/ 149
242

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 07/09/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 68

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười, hàng thứ hai từ dưới lên, xem từ câu sau cùng: 

“Bốn, tâm nhu hòa chất trực.” Đây là loại thứ tư của tám loại tâm pháp hỷ duyệt, do lìa khỏi sân giận. Do đây có thể biết, tam độc phiền não đối với tâm Bồ-đề có chướng ngại lớn biết bao. Bồ-tát Mã Minh nói với chúng ta trong Khởi Tín Luận, thể của tâm Bồ-đề là trực tâm, tác dụng của nó là thâm tâm và đại bi tâm; thể và dụng là một, không phải hai. Trực tâm đối với chính mình chính là thâm tâm hiếu thiện hiếu đức, trực tâm đối với tất cả chúng sanh chính là đại từ đại bi. Thế Tôn nói với chúng ta trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật: Thể của tâm Bồ-đề là tâm chí thành. Chúng ta đem kinh luận hợp lại xem, ý nghĩa sẽ đặc biệt sáng tỏ. Trong Khởi Tín Luận nói trực tâm chính là chí thành, chân thành đến tột điểm; tam độc phiền não là hư vọng, không phải là chân thành. Vì vậy, nếu không thể lìa khỏi tam độc thì chắc chắn không có tâm Bồ-đề, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Cho nên không dễ gì phát được tâm Bồ-đề, tâm Bồ-đề vừa phát thì chính là Sơ trụ Bồ-tát của Viên giáo; Sơ trụ Bồ-tát được gọi là “phát tâm trụ”. Do đây có thể biết, tâm Bồ-đề không phát thì thôi, vừa phát bèn ra khỏi mười pháp giới. Cho nên, trong kinh luận đều nói với chúng ta, Tiểu thừa A-la-hán, Bích-chi Phật đều chưa phát tâm Bồ-đề, đạo lý là ở chỗ này. Tiêu chuẩn của tâm Bồ-đề là kiến tư, trần sa phiền não đều đã đoạn, vô minh cũng đã phá được một phẩm thì đây là công đức của tâm Bồ-đề, là tác dụng của tâm Bồ-đề. Từ chỗ này chúng ta thấy được, lìa sân giận mới có thể đạt được “tâm nhu hòa chất trực “. “Tâm chất trực” vẫn chưa phải là trực tâm viên mãn, nhưng đã tiến gần đến trực tâm, chúng ta phải hiểu rõ ràng sáng tỏ vấn đề này.

“Năm, được tâm từ của bậc thánh.” “Tâm từ” này không phải là tâm từ của cõi trời trong sáu cõi. Chúng ta biết được trời Sắc giới có 18 tầng trời, ngoài tu thượng phẩm thập thiện và bốn loại thiền định ra, họ còn phải đầy đủ tứ vô lượng tâm từ bi hỷ xả thì mới có thể sanh đến trời Sắc giới. “Tâm từ của bậc thánh” được nói ở đây vượt hơn người trời phàm phu của Sắc giới và Vô Sắc giới; “bậc thánh” mà ở đây nói, mức độ thấp nhất cũng là tứ thánh pháp giới, là tâm từ bi của Thanh văn, Duyên giác, Quyền giáo Bồ-tát. Từ những kinh văn này, chúng ta có thể thể hội được, tam độc phiền não là chướng ngại nghiêm trọng nhất đối với việc tu hành thành tựu, quả báo của nó: sân giận là ở địa ngục, tham dục là ở ngạ quỷ, sau cùng tà kiến là ở súc sanh, đây là nghiệp nhân chủ yếu của ba đường ác. Chúng ta muốn viễn ly ba đường ác, muốn ở trong đời này thành tựu thánh đạo thì không thể không lìa thập ác, không thể không tu thập thiện.

Người tu đạo sở dĩ không cách gì đoạn được thập ác, tu thập thiện, nguyên nhân tuy nhiều, nhưng đều không ngoài việc mê đắm ngũ dục lục trần của thế gian; mê quá sâu, mê quá nặng, chấp trước sâu nặng không thể buông xuống, nguyên nhân là ở chỗ này. Bất luận làm bất kỳ việc gì, làm được một chút việc tốt thì nhất định phải kể công; điều này không những bị người đố kỵ, mà còn kết oán thù với người, tổn tánh đức của chính mình. Tổn tánh đức là gì? Chướng ngại trí tuệ đức năng của tự tánh. Đức tướng mà nhà Phật nói, phạm vi còn rộng hơn so với đức năng, chúng ta đối với đạo lý này không thể lý giải thấu triệt thì chẳng những không thể bảo toàn công đức, mà trên thực tế không thể thành tựu công đức, tạo thành chướng ngại nghiêm trọng nhất cho việc tu học trên đạo Bồ-đề. Hiện tại chúng ta cho là mình biết rồi, có phải là thật biết hay không? Không phải. Cùng lắm thì có thể nói là hiện tại chúng ta đã nghe nói đến rồi, nhưng không thể thật tin. Nếu như nghe nói mà thật tin thì chúng ta đã hồi đầu. Hay nói cách khác, nhất định lìa được tham sân si, vậy mới là thật tin. Nếu không lìa thập ác, chỉ có thể nghe nói, nghe Phật Bồ-tát có cách nói như vậy, vẫn không thể hoàn toàn tin tưởng. Đại kinh đại luận đều nói: “Lòng tin là nguồn của đạo, là mẹ của các công đức”, rất không dễ dàng gì xây dựng lòng tin. Nhất định không nên cho rằng, chúng ta là tín đồ Phật giáo thì chúng ta đã tin Phật; chúng ta xuất gia rồi, đã thọ đại giới thì tin Phật rồi, chưa chắc! 

/ 149