/ 149
79

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 21/09/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 73

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười một, hàng thứ năm, bắt đầu xem từ giữa, xem từ điều thứ tư:

Bốn, trực tâm chánh kiến, vĩnh viễn xa rời tất cả lưới nghi về cát hung.

Lìa tà kiến chính là trí tuệ. Tà kiến mà Phật nói ở đoạn này chính là “si” ở trong tam độc phiền não tham sân si, chuyển ngu si thành trí tuệ, trí tuệ hiện tiền thì tự mình có thể làm chủ được. Trong kinh Lăng-nghiêm, Phật có nói: “Nếu có thể chuyển cảnh thì đồng với Như Lai.” Mục tiêu cao nhất của tu học Phật pháp là ở chỗ này. Sau khi đã khai trí tuệ rồi thì tất cả cát hung họa phước của thế gian bạn đều hiểu rõ, bạn đều sáng tỏ, bạn không còn nghi hoặc nữa. Có cần phải tránh hung tìm cát hay không? Không cần thiết. Vì sao không cần thiết vậy? Bạn có thể chuyển cảnh giới thì bạn có thể chuyển hung thành cát, chuyển họa thành phước, bạn có năng lực này thì bạn hoàn toàn không giống như người thế gian. Người thế gian không có năng lực chuyển cảnh giới là do nguyên nhân gì? Không đoạn tham sân si, cho nên họ mới bị cảnh giới trói buộc. Đoạn tham sân si rồi thì định tuệ hiện tiền, hết thảy vận mệnh, những cảnh ngộ gặp phải thảy đều chuyển đổi được hết, thật sự là chuyển mười pháp giới thành nhất chân pháp giới, đây là sự thật. Điều kiện mà Phật nói ở đây rất rõ ràng là “trực tâm chánh kiến”, bốn chữ này chính là tâm đại Bồ-đề, tâm Bồ-đề là chân tâm. 

Thế Tôn nói với chúng ta trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật là “tâm chí thành”, trực tâm chính là tâm chí thành. Trong Khởi Tín Luận, Bồ-tát Mã Minh nói về trực tâm, tâm thể của tâm Bồ-đề là trực tâm; còn Phật nói trong Quán Kinh là tâm chí thành. Do đây có thể biết, trực tâm chính là chân thành đến cực điểm. Cách nói như vậy chúng ta vẫn rất khó thể hội, rốt cuộc thế nào là chân thành? Thế nào là chánh trực? Tiêu chuẩn ở chỗ nào? Trong Độc Thư Bút Ký của tiên sinh Tăng Quốc Phiên thời tiền Thanh, ông đã làm định nghĩa cho chữ “thành”, định nghĩa này rất hay, tương đối gần với nghĩa mà Phật pháp nói. Ông nói: “Một niệm không sanh gọi là thành.” Từ đó cho thấy, có niệm thì không thành, không sanh một niệm mới gọi là thành. Chúng ta muốn hỏi: vô niệm có phải là thành hay không? Vô niệm cũng chẳng phải thành. Nếu như nói vô niệm là thành, vậy nhập vô tưởng định thì tâm Bồ-đề bèn hiện tiền rồi. Phật nói cho chúng ta biết, sau khi tu thành công vô tưởng định thì thật sự gọi là một niệm không sanh. Quả báo ở đâu vậy? Ở trời Vô Tưởng của tứ thiền, ở trời ngoại đạo. 

Cho nên, chỗ này chúng ta cần phải có năng lực phân biệt. “Một niệm không sanh”, không được hiểu sai ý nghĩa của câu nói này, một cái là “một niệm”, một cái là “không sanh”, bạn mới có thể thật sự hiểu được ý nghĩa của nó. Một niệm là không có niệm thứ hai, có niệm thứ hai thì không phải một niệm; không sanh là không sanh niệm thứ hai. Câu nói này phải lý giải nó cho thật chính xác, họ không phải rơi vào vô niệm, họ nói là một niệm, họ hoàn toàn không rơi vào vô niệm. “Một niệm”, trong kinh Đại thừa, Phật thường nói: “Tĩnh lặng sáng suốt, sáng suốt tĩnh lặng”, nó là sống, không phải chết. Vô tưởng định là chết, vô tưởng định không phải là sống. Vì vậy, vô tưởng định là vô minh, không phải Bồ-đề. 

Bồ-đề rốt cuộc là gì? Thực ra sự việc này là ở ngay trước mắt chúng ta, ngay cả nhà Nho cũng nói: “Đạo không xa người, người tự xa đạo.” Có phương pháp gì? Phật nói trong hội Lăng-nghiêm: “Ngay nơi sáu căn, phóng quang động địa”, đó chính là một niệm không sanh. “Ngay nơi sáu căn” là mắt có thể thấy, tai có thể nghe, mũi có thể ngửi, lưỡi có thể nếm, thân có thể xúc chạm, ý có thể biết. Mắt chúng ta vừa mở ra thì nhìn thấy cảnh giới bên ngoài rất rõ ràng, rất sáng tỏ, đây gọi là nhất niệm; tai nghe âm thanh ở bên ngoài rất rõ ràng, rất sáng tỏ, đây gọi là nhất tâm. “Không sanh” là thế nào? Không sanh vọng tưởng, không sanh phân biệt, không sanh chấp trước, đây là chí thành. Vô tưởng định tuy dường như là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều không có, nhưng họ cái gì cũng không biết, cái gì cũng không hiểu rõ, cho nên đó gọi là vô minh. Nhất định không được đem vô minh, vô tưởng định nói thành tâm chí thành, vậy thì hết sức sai lầm. 

/ 149