/ 149
90

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 01/10/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 81

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười ba, hàng thứ nhất: 

Lìa nói ly gián mà hành bố thí thì thường được nhiều tiền của, không ai có thể xâm đoạt; quyến thuộc hòa thuận, cùng nhất chí vui vẻ, thường không trái nghịch, tranh chấp.

Đây là không nói ly gián, lìa nói ly gián có được quả báo thù thắng. Chúng ta thấy công đức chân thật của thập thiện nghiệp đạo, điều này đặc biệt quan trọng. Chúng ta biết nền tảng của pháp thế xuất thế gian đều ở gia đình, gia đình bất hòa thì chẳng những đạo nghiệp xuất thế gian của bạn không thể thành tựu, mà sự nghiệp trong gia đình của bạn cũng không thể thành tựu. Cho dù có thành tựu thì cũng giống như hoa ưu-đàm thoáng hiện[1]; nhìn thấy dường như huy hoàng nhất thời, đây là thiện nghiệp của bạn trong đời quá khứ tu tích được, nếu gia đình bất hòa thì quả báo này sẽ nhanh chóng bị tiêu mất. Gia đình vì sao bất hòa vậy? Do nói ly gián tạo nên, điều này chúng ta không thể không chú ý. “Xúi giục, ly gián”, trong bốn loại lỗi của miệng thì lấy đây làm trọng. 

Trong pháp xuất thế, đặc biệt là phá hoại đạo tràng, xúi giục ly gián phá hoại đạo tràng, tội nghiệp này chắc chắn là đọa địa ngục A-tỳ, không cách gì cứu nổi. Phật ở trong kinh luận Đại, Tiểu thừa đều nói đến, đây chính là phá hòa hợp tăng, phá hòa hợp tăng là tội nghiệp cực nặng, không có tội nào nặng hơn tội này. Trong giới kinh nói, trộm vật của tăng-già, tức là trộm cắp tài vật của thường trụ thì không thể sám hối. Phật nói, bản thân bạn tạo tội ngũ nghịch thập ác thì Phật đều có thể cứu; trộm vật của tăng-già, trộm cắp tài vật của thường trụ thì chư Phật mười phương cũng không có cách gì cứu bạn được. Nhưng phá hòa hợp tăng, phá hoại một tăng đoàn, tội này so với trộm đồ của tăng-già không biết nặng gấp bao nhiêu lần, chúng ta nghĩ kỹ thì sẽ biết. 

Lời của Phật rốt cuộc có đáng tin hay không? Nếu lời của Phật là chân thật, lời của Phật đáng tin thì tội nghiệp này thật khủng khiếp. Chúng ta nghĩ kỹ lại xem, Phật có nói dối hay không? Ngài có dùng những lời này để hù dọa, lừa gạt chúng ta hay không? Chúng ta hãy tư duy thật kỹ, tin tưởng sâu sắc Phật không bao giờ làm như vậy. Phật độ chúng sanh, ngài có trí tuệ phương tiện rất nhiều, việc gì phải dùng cách thức này? Thêm nữa là Phật độ chúng sanh rất có tâm kiên nhẫn, quyết không phải là nhất thời, cho nên Phật không thể dùng nói dối, nói giả thiết để làm cách thức dẫn dắt chúng sanh. Những điều Phật nói, nhất định như trong kinh Kim Cang đã nói là “nói lời chân thật, nói đúng sự thật, sự thật như thế nào thì nói như thế đó, không nói lời lừa gạt, không nói lời khác nhau”, hoàn toàn đáng tin. Chẳng hiểu vì sao bản thân chúng ta ngu muội vô tri, không chịu tin tưởng lời Phật, chính mình tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp mà không biết sám hối. 

Nếu như đã tạo rồi còn có thể cứu chữa hay không? Đáp án là chắc chắn được; Phật không thể cứu bạn, nhưng bạn tự mình có thể cứu được chính mình: tự mình chân thật sám hối, sửa lỗi làm mới. Thời quá khứ có Bồ-tát Thiên Thân, lúc còn trẻ tuổi vô tri; lúc còn trẻ ngài học Tiểu thừa, trong đạo Tiểu thừa ngài rất có thành tựu, đã làm ra 500 bộ luận cho Tiểu thừa, ngài là người có trí tuệ, nhưng lại phỉ báng Đại thừa. Về sau, ngài tiếp nhận lời chỉ dạy của anh ngài là Bồ-tát Vô Trước, biết được pháp Đại thừa, bản thân ngài hối hận về lời phỉ báng trước đây, đứng trước Phật sám hối, muốn cắt lưỡi của mình, Bồ-tát Vô Trước ngăn lại và nói: “Đệ việc gì phải cắt lưỡi? Quá khứ đệ dùng lưỡi phỉ báng Đại thừa, ngày nay đệ sám hối, quay đầu lại, tại sao đệ không dùng lưỡi của đệ để tán thán Đại thừa?” Sự thị hiện của ngài chính là để dạy chúng ta quay đầu như thế nào, cách làm ra sao. Trước đây làm sai rồi, hiện nay chúng ta phải tán thán pháp Đại thừa, ủng hộ pháp Đại thừa. Chúng ta hiểu được đạo lý này, nếu chúng ta đã làm ra việc phá hoại đạo tràng, phá hoại tăng đoàn, ngày nay chúng ta thật sự quay đầu, thật sự sám hối, chúng ta ủng hộ tăng đoàn, giúp đỡ tăng đoàn đoàn kết, giúp đỡ việc hoằng dương Phật pháp, đây gọi là chân sám hối. Sám hối tuyệt đối không phải ở trước Phật Bồ-tát dập đầu cầu xin, việc đó không có lợi ích gì, không tiêu nổi tội nghiệp. 

/ 149