PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 17/08/2000
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 54
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ chín, hàng thứ tư từ dưới lên:
Lại nữa, long vương! Nếu lìa nói thêu dệt thì được thành tựu ba thứ quyết định. Những gì là ba? Một, nhất định được người trí yêu mến. Hai, nhất định dùng trí như thật đáp lại các câu hỏi. Ba, nhất định nơi trời, người được uy đức tối thắng, không có hư vọng. Đó là ba. Nếu có thể hồi hướng đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tương lai thành Phật sẽ được những sự thọ ký của Như Lai, đều không bị thiếu mất.
Đây là loại thứ tư trong khẩu nghiệp. Khẩu nghiệp là vô lượng vô biên, vì dạy chúng ta nên Phật quy nạp thành bốn loại lớn. Bốn loại lớn này rất là quan trọng, chúng ta nhất định phải lý giải thấu triệt, phải chăm chỉ nỗ lực mà tu học. Trong thập thiện nghiệp đạo, Phật xếp thứ tự cho chúng ta là: thân ba, khẩu bốn, ý ba, chiếu theo thân khẩu ý để nói. Thế nhưng trong kinh Vô Lượng Thọ chư vị đều đọc thấy Phật dạy chúng ta tu mười nghiệp thiện, ngài đem khẩu nghiệp xếp thứ nhất, “khéo giữ khẩu nghiệp, không chê lỗi người”. “Khéo giữ khẩu nghiệp” chính là nói chung cho bốn loại: nói dối, nói ly gián, nói thô ác, nói thêu dệt, hãy khéo giữ khẩu nghiệp. Quả đức của khéo giữ khẩu nghiệp chính là “không chê lỗi người”, chữ “người” này không hoàn toàn chỉ cho người, mà bao gồm tất cả người việc vật ở trong đó, phạm vi của nó vô cùng lớn. Chúng ta nhất định phải tỉ mỉ mà tham cứu nghĩa lý sâu xa trong đó. Cho nên, học Phật phải bắt tay vào từ chỗ nào? Bắt tay vào từ “khéo giữ khẩu nghiệp”, kế đến là “khéo giữ thân nghiệp”, “khéo giữ ý nghiệp”; người căn tánh trung hạ thì tuần tự tiến dần, đây là tiệm giáo. Nếu là đốn giáo thì không phải theo tuần tự này. Đốn giáo thì thứ nhất là “khéo giữ ý nghiệp”, như vậy mới nhanh, ý thanh tịnh rồi thì thân và khẩu làm gì không thanh tịnh? Cho nên, đốn giáo là bắt tay từ ý nghiệp, tiệm giáo là bắt tay từ khẩu nghiệp, đây là phương pháp mà Phật giáo hóa chúng sanh, chúng ta phải có thể thể hội. Khi chúng ta thể hội được thì cũng hiểu được làm thế nào để giúp người khác.
Phật pháp còn như vậy, thế gian pháp há chẳng phải như vậy sao? Cổ thánh tiên hiền Trung Quốc, như Tư Mã Quang, ông chính mình tu học và giúp đỡ người khác; người ta hỏi ông: “Học vấn đức hạnh nên bắt đầu từ đâu?” Ông trả lời họ: “Bắt đầu từ không nói dối”, ý này hoàn toàn giống với Phật. Phải biết quần chúng và mọi người mà chúng ta tiếp xúc trong cuộc sống thường ngày chắc chắn là người có căn tánh trung hạ nhiều, việc thành tựu đức hạnh không có gì khác ngoài sự chân thành. Chân thành chính là Phật, rời khỏi chân thành thì bạn đã rời khỏi Phật. Chẳng phải nói tôi mỗi ngày đều ở bên cạnh Phật, mỗi ngày đi nhiễu quanh tượng Phật, vậy có được xem là thân cận Phật không? Không xem là thân cận, mà là rời xa Phật, căn bản không ở cùng với Phật. Nếu nội tâm chân thành thì trên thực tế bạn hằng ngày ở cùng với Phật, mỗi giờ mỗi khắc đều không rời khỏi, chúng ta phải hiểu đạo lý này.
Hôm nay nói về “nói thêu dệt”, thế nào gọi là nói thêu dệt? Từ trên thí dụ mà nói, “thêu dệt” là loại lụa là gấm vóc mà người Trung Quốc chúng ta thường gọi, rất là hoa lệ, mọi người nhìn thấy đều yêu thích. Do đây có thể biết, nói thêu dệt chính là lời nói đường mật, mọi người rất thích nghe, thế nhưng nội dung thì bất thiện. Nếu chúng ta dùng một số thí dụ trong xã hội hiện nay thì mọi người sẽ hiểu được. Mỗi người đều thích xem phim, mỗi người đều thích xem truyền hình, múa hát, âm nhạc, hội họa, ngày nay gọi là văn nghệ, nói thêu dệt là bao gồm toàn bộ văn nghệ, ai mà không thích văn nghệ? Thế nhưng nội dung trong đó bất thiện, nội dung dạy người “tham sân si mạn”, dạy người “giết trộm dâm dối”, nội dung hoàn toàn trái ngược với thập thiện, thứ mà nó biểu đạt, dùng lời hiện nay mà nói là văn nghệ mức độ cao, thế có nguy hại không?
Toàn bộ thế giới ngày nay, xã hội này là xã hội của nói thêu dệt, phương diện ảnh hưởng của nó quá lớn, sức ảnh hưởng quá sâu. Từ xưa đến nay, khởi nguồn của văn hoá đều từ nơi đây mà khởi lên. Thời đại cổ xưa, điểm khởi đầu của văn minh là ca dao. Hiện nay ở thế gian này vẫn còn rất ít dân tộc chưa được khai hóa, hiện nay chúng ta gọi là thổ dân, họ không tiếp xúc với xã hội bên ngoài, họ không có văn hoá, họ thích ca hát và cũng biết khiêu vũ. Cho nên múa hát là khởi nguồn của văn hoá. Trung Quốc ngày trước, cổ thánh tiên vương rất thông minh, thật có trí tuệ, cho nên đối với múa hát, bất luận trên hình thức hay ở nội dung đều biết gia tăng đề phòng, dùng múa hát để đề xướng mặt tích cực của giáo dục, vậy thì có công đức lớn.