/ 149
99

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 16/08/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 53

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ chín, hàng thứ hai, bắt đầu xem từ chữ cuối cùng: 

Năm, lời nói được tiếp nhận. Sáu, lời nói được tin dùng. 

Chúng ta bắt đầu xem từ đây, đây là nói lìa nói thô ác thì thành tựu tám loại tịnh nghiệp. Phía trước đã nói qua bốn loại rồi, hiện tại chúng ta xem loại thứ năm là “lời nói được tiếp nhận”, không chỉ là tiếp nhận mà còn hoan hỉ tiếp nhận. Lời nói nhất định phải ôn hòa thì tự nhiên có thể khiến người cảm động, khiến đối phương cảm động sâu sắc, vĩnh viễn không quên, vậy thì bạn thành công.

Khi tôi còn trẻ, tôi làm việc ở cơ quan chính phủ. Bởi vì công việc không quá bận rộn, nên khi không có việc thì tôi xem sách, xem báo. Vì còn trẻ nên khá là phóng dật, khi ngồi thì dựa cả người vào lưng ghế, khiến hai chân trước của ghế bị nhấc lên, ngồi dựa như vậy cảm thấy rất thoải mái. Lãnh đạo của tôi từ phía sau đến, nhìn thấy vậy, ông vỗ vào vai tôi, ông không nói gì khác, chỉ nói: “Cách ngồi này của anh rất nguy hiểm, dễ ngã ngửa.” Ông nói rất ôn hòa, cho nên tật xấu này của tôi đã thay đổi từ đó. Nếu ông kêu tôi lại mắng cho một trận thì khi ông đi rồi tôi sẽ dựa như cũ, hiệu quả sẽ ngược lại. Cho nên, bạn mới biết được thật sự là nhân vật lớn, làm sự nghiệp lớn thì khác hẳn. Ngạn ngữ thường nói: “Diêm vương dễ mến, tiểu quỷ khó ưa.” Càng là nhân vật lớn thì càng có thể bao dung, càng ôn hòa; càng là tiểu quỷ thì mới vênh váo hung hăng, mới tỏ vẻ ta đây. Sự việc này mọi lúc mọi nơi chúng ta đều có thể thấy được, đều có thể quan sát cảm nhận.

Trong cửa Phật, chúng ta phải học theo Phật Bồ-tát, phải giúp tất cả chúng sanh đoạn ác tu thiện. Tập khí xấu, tật xấu của chính mình vẫn không thể sửa thì làm sao có thể dạy người khác? Bạn nói một đằng nhưng bạn làm một nẻo, điều này không thể khiến người sanh khởi tín tâm. Điều khiến người khác cảm nhận, bạn và người khi vừa gặp mặt, người ta nhìn sắc mặt của bạn, nghe âm thanh của bạn, sách Luận Ngữ nói rằng: “Người này làm sao ẩn giấu được!” Người khác nhìn thấu bạn ngay. Cho nên trong nhà Phật tại sao lại đem Bồ-tát Di-lặc đặt ở cửa lớn? Để bạn nhìn thấy ngài đầu tiên, phải học Bồ-tát Di-lặc tươi cười đón người. Lời nói ôn hòa, dù lời nói có khó nghe đi chăng nữa, nhưng nếu dùng thái độ và ngôn ngữ nhu hòa để biểu đạt thì người nghe sẽ cảm nhận không giống nhau. Cho dù là trách mắng người, người ta nghe rồi cũng cảm ơn, cảm kích bạn, nhà Phật gọi đây là “ái ngữ”. 

Ái ngữ là lời nói thương yêu bạn chân thật, không nhất định là lời bạn ưa thích nghe, nhưng chắc chắn có lợi ích đối với bạn. Vì sao bạn không ưa thích nghe? Vì tập khí thói xấu quá nặng. Bậc thánh hiền dạy người, các ngài không bao giờ tùy thuận tập khí thói xấu của bạn. Tùy thuận tập khí của bạn là hại bạn, giúp bạn đọa lạc; chỉnh đốn tập khí thói xấu của bạn thì đây chân thật là ái ngữ. Tuy là ái ngữ nhưng đều phải khiêm tốn, phải hòa kính, chân thật yêu thương đối phương, sau khi đối phương nghe rồi vĩnh viễn sửa đổi thì bạn thành công. Nếu trước mặt nghe theo nhưng sau lưng làm trái thì bạn vẫn là thất bại, bạn làm không thành công. Cho nên, bốn loại khẩu nghiệp là nói dối, nói ly gián, nói thô ác, nói thêu dệt nhất định không được phạm.

Điều thứ sáu: “Lời nói được tin dùng.” Bạn thành thật thì người ta sẽ tin tưởng lời nói của bạn. Không chỉ biểu hiện ở trong lời nói mà nhất định phải biểu hiện trên sự thật, nhất định phải tuân thủ việc lời nói có thành tín. Thế nhưng Phật pháp là nói trí tuệ, Phật Bồ-tát là nói đạo nghĩa, có lúc ở trong tình huống đặc biệt, lời nói có thể không giữ chữ tín, sự việc có thể không cần đến kết quả. Đó là gì vậy? Trong tình huống đặc thù thì cần phải phù hợp đạo nghĩa, không được trái đạo nghĩa, có thể thị hiện [việc này], có thể kết thúc sự việc.

Có một năm, tôi ở miền Trung - Đài Loan, có một đạo tràng gọi là chùa Thiền Lâm, họ mời tôi giảng Thiền lâm bảo huấn và Phật học thường thức cho họ. Phân lượng của Thiền lâm bảo huấn rất lớn, còn Phật học thường thức là do lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam biên soạn, phân lượng không lớn. Tôi còn nhớ, khi tôi giảng đến bài thứ mười một thì trong chùa xảy ra vấn đề. Chùa mới được xây xong, do một số đệ tử của lão hòa thượng đi khắp nơi hóa duyên, xây dựng nên đạo tràng này. Đạo tràng xây rất đẹp, rất trang nghiêm, nhưng bên trong các đồ đệ cãi nhau, tranh địa vị, tranh quyền lực, người này nói: “Tôi đã bỏ ra bao nhiêu tiền, tôi phải làm thầy đương gia”; người kia nói: “Tôi đã bỏ ra bao nhiêu tiền, tôi phải làm thầy tri khách.” Hằng ngày cãi nhau, cãi đến mức chẳng ra thể thống gì. Lão hòa thượng nhìn thấy tình hình này cũng không biết làm cách nào, đành phải tránh mặt. Tôi quay lại Đài Trung, báo cáo sự việc này với thầy Lý, thầy Lý nói: “Thôi đi, đừng đến đó nữa.” Tôi nói: “Con chưa giảng xong!” Thầy nói: “Chưa giảng xong cũng không quan trọng.” Đây chính là gì? Là nghĩa. Trong đạo tràng không hòa thuận, chúng ta đến giảng cũng không ích gì, cho nên chưa giảng xong cũng có thể gián đoạn. 

/ 149