PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 06/09/2000
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 67
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười, kinh văn hàng thứ hai từ dưới lên, chúng ta xem:
“Ba, không có tâm tranh tụng.” Đây cũng là hình tượng cụ thể của lìa sân giận. Tranh là tranh luận. Phàm có tranh tụng thì tâm nhất định bất bình, nhất định chất chứa oán hận. Chư Phật Bồ-tát vì sao không có vậy? Chúng ta cần suy nghĩ thật kỹ, nguyên nhân này rốt cuộc là do đâu? Chư Phật Bồ-tát triệt để giác ngộ rồi, biết được tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là một thể, trong Đại kinh thường nói: “Mười phương ba đời Phật, cùng chung một pháp thân.” Lời nói này là lời chân thật. Nếu nhận biết đây là một pháp thân, là một thể thì tâm từ bi mới có thể tỏa khắp pháp giới, từ bi chính là tâm yêu thương. Yêu thương tất cả chúng sanh chính là thật sự yêu thương chính mình; người khác được lợi ích tức là mình được lợi ích, người khác bị tai nạn tức là mình bị tai nạn. Ta người không hai, sanh Phật một thể, sanh là chúng sanh. Sao có thể có tranh tụng được?
Cổ thánh tiên hiền dạy chúng ta, giữa người với người chung sống với nhau phải nhường nhịn. Chư Phật Bồ-tát chung sống với tất cả mọi người ngay cả ý niệm nhường nhịn cũng không sanh khởi, vì sao vậy? Có ý niệm nhường nhịn là đã cách một bậc rồi, không phải là một thể thì mới nhường nhịn, nếu là một thể thì không thể nói nhường nhịn được. Do đó, lý càng rõ, càng sáng tỏ, càng thấu triệt thì sự mới thật sự đạt đến viên mãn, trong Phật pháp thường gọi là đại viên mãn, đại tự tại. Không thể hiểu rõ thấu triệt lý và sự thì sao có thể làm được? Người thế gian tranh danh, tranh tài, tranh lợi. Nếu là Phật Bồ-tát thì bạn cần thứ gì ngài sẽ cho bạn hết. Bạn thọ dụng hay tôi thọ dụng có gì khác nhau đâu? Đều như nhau cả! Bạn cảm thấy cái này có lợi ích với bạn, tôi đều có thể nhường cho bạn. Sự biểu hiện của Phật Bồ-tát cho chúng ta, đó là chính mình nhất định phải trải qua đời sống vật chất ở mức thấp nhất. Đây là dạy điều gì? Dạy người không tranh. Hơn nữa hằng ngày vì xã hội, vì chúng sanh mà tu phước, bồi phước, tạo phước, phước báo đều nhường cho mọi người hưởng. Xã hội an định hài hòa, phồn vinh hưng vượng, đây là sự hưởng thụ của chư Phật Bồ-tát; nhìn thấy mọi người đều tốt thì các ngài hoan hỷ, đây là sự hưởng thụ của các ngài.
Cả xã hội động loạn bất an, tất cả chúng sanh chung sống không hài hòa thì Phật Bồ-tát nhìn thấy đau lòng, lo lắng. Giống như cha hiền lo cho con cháu, người tuổi tác cao, đã 80-90 tuổi rồi, lúc này đối với họ mà nói, thế nào là hưởng thụ lớn nhất? Người một nhà hòa thuận, tương thân tương ái, tôn trọng lẫn nhau, hỗ trợ hợp tác thì trong tâm người già hoan hỷ, họ hoàn toàn không mong cầu được cung cấp vật chất để thọ dụng, họ không cầu những thứ này, chẳng cần thứ gì cả. Chư Phật Bồ-tát, người thật sự giác ngộ đều có tâm thái như vậy, chúng ta chưa giác ngộ thì rất khó lý giải, tưởng tượng không ra, sau khi bạn giác ngộ rồi thì bạn sẽ hiểu rõ. Giống như người trẻ tuổi không thể nào hiểu được lý niệm, cách nghĩ, cách nhìn của người già, đến khi chính họ già rồi, 80-90 tuổi rồi thì họ hiểu rõ vì sao người già trước đây đối đãi với con cháu đời sau như vậy, họ sẽ hiểu rõ thôi. Cho dù chính mình trong đời này đã tạo rất nhiều sai lầm, nhưng ngạn ngữ nói rất hay: “Con người sắp chết, lời nói thiện lành.” Vì sao vậy? Vì họ biết sai rồi. Họ hy vọng người đời sau đừng phạm sai lầm, mỗi một câu khuyên nhủ người đời sau đều là lời chân thật.
Chư Phật Bồ-tát đối với chúng ta mà nói đều là người xưa. Thích-ca Mâu-ni Phật diệt độ đã 3.000 năm, cả đời thật sự là dũng mãnh tinh tấn, cầu học dạy người, ngài đã vì chúng ta mà thị hiện. Phật đã đạt đến trí tuệ cứu cánh viên mãn, nhưng tấm gương mà ngài làm ra là ham học không biết mệt mỏi. Ấn Độ vào thời đó có thể nói học thuật tương đối phát triển, so với bách gia chư tử thời Xuân Thu Chiến Quốc của chúng ta, đại thể là giống nhau. Trong kinh điển ghi chép, Ấn Độ vào thời đó có 96 loại học phái tôn giáo, mỗi một loại Thích-ca Mâu-ni Phật đều tiếp xúc qua, mỗi một loại ngài đều nghiên cứu, đều hiểu rõ họ, thành tựu trí tuệ chân thật của mình. Những thánh nhân này không ai mà không hiếu học.