/ 149
89

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 22/09/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 74

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười một, hàng thứ tư từ dưới lên, bắt đầu xem từ điều thứ sáu:

Sáu, vô lượng phước tuệ dần dần tăng trưởng.

Mọi người đều mong cầu tăng trưởng phước tuệ; không những là phước đức, mà trí tuệ cũng là từ thiện nghiệp sanh ra. Ngạn ngữ xưa Trung Quốc thường nói “phước chí tâm linh”, khi phước báo hiện tiền thì trí tuệ cũng hiện tiền, tâm tư đặc biệt nhạy bén, cho thấy rõ mối quan hệ giữa phước và tuệ. Vì sao vậy? Bởi vì gốc của chúng đều là tâm thiện, niệm thiện, hạnh thiện. Nếu như tâm hạnh bất thiện thì loại người này không có phước báo. Chúng ta nhìn thấy rất nhiều người bất thiện trên thế gian là người giàu sang đang hưởng phước, chúng ta nhất định phải hiểu rõ phước báo này của họ là do đời trước tu, không phải đời này. Những việc mà đời này tu thì quả báo sẽ ở đời sau, trong kinh Phật thường nói với chúng ta:

“Muốn biết nhân đời trước,

Xem quả nhận đời này;

Muốn biết quả đời sau,

Xem nhân gieo hiện tại.”

Đây chẳng phải đã nói rất rõ ràng, rất tường tận rồi đó sao? Chắc chắn không phải người làm đủ mọi việc ác mà có phước báo, đó là bạn hoàn toàn thấy sai rồi; không biết quả báo của đời này là do đời trước tu. Những hành vi tạo tác đời này của chúng ta thì quả báo sẽ ở đời sau, chúng ta nhất định phải biết đạo lý này. Ta đời này không có phước là do đời trước không có tu, việc này không thể trách người khác. Chúng ta thật sự hiểu rõ đạo lý, hiểu rõ chân tướng sự thật thì nhất định sẽ không oán trời trách người, tâm được an định; đây gọi là “tâm an lý đắc”, hiểu rõ lý rồi thì tâm liền an. Chúng ta có muốn cầu phước báo, muốn cầu trí tuệ hay không? Đời này tu nhân thì đời sau phước tuệ hiện tiền, nhân quả thông ba đời, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. 

Pháp thế xuất thế gian bạn đều hiểu rõ ràng, hiểu sáng tỏ rồi thì việc tu phước, tu tuệ là lý đương nhiên. Chúng ta có cần hưởng thụ hay không? Không cần hưởng thụ. Đem quả báo tu hành của chúng ta hồi hướng cho tất cả chúng sanh, bố thí cúng dường tất cả chúng sanh, để mọi người hưởng thụ, bản thân ta không cần hưởng thụ. Vì sao vậy? Vì phước báo này là phước báo hữu lậu. Nếu bạn hưởng thụ phước báo này thì công phu của bạn, đạo hạnh của bạn nhất định sẽ thoái chuyển. Nếu bạn không hưởng thụ, đem nó bố thí cúng dường cho tất cả chúng sanh thì đạo nghiệp của bạn ngày ngày đang tăng trưởng. Cho nên chư Phật Bồ-tát, quả báo mà các ngài hưởng thụ là quả báo vô lậu, đây là điều chúng ta cần nên học tập; nhất định không hưởng thụ phước báo hữu lậu, hãy hưởng thụ phước báo vô lậu.

Thích-ca Mâu-ni Phật khi còn tại thế đã làm ra tấm gương cho chúng ta thấy. Khi lão nhân gia ngài thị hiện ở thế gian, giảng kinh thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, giảng kinh thuyết pháp là bố thí pháp, cúng dường pháp; dùng thân thể, dùng sức lao động là cúng dường tài, là bố thí nội tài, cúng dường nội tài; tài và pháp là hai loại cúng dường. Nhu cầu cần thiết trong sinh hoạt cả đời của mình thì ăn no mặc ấm là đủ rồi. Cho nên, cái mà ngài hưởng thụ là phước tuệ vô lậu. Người đời sau cũng nương theo giáo huấn của Phật-đà mà tu hành, nhưng không thể có thành tựu giống như Phật, do nguyên nhân gì vậy? Không thể buông xuống phước báo hữu lậu, để phước báo hữu lậu làm chướng ngại quả đức vô lậu, sai lầm xuất phát từ đây. Nếu như chúng ta thật sự tìm ra sai lầm, lại đem sai lầm này trừ bỏ đi thì sự thọ dụng trên quả địa của chư Phật Bồ-tát tuy chúng ta không thể có được viên mãn, nhưng cũng có thể đạt được ít phần. Đây là trong kinh luận Đại thừa, Phật thường hay nhắc nhở chúng ta, thường xuyên chỉ dạy chúng ta.

Chúng ta hôm nay ở đây biết được thập thiện nghiệp là nền tảng tu hành của nhà Phật. Đoạn kinh văn lớn này đều là nói quả báo thù thắng của tu thập thiện nghiệp, lìa ngu si, tà kiến này là ngu si, thì được mười loại quả báo thù thắng. Làm sao biết nó là nền tảng của tu hành? Kinh văn phía sau còn có mấy đoạn lớn, văn tự không nhiều, trong đó nói với chúng ta về lục độ, dùng thập thiện làm nền tảng để tu lục độ, trang mười hai có nói điều này. Lục độ là hạnh Bồ-tát, Bồ-tát nếu không có nền tảng của thập thiện thì lục độ không thể thành tựu, chúng ta phải giác ngộ điều này. Phần sau của lục độ, ở trang thứ mười năm, hàng thứ tư, là tứ vô lượng tâm “từ bi hỉ xả”, hàng sau cùng là “tứ nhiếp pháp”. Tiếp theo là từ “niệm xứ”, “chánh cần” cho đến “chánh đạo”, đây là ở trang thứ mười sáu, “ba mươi bảy phẩm trợ đạo”. “Chỉ trang nghiêm cố”, đó là chỉ quán, chỉ - quán - phương tiện. Quý vị hãy xem sự sắp xếp của kinh văn này, Đại, Tiểu thừa, Tông môn, Giáo hạ, Hiển giáo, Mật giáo, toàn bộ đều ở trong đây, thảy đều lấy thập thiện nghiệp làm nền tảng. Chúng ta không nghiêm túc tu thập thiện nghiệp thì không phải là học Phật. Có thể nói, bạn ở trong Phật pháp tu cả đời mà chẳng thành tựu gì cả. Bạn hãy quan sát tỉ mỉ người thật sự niệm Phật vãng sanh, bất luận họ là thân phận gì, bất luận họ làm ngành nghề nào, tại gia hay xuất gia, chắc chắn đầy đủ thập thiện nghiệp; không thể đầy đủ thập thiện nghiệp thì chắc chắn không thể vãng sanh. 

/ 149