PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 18/08/2000
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 55
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ chín, hàng thứ tư từ dưới lên: “Lại nữa, long vương! Nếu lìa nói thêu dệt thì được thành tựu ba thứ quyết định.” Hôm qua, chúng tôi đã giải thích giản lược về việc nói thêu dệt này. Lỗi của miệng thì vô lượng vô biên, nhỏ thì trong gia đình vợ chồng bất hòa; lớn thì là sự tranh chấp, chiến tranh giữa các quốc gia, họa hoạn vô cùng. Cổ thánh tiên hiền hiểu rõ đạo lý này, cho nên xem sự việc này là vô cùng nghiêm trọng. Khổng lão phu tử dạy học có bốn khoa mục, trong đó khoa mục thứ nhất là đức hạnh, khoa mục thứ hai là ngôn ngữ. Hai khoa mục đức hạnh và ngôn ngữ phải được dưỡng thành từ nhỏ. Hôm qua có một đồng tu đến hỏi tôi: “Dạy dỗ con cái có nên đánh mắng chúng hay không?” Dường như đối với trẻ, đánh mắng chúng giống như là ngược đãi chúng, trong lòng không nỡ, có phải là có lỗi hay không? Họ đến hỏi vấn đề này. Do đây có thể biết, xã hội hiện nay đúng sai lẫn lộn.
Giống như người ở độ tuổi của tôi, những người 75 tuổi trở lên, từ nhỏ đều từng bị cha mẹ đánh mắng, cũng từng bị thầy cô xử phạt nghiêm khắc như đánh tay, phạt quỳ, đều từng bị xử phạt như thế. Chúng tôi không những không oán hận cha mẹ, không oán hận thầy cô, mà chúng tôi càng yêu thương cha mẹ, càng kính yêu thầy cô, đây là sự yêu thương chân thật. Trẻ có lỗi lầm, bạn không trừng phạt chúng thì chúng sẽ không biết quay đầu. Bị đánh đòn, là đánh cái gì? Đánh cho nhớ, để chúng vĩnh viễn nhớ kỹ, không phạm lỗi nữa. Phương pháp dạy học này của người Trung Quốc đã có lịch sử mấy ngàn năm rồi. Trong mấy ngàn năm này, người làm cha mẹ, làm thầy cô đã phạm tội rồi sao?
Trong các lỗi lầm, đầu tiên chính là lỗi của miệng: nói dối, nói ly gián, khiêu khích thị phi, nói lời ngon ngọt, những việc này cha mẹ và thầy cô nhất định phải dạy bảo nghiêm khắc, không được phép phạm. Lời cổ nhân nói có đạo lý: “Từ nhỏ thành như thiên tánh, thói quen thành tự nhiên.” Từ nhỏ không dạy, đến năm, sáu tuổi thì không dạy được nữa. Cổ nhân nói: “Dạy con từ thuở còn thơ”, bạn mới có biện pháp dạy; bạn không bắt đầu dạy từ lúc còn nhỏ, đến năm, sáu tuổi mới muốn dạy chúng, chúng sẽ không nghe lời bạn, vì chúng đã không được uốn nắn. Cuối cùng thì như thế nào? Cuối cùng người lớn phải nghe theo chúng. Phiền phức của bạn lớn rồi, bạn phải thuận theo ham muốn của chúng, hễ hơi không thuận theo thì liền xuất hiện hành vi phản nghịch. Cho nên, ngày nay chúng ta thường xem thấy trên báo chí, con cái giết cha mẹ, giết anh em; trong trường học, học trò giết thầy, giết bạn học, chúng ta đã nghe quá nhiều rồi. Đây là gì? Dạy dỗ con không nghiêm. Giáo dục tiểu học là căn bản, căn bản này được xây dựng trên nền tảng của giáo dục gia đình, trong gia đình cha mẹ không nghiêm khắc dạy dỗ con cái thì thầy cô cũng đành bó tay thôi, thầy cô có biện pháp gì được? Chúng ta nhất định phải hiểu rõ tính nghiêm trọng của lỗi lầm nơi miệng. Người lớn là tấm gương của con trẻ, bản thân chúng ta không thành thật, chính mình nói chuyện thường hay có lỗi lầm thì bạn sẽ không có cách gì dạy con trẻ. Bạn dạy chúng, nhưng bản thân bạn lại làm như vậy thì bạn có cách gì để dạy?
Trước đây, khi tôi ở Đài Loan, một năm nọ có một vị thầy dạy trung học đến nói với tôi, ông cũng là tín đồ Phật giáo kiền thành, con trai, con gái của ông, con gái lớn của ông khi đó học lớp năm tiểu học, không biết đã mua ở trong hiệu sách một cuốn sách gì, về nhà nó lên lớp cha mẹ nó: “Điều này ba đã vi phạm, điều kia ba cũng phạm rồi”, khiến cho cha mẹ rất khó chịu. Ông đến hỏi tôi, tôi bảo: “Anh là thầy giáo, người làm thầy trước tiên không được phạm lỗi thì học trò mới không chỉ trích anh được. Lời nói hành vi của bản thân anh không thận trọng, học trò chỉ trích anh thì anh làm sao ứng phó đây? Hiện tại không chỉ học trò chỉ trích anh, mà con gái của anh cũng chỉ trích anh.” Ông vô cùng cảm khái!