/ 149
83

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 04/09/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 65

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười, kinh văn hàng thứ ba từ dưới lên: “Lại nữa, long vương! Nếu lìa sân giận thì được tám loại tâm pháp hỷ duyệt.” Đây là loại thứ hai của tam độc phiền não. Cái hại của tham dục phía trước tôi đã nói sơ lược qua rồi. Tai hại của sân giận thì vô cùng mãnh liệt, mang lại tổn hại lớn nhất đối với thân tâm của chính mình, hơn nữa bị tổn hại vô cùng mau chóng. Tổn hại của tham dục thì chậm rãi, thời gian dài; tổn hại của sân giận thì thời gian ngắn mà vô cùng mãnh liệt. Chúng ta xem thấy trong Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, một số phụ nữ thiếu hiểu biết ở nông thôn sau khi tức giận rồi cho trẻ nhỏ bú sữa, sau khi trẻ nhỏ bú rồi thì trúng độc tử vong. Do đây có thể biết, sân giận có thể biến sữa thành độc tố, bạn nói xem đáng sợ dường nào! Chúng ta biết được sữa có thể biến thành độc tố, máu huyết cũng có thể biến thành độc tố. 

Vì sao người Hồi giáo ăn thịt bò, ăn thịt dê, họ không ăn máu, họ nhất định sẽ rửa thật sạch máu, tôi nghĩ họ hiểu được đạo lý này. Động vật khi bị giết hại thì không thể nào không khởi tâm sân giận, tâm sân giận này sẽ biến máu huyết thành độc tố, đây là việc rất rõ ràng. Cho nên Phật nói với chúng ta, sân giận là nhân tố thứ nhất của cõi địa ngục. Đương nhiên, bị đọa địa ngục thông thường mà nói là mười ác nghiệp thảy đều có đủ, tạo mười ác bất thiện mới đọa vào địa ngục, thế nhưng điều kiện thứ nhất chính là sân giận. Nếu như phạm mười ác nghiệp mà sân giận không nghiêm trọng thì không đến nỗi đọa địa ngục, quả báo của ngạ quỷ, súc sanh nhẹ hơn so với địa ngục. Cho nên sân giận, thực tế mà nói là quá đáng sợ, tổn hại cực kỳ nghiêm trọng đối với thân tâm của chúng ta, sức phá hoại cực lớn. 

Nhà Phật nói: “Một niệm tâm sân khởi, trăm vạn cửa chướng ngại mở.” Chúng ta tỉ mỉ mà suy xét câu nói này của nhà Phật không hề quá đáng. Đồng tu học Phật cũng thường nghe câu “lửa thiêu rừng công đức”, lửa là sân giận, nổi tức giận. Cho nên, một người tích lũy công đức vô cùng gian nan, bạn tu tích công đức, tu tích được rất nhiều năm rồi, hôm nào bạn cảm thấy không vui, một cơn giận nổi lên thì công đức của bạn mất hết, cho nên không dễ gì thành tựu được công đức. Chúng ta phải nghĩ xem, chính mình tích công lũy đức rốt cuộc đã tích được bao nhiêu công đức? Phải nghĩ xem, tính từ sau ngày nổi giận trở đi, nếu ngày hôm qua đã nổi trận lôi đình, vậy thì công đức không còn nữa, công đức của bạn nhiều nhất là mấy giờ đồng hồ; sáng sớm sau khi nổi giận, công đức hoàn toàn mất hết. Vì sao vậy? Công đức là tâm thanh tịnh, công đức là giới định tuệ, bạn vừa khởi tâm tức giận thì tâm thanh tịnh của bạn không còn nữa. 

Bạn xem lời của bà Hứa Triết, bà nói khởi tức giận một phút, cần phải mất ba ngày thì tâm này mới có thể hồi phục bình thường. Thế là chúng ta bèn liên tưởng đến, nổi tức giận mười phút, hai mươi phút thì một tuần lễ cũng chưa thể hồi phục; huống hồ thường xuyên sân giận thì phiền phức lớn rồi, chắc chắn là nghiệp nhân của đường địa ngục. Cho nên, người tu đạo tại sao lại tự gây chướng ngại cho chính mình? Bạn giận người khác, người khác có bị hại chăng? Chưa chắc! Nếu đối phương có tu dưỡng thì không bị chút tổn hại nào, nhưng đối với chính mình thì có tổn hại nghiêm trọng. Chúng ta phải tỉ mỉ tư duy những lời giáo huấn của Phật trong kinh điển, bình lặng mà quán sát hành vi của chính mình và người khác, hành vi của người khác có thể dùng làm tham khảo cho chính mình. Con người phần nhiều không thể thấy lỗi của chính mình, nhưng rất dễ thấy lỗi lầm của người khác; từ lỗi lầm của người khác, chúng ta dùng nó để phản tỉnh, xem người khác là tấm gương phản chiếu của chính mình, sửa ác hướng thiện.

Nếu chúng ta thường khởi tức giận, thường có tâm sân giận thì tám loại tâm pháp hỷ duyệt mà đoạn tiếp theo nói, bạn hoàn toàn không có được. Tám loại tâm pháp hỷ duyệt này, nhà Phật thường nói là “thường sanh tâm hoan hỷ”, triển khai ra là tám câu này. Chúng ta chính mình phải trắc nghiệm chính mình xem có còn ý niệm sân giận hay không, dùng tám câu này kiểm điểm thì rất thích hợp. Nếu như đều có đủ tám câu này thì có thể chứng minh bạn không có tâm sân giận, bạn chân thật đã lìa tâm sân giận. Nếu bạn không có tám câu này thì tâm phiền não sân giận của bạn cùng lắm là tạm thời không khởi hiện hành mà thôi, chưa hề lìa khỏi sân giận, gặp duyên bèn khởi tác dụng. 

/ 149