PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 23/09/2000
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 75
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười một, hàng thứ ba từ dưới lên, bắt đầu xem từ câu thứ hai:
Tám, chẳng khởi thân kiến, bỏ các ác nghiệp.
Đây là lợi ích thứ tám của việc đoạn ngu si. Ngu si chính là tà kiến, tà kiến chính là tư tưởng sai lầm, kiến giải sai lầm. Phàm phu lục đạo đều chấp trước thân này là thật có, thân này là chính mình, Phật nói cho chúng ta biết quan niệm này là sai lầm. Nếu thân không phải là chính mình thì cái gì là chính mình? Có rất nhiều người nghe Phật nói như vậy bèn sanh ra nghi vấn. Ý nghĩa này rất sâu, cần phải lắng lòng thể hội. Nương theo giáo huấn Phật pháp mà tu hành, tu hành chính là dần dần sửa đổi quan niệm sai lầm, chấp trước sai lầm, kiến giải sai lầm, tư tưởng sai lầm của mình. Thân đích thực không phải là ta, nó là gì vậy? Nó là cái của ta, giống như y phục mặc trên thân ta. Y phục có phải là ta không? Không phải là ta, mọi người đều biết y phục là cái của ta. Cho nên, nhà Phật gọi là “ta” và “cái của ta”, cùng một đạo lý như vậy, thân này cũng là cái của ta, không phải ta.
Quý vị phải biết rằng “ta” là vĩnh viễn không sanh không diệt, còn “cái của ta” là có sanh có diệt, y phục của chúng ta mặc thời gian lâu, bị bẩn rồi, bị rách rồi thì không cần nữa, đổi cái khác; “cái của ta” là có sanh có diệt, còn “ta” thì không có sanh diệt. “Ta” có thân hay không? Cũng có. Trong Phật pháp gọi là “pháp thân”, pháp thân là ta chân thật. Cho nên Phật thường nói trong Đại kinh: pháp thân là không sanh không diệt, vô thỉ vô chung. Phật giáo giới các đệ tử, mục tiêu cuối cùng chính là dạy chúng ta chứng được pháp thân; chứng được pháp thân trong nhà Phật gọi là thành Phật. Người nào chứng được pháp thân? Người chứng được pháp thân rất nhiều, trong mỗi tông phái các đời ở Trung Quốc, như minh tâm kiến tánh trong Thiền tông, đây là chứng được pháp thân, gọi là đại triệt đại ngộ. Ngộ được gì vậy? Ngộ được rằng có một cái ta chân thật không sanh không diệt, vô thỉ vô chung, ngộ ra được cái thân này là ta giả. Triệt để hiểu rõ ràng, hiểu sáng tỏ rồi, không còn nghi hoặc nữa, họ bèn có được thọ dụng. Thọ dụng này, trong kinh giáo Đại thừa gọi là y chánh trang nghiêm trên quả địa Như Lai, đây là thọ dụng mà họ đạt được.
Phật lại nói với chúng ta về “báo thân”, báo thân là hữu thỉ vô chung. Báo thân là gì? Báo thân là trí tuệ, là trí tuệ có thể chứng được pháp thân. Sau khi bạn chứng được rồi, sau khi bạn giác ngộ rồi thì vĩnh viễn không bị mê mất nữa. Loại thứ ba là “ứng hóa thân”, thân hiện tại này của chúng ta là ứng hóa thân. Ứng hóa của Phật, nguyên nhân căn bản là vì bổn nguyện của chư Phật Như Lai, tất cả chư Phật Như Lai ở nhân địa đều đã từng phát nguyện độ tất cả chúng sanh, đây là nhân; duyên là chúng sanh có cảm, Phật liền có ứng, nơi nào có cảm thì Phật liền ứng tại nơi đó. Lại nói với quý vị, pháp thân là không đâu không có, không lúc nào không có, không có hình tướng; tuy không có hình tướng nhưng có thể hiện tất cả hình tướng. Ngày nay chúng ta nói tất cả động vật là hình tướng do pháp thân biến hiện; tất cả thực vật, khoáng vật cũng là hình tướng do pháp thân biến hiện. Ngoài ra, tất cả hiện tượng tự nhiên trong hư không vẫn là hiện tượng do pháp thân biến hiện. Trong Phật giáo gọi là pháp thân, hiện nay nhà triết học gọi là “bản thể của vũ trụ vạn hữu”. Phật pháp gọi là pháp thân, pháp thân là không sanh không diệt. Tướng mà nó hiện ra là như thế nào? Phật pháp Đại thừa nói rất rõ ràng, pháp thân có thể hiện ra tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, tất cả chúng sanh này bao gồm hiện tượng tự nhiên, là thứ được hiện ra, năng sở[1] là một, không phải hai. Nếu đem năng hiện và sở hiện phân thành hai loại thì thế gian gọi là triết học.