/ 149
179

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 17/09/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 69

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười, hàng cuối cùng, bắt đầu xem từ câu cuối:

“Bảy, thân tướng đoan nghiêm, đại chúng đều tôn kính.” Đây là loại thứ bảy trong tám loại thiện quả do đoạn sân giận mà có được. “Thân tướng đoan nghiêm”, đoan nghiêm là đoan chánh, trang nghiêm. Trong Phật pháp nói trang nghiêm, chính là người thông thường nói đoan trang tốt đẹp. Từ đó cho thấy, Phật nói với chúng ta trong kinh Đại thừa: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ, đức tướng của Như Lai.” Chữ “tướng” trong câu này chính là nói “thân tướng đoan nghiêm”, đoan chánh tốt đẹp, chẳng phải là điều chúng ta có thể tưởng tượng ra được, đây là tự tánh tự nhiên lưu lộ ra, trên quả địa Như Lai thì là sự lưu lộ cứu cánh. Ngày nay, tướng của chúng ta biến thành thô xấu như thế này, nguyên nhân chính là tham sân si, kiến tư, trần sa phiền não đã khiến tướng hảo vốn trang nghiêm viên mãn biến thành ra như thế này. Đây đúng là Thế Tôn trong phần mở đầu của kinh này đã khai thị cho chúng ta: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh.”

Chân tâm là thuần thiện, là chí thiện. Cổ thánh tiên hiền đã nói “đạt đến chí thiện”, chí thiện ở đâu? Chí thiện chính là bổn tâm, chính là chân tâm bổn tánh, cảnh giới mà chân tâm biến hiện ra chính là chí thiện. Tâm không chân, tâm không thành thì biến chí thiện thành bất thiện. Chúng ta phải hiểu đạo lý này, sau khi hiểu rồi thì chúng ta mới biết được tầm quan trọng của việc khôi phục chân tâm. Chư Phật Như Lai khác với chúng sanh trong chín pháp giới ở chỗ nào? Không gì ngoài việc khôi phục chân tâm tự tánh đến cứu cánh viên mãn. Một khi khôi phục thì tất cả đều khôi phục, đúng như điều mà trong kinh Đại thừa đã nói: “Một là tất cả, tất cả là một”, trí tuệ, năng lực, đức tướng toàn bộ đều được khôi phục. Cảnh giới này chính là nhất chân pháp giới mà trong kinh Phật đã nói, như vậy mới cảm được “đại chúng đều tôn kính”. “Đại chúng” này là tất cả đại chúng, những đại chúng nào vậy? Chư Phật Như Lai. Chư Phật Như Lai tôn trọng lẫn nhau, tôn kính lẫn nhau. Chư Phật Như Lai mà còn tôn kính thì chúng sanh trong chín pháp giới lý nào lại không tôn kính cho được? Chúng ta hãy tỉ mỉ mà tư duy, mà thể hội, sự tôn kính của chư Phật Như Lai là chân thành, cứu cánh, viên mãn. 

Chúng sanh giác ngộ trong chín pháp giới đều biết tôn kính, chỉ có chúng sanh mê hoặc điên đảo mới không biết tôn kính. Nếu không hiểu rõ chân tướng sự thật thì tâm tôn kính của họ không thể sanh khởi, họ bị phiền não che mất. Thế nhưng người giác ngộ cứu cánh, giác ngộ cứu cánh này nếu chúng ta hạ tiêu chuẩn này thấp xuống một chút thì là Sơ trụ Bồ-tát của Viên giáo đã “phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân”, đây là chân thật giác ngộ, lúc này họ giống như chư Phật Như Lai vậy, tôn kính chúng sanh sáu cõi. Chúng sanh sáu cõi không tôn kính họ, nhưng họ tôn kính chúng sanh sáu cõi, vì sao vậy? Vì họ giác ngộ rồi, đạo lý chính ở chỗ này; giác ngộ rồi thì nhất định tôn kính, nhất định chăm sóc giúp đỡ vô điều kiện, đây là dáng vẻ của giác ngộ. Chúng ta tỉ mỉ quán sát thể hội thì có thể sáng tỏ. Nếu họ còn có phân biệt, còn có chấp trước thì chắc chắn chưa giác ngộ, trong Phật pháp gọi là chánh giác, họ không có. Cho nên tu học Phật pháp, làm thế nào có thể khế nhập lời dạy của thánh hiền? Chắc chắn không phải là kiểu học ghi nhớ, kiểu học ghi nhớ đối với chúng ta chỉ là một hình ảnh mà thôi, khiến chúng ta trong mê hoặc điên đảo, nghe nói có một sự việc như vậy, nhưng không thể vào được cảnh giới, muốn vào được cảnh giới thì phải thật làm. Việc thật làm này, trong kinh này Phật chỉ dạy chúng ta là đoạn thập ác, tu thập thiện, phải khiến cho trong tâm của chính mình không còn chút sân giận nào cả, tham sân si phải xả hết.

Chúng ta nhìn thấy một đứa trẻ có thể thương yêu động vật nhỏ, thương yêu kiến, chúng ta bèn nhận được sự khải thị. Giết kiến là việc hết sức bình thường, đứa trẻ sẽ hỏi lại một câu: “Nếu bạn là kiến, bạn có bằng lòng để người khác giết bạn hay không?” Đây là trí tuệ, đây là phương pháp của trí tuệ. Cổ thánh tiên hiền đã nói: “Điều mình không muốn, đừng làm cho người.” Tôi tin đứa trẻ tuy chưa đọc qua hai câu này, nó cũng không biết đạo lý này, thế nhưng nó làm được. Vì sao nó làm được? Thiên tánh; thiên tánh chính là chân tâm của chính mình, bản tánh của chính mình. Tâm của trẻ nhỏ vẫn chưa bị phiền não thế tục làm ô nhiễm, bổn tánh của chúng vẫn còn, tâm của chúng cùng tâm của chư Phật Bồ-tát giống nhau. Nếu có thể vĩnh viễn gìn giữ tâm như trẻ nhỏ thì người này chính là Phật Bồ-tát. Làm thế nào gìn giữ? Đây là vấn đề lớn. Chúng hiện nay vẫn còn nhỏ, đến mười mấy tuổi dần dần sẽ bị ô nhiễm, hai mươi mấy tuổi, ba mươi mấy tuổi, bốn mươi mấy tuổi thì ô nhiễm nghiêm trọng nhất, hoàn toàn mê mất bản tánh. Cho nên, người xưa dạy làm thế nào có thể gìn giữ được tâm như trẻ nhỏ này, tâm như trẻ nhỏ chính là nói hoàn toàn không bị ô nhiễm; không cần thánh hiền dạy bảo bạn nhưng khởi tâm động niệm, hành vi việc làm của bạn cùng với chư Phật Bồ-tát, đại thánh đại hiền là như nhau.

/ 149