/ 149
89

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 15/08/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 52

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Gần đây, chúng tôi nghe nói Liên Hiệp Quốc muốn cử hành một hội nghị tôn giáo thế giới, sự việc này hình như trước đây chưa từng có, đây là lần đầu tiên, là sự việc tốt. Nhân loại mong cầu hòa bình, cầu mong ông trời phù hộ, việc này đã có hàng ngàn hàng vạn năm rồi, nhưng hòa bình vẫn mãi không có được. Ngược lại, thiên tai nhân họa, đặc biệt là chiến loạn mỗi lần một nghiêm trọng hơn, tài sản, mạng sống thương vong không cách gì tính hết. Lấy cận đại mà xem, chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đại chiến lần thứ hai, e rằng tương lai còn có đại chiến lần thứ ba, cho nên sự hy vọng về hòa bình là rất xa vời. Vì sao lại có những hiện tượng bất hạnh này? 

Tuy chúng ta cũng cầu khẩn ông trời, cũng cầu thần thánh nhưng không dựa hoàn toàn vào đó, không dựa vào lời giáo huấn của bậc thánh hiền. Sau khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc, ở Trung Quốc là tam giáo tạo thành thế chân vạc, tam giáo này là Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo. Nhưng nói về “giáo” thì không phải là tôn giáo như trong quan niệm của người hiện nay, mà giáo là giáo dục, giáo học: giáo dục của nhà Nho, giáo học của nhà Nho; giáo dục của nhà Phật, giáo học của nhà Phật; giáo dục của nhà Đạo, giáo học của nhà Đạo, nó không phải là tôn giáo. Hay nói cách khác, đây là ba học phái lớn, mỗi phái đều có cái hay riêng. Giống như thiên thượng dụ phía trước kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, hoàng đế Ung Chính đã nói: “Dùng tam giáo để dạy dân trong nước giác ngộ”, ba loại giáo dục này đều là chỉ dạy nhân dân giác ngộ, “lý cùng xuất phát từ một nguồn, đạo cùng thực hiện nhưng không trái ngược”. Lời của hoàng đế Ung Chính không sai, hoàn toàn chính xác.

Trên thế giới liệu có bao nhiêu tôn giáo có thể nói lý đều xuất phát từ một nguồn. Lý là gì? Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi. Chúng tôi hiện nay tổng kết lời dạy của Phật thành mười chữ là: “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”, đây là lý, cùng xuất phát từ một nguồn. Đạo cùng thực hiện nhưng không trái ngược, đạo là gì? Là yêu thương người. Đây là lời của cư sĩ Hứa Triết ở Singapore, cư sĩ Lý Mộc Nguyên hỏi bà: “Tôn giáo là gì?” “Tôn giáo chính là yêu thương!” Ki-tô giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo đều nói “thượng đế yêu thương người đời”, “thần yêu thương người đời”, còn trong Phật giáo, Phật Bồ-tát một mực từ bi. 

Ở khu vực này đại đa số người dân tín ngưỡng đạo Hồi, quốc gia lân cận chúng ta như Malaysia, Indonesia đều là quốc gia Hồi giáo. Mở kinh điển của họ ra, câu đầu tiên của mỗi đoạn là: “A-la quả thật là đấng nhân từ” (họ gọi là thượng đế, gọi là A-la). Cho nên, tôn giáo thế gian có nhiều đi nữa thì cội nguồn của nó là một, đều là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, trí tuệ, nhân từ, bác ái, đây là cội nguồn. Mục tiêu giáo dục của tôn giáo cũng như nhau, dạy người tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa thuận, đối xử bình đẳng, không phân quốc gia, không phân chủng tộc. Khi một tôn giáo nào đó truyền giáo, liệu có hạn chế nói rằng anh không phải là người của quốc gia tôi, anh không phải là người thuộc chủng tộc tôi, anh không được tin tôn giáo của tôi không? Không hề! Mỗi một tôn giáo đều truyền khắp toàn thế giới, tôn giáo quả thật là bình đẳng. Chỉ có dùng giáo dục mới có thể đạt được hòa bình. 

Tôn giáo vốn đều là giáo dục, nói theo hiện nay thì đều là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Quý vị hãy tỉ mỉ xem kinh điển của tất cả tôn giáo thì quý vị sẽ hiểu rõ, tâm lượng đều rộng lớn. Nhà Phật nói “tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”, có tôn giáo nào không như vậy? Tôn giáo nào cũng như vậy cả. Tại sao tâm lượng của nhân sĩ tôn giáo hiện nay trở nên nhỏ hẹp, chỉ có mình, coi thường người khác? Đó không phải là ý của thần, không phải là ý mà trong giáo nghĩa tôn giáo nói, đó là cá nhân. 

/ 149