/ 149
79

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 05/09/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 66

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười, hàng thứ ba từ dưới lên: “Lại nữa, long vương! Nếu lìa được sân giận thì được tám loại tâm pháp hỷ duyệt. Những gì là tám? Một, không có tâm tổn não.” Hôm qua, tôi đã giới thiệu đến chỗ này. Hôm nay chúng ta xem tiếp:

“Hai, không có tâm sân giận.” Tám loại đã nói, tám loại này là tám loại lớn, cảnh giới của mỗi loại đều là vô lượng vô biên, hễ có những phiền não này hiện hành thì đều thuộc về sân giận; nếu đoạn được sân giận rồi thì những thứ mà ở đây nói tự nhiên sẽ không tồn tại. Tâm tổn não, tâm sân giận, tâm tranh tụng, thậm chí là không hòa mục nhường nhịn, đây đều là sự hiện hành của sân giận. Việc khởi tâm động niệm trong đời sống thường ngày, đặt “tổn não” ở hàng đầu là vô cùng có đạo lý, phàm phu dù cố tình hay vô ý đều khiến tất cả chúng sanh sanh phiền não. Câu thứ hai nói “không có tâm sân giận”, người đời hơi chút bất như ý thì sân giận tự nhiên sanh khởi, từ đó cho thấy tập khí nghiệp chướng này sâu nặng. Trong kinh điển thường nói: “Một niệm tâm sân khởi, trăm vạn cửa chướng ngại mở.” Tâm sân giận vừa khởi lên thì trí tuệ không còn nữa; không những trí tuệ, mà lý trí chúng ta thường nói, lý trí bị che mất rồi. Cho nên hoàn toàn xử sự theo cảm tính, xử sự theo cảm tính thì đâu có lý nào mà không sai lầm? Không những làm tổn hại thân thể của chính mình, lần trước tôi đã nêu ví dụ nói rõ rồi, hơn nữa còn vô tình hay cố ý kết oán thù với tất cả chúng sanh. Oán thù nếu không được hóa giải, khi nhân duyên chín muồi thì báo ứng hiện tiền, gọi là oan oan tương báo không bao giờ dứt. Hơn nữa quả báo nhất định là mỗi lần một tàn khốc hơn. 

Nếu quý vị đọc phần đầu của An Sĩ Toàn Thư là Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn, phần trước có một bài văn rất dài, Đế Quân nói ông 17 đời là sĩ đại phu, những nghiệp ông đã tạo, những quả báo phải chịu rất đáng để chúng ta cảnh giác, cho nên oan gia nên giải, không nên kết. Người không học Phật thì chẳng cần phải nói, sau khi học Phật rồi, chúng ta phải luôn tin rằng “nhân quả thông ba đời”. Con người nhất định không phải chỉ có một đời này, nếu như chỉ có một đời này thì việc gì phải tu hành? Không cần thiết, tạo phiền phức để làm gì? Nhưng xác thực là có quá khứ, có hiện tại, có vị lai; quá khứ không điểm bắt đầu, vị lai không điểm kết thúc. Quá khứ đã từng tạo không ít tội nghiệp, dưỡng thành tập khí phiền não sâu nặng, việc này hết thuốc chữa rồi. Chúng ta gặp được Phật pháp, gặp được sự chỉ điểm, giáo huấn của thánh hiền, chúng ta đã giác ngộ. Sau khi giác ngộ thì phải biết sửa lỗi làm mới. Sau khi giác ngộ rồi thì sẽ không vì một đời này mà lo nghĩ, tầm nhìn của bạn mở rồi thì bạn có tiền hậu nhãn. Gọi là tiền hậu nhãn tức là bạn nhìn thấy quá khứ, bạn cũng nhìn thấy vị lai, tiền hậu nhãn này là trí nhãn, là huệ nhãn, chúng ta làm thế nào lo nghĩ cho đời sau, vậy thì đúng rồi. 

Đời này vô cùng ngắn ngủi, cho dù sống đến 100 tuổi thì cũng trôi qua trong khảy ngón tay. Người thông minh ở trong thời gian ngắn ngủi này làm sao tìm đường xuất ly, làm sao ra khỏi lục đạo luân hồi? Nhà Nho nói rất hay: “Minh đức, thân dân, đạt đến chí thiện.” Sau đó nói: “Biết mục tiêu thì sau đó có định”, mục tiêu là gì vậy? Là đạt đến chí thiện. Chí thiện, trong Phật pháp nói rất rõ ràng, chí thiện là A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề (Vô thượng chánh đẳng chánh giác), đây là chí thiện; chúng ta phải đem tâm định vào trong mục tiêu này, đây gọi là biết mục tiêu. Chúng ta chẳng cầu gì cả, pháp thế xuất thế gian một thứ cũng không dính nhiễm, lời trong Thiền tông gọi là: “Đi qua cả bụi hoa, thân không dính mảnh lá.” Đây là gì? Đây chính là đã buông xuống vạn duyên, một lòng hướng về vô thượng Bồ-đề. 

/ 149