, đều phải sáng tỏ. Những Thanh văn, Bồ-tát này vì sao phải tu hành chứng quả? Mục đích ở đâu? Mục đích chỉ có một, là vì phổ độ tất cả chúng sanh mà tu hành, mà cầu chứng quả, nhất định không phải vì bản thân.

Thập thiện nghiệp đạo là nền tảng tu hành của chúng ta, là đại căn đại bản. Chúng ta tu hành, điều quan trọng nhất là ở bước đầu tiên, nếu bước đầu làm không tốt thì không có tiền đồ, bước thứ hai bạn sẽ sai lầm, té ngã. Dùng thập thiện nghiệp đạo vào trong tất cả pháp thế xuất thế gian, ở đây dạy chúng ta, bộ kinh điển này là thông cả Đại, Tiểu thừa, thông tất cả Phật pháp, mở đầu là dạy chúng ta dùng thập thiện vào trong sáu ba-la-mật của Bồ-tát. Bố thí thì được tài bảo, tài là phước, bảo là tuệ, được phước báo, được trí tuệ. Phước báo và trí tuệ có viên mãn hay không thì phải xem tế hạnh, tế hạnh chính là thập thiện. Tế hạnh như thế nào thì được quả báo như thế ấy, vì vậy không thể không tu tế hạnh. Tế hạnh không phải như người thông thường nói là “giới nhỏ xíu thì có thể bỏ, giới nhỏ xíu không sao cả”, không được nói như vậy. Nói năng thô lỗ một chút [thì cho là] giới nhỏ xíu, việc này không sao cả, nhưng quả báo thì chẳng thể nghĩ bàn. Nếu bạn có thể giao thiệp với mọi người vui vẻ hòa nhã thì quả báo mà bạn đạt được là mọi người sẽ hoan hỷ theo về, ủng hộ bạn, lời bạn nói được người khác hoan hỷ tiếp nhận, đây là quả báo có được từ trong những giới rất nhỏ.

/ 149