PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 14/08/2000
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 51
Chư vị đồng học, chào mọi người! Tối hôm qua, chúng ta đã nghe bài báo cáo vắn tắt về Do Thái giáo, đây là một tôn giáo cổ xưa, chúng ta tương đối ít tiếp xúc. Ở Trung Quốc đại lục không có, Trung Quốc đại lục chỉ có năm tôn giáo, do đó cơ hội tiếp xúc sẽ càng ít. Sau khi chúng ta nghe xong thì biết kinh điển chủ yếu nhất của họ là “Cựu Ước”, lịch sử của họ có hơn 4.000 năm; mà Thiên Chúa giáo thì “Tân Cựu Ước” đều tiếp nhận, Ki-tô giáo thì nghiêng nặng về “Tân Ước”, họ sùng bái chỉ một vị thần. Sự khác biệt ở đây là Ki-tô giáo nghiêng nặng về chúa Giê-su, còn Thiên Chúa giáo nghiêng nặng về đức Mẹ. Hôm qua, chúng ta cũng nghe bài báo cáo của họ, họ khẳng định thượng đế chính là chân lý, là đấng có quyền năng lớn trong vũ trụ. Khái niệm này rất hay, rất chính xác, thật sự được người hiện đại tiếp nhận. Đệ tử Phật học rộng nghe nhiều, đặc biệt là người xuất gia, gánh vác trên vai sứ mệnh giáo hóa chúng sanh, đối với căn cơ của chúng sanh, chúng ta phải biết rõ thì việc hoằng pháp lợi sanh mới thật sự có thể đạt đến khế cơ, khế lý.
Cũng may lần này chúng ta mời mỗi một tôn giáo đến truyền đạo, đây là việc mang tính lâu dài, không phải ngắn hạn. Mỗi một lần, chúng ta đều ghi lại băng ghi hình, phần tiếng Anh thì mong rằng chúng ta có thể dùng tiếng Trung làm phụ đề, chúng ta phải dụng công học tập. Trong các tôn giáo khác nhau, chúng ta phải tìm ra một điểm chung. Điểm chung này chính là chân lý mà mọi người đều công nhận. Nghĩa gốc của Phật-đà là trí tuệ, là giác ngộ; họ gọi là chân lý, là quyền năng lớn, so với đại trí đại giác mà nhà Phật nói là cùng một ý nghĩa, cùng một đạo lý. Thế nhưng giáo dục tôn giáo phải áp dụng chân lý này vào trong đời sống của chúng ta.
Biểu hiện bên ngoài của chân lý chính là nhân từ, bác ái. Chúng tôi ngày nay đem lý niệm trọng tâm của Phật giáo tổng kết thành năm câu, mười chữ là: “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi.” Đây không chỉ là tinh nghĩa của Phật pháp mà cũng có thể nói là tinh hoa của tất cả tôn giáo thế gian. Thượng đế yêu thương người đời, thần yêu thương người đời, Phật Bồ-tát đại từ đại bi. Phật, Bồ-tát, thần, thượng đế là gì? Ở đâu vậy? Chính là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác vốn sẵn có trong tự tánh của con người. Đại dụng của nó là từ bi, là bác ái; không phân quốc gia, không phân chủng tộc, không phân tôn giáo, nhân từ với người, yêu thương với vật. Chẳng phải chỉ có yêu người, thông thường trong tôn giáo chỉ nói yêu thương người, nhưng phạm vi trong kinh Phật nói thì rộng hơn. Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật nói: “Tình và vô tình, đồng viên chủng trí.” Đây là nói rõ ngay cả thực vật và khoáng vật, chúng ta đối với chúng cũng tràn đầy tâm yêu thương, ý thiện, huống hồ đối với chúng sanh hữu tình! Nếu bản thân chúng ta thật sự đối với hữu tình và vô tình đều có đầy ý thiện và tâm yêu thương một cách chân thành, thanh tịnh, bình đẳng thì người này ở trong Phật pháp được gọi là Phật-đà, được gọi là Bồ-tát. Nếu còn xen tạp bất thiện, xen tạp ý ác. Thế nào gọi là ý ác? Bất thiện chính là ác. Tiêu chuẩn mà Phật nói với chúng ta là thập thiện nghiệp đạo, còn tiêu chuẩn của Do Thái giáo là mười điều răn của Moses. Nội dung của mười điều răn tương đồng với thập thiện, cho nên thập thiện nghiệp đạo là lời răn dạy được ghi chép rõ ràng trong kinh điển của tất cả tôn giáo, các tín đồ nhất định phải biết tuân thủ. Xa rời giáo học cơ bản này thì chúng ta bất thiện rồi, bèn tạo tác ác nghiệp, biến hiện ra khổ báo ở ba đường ác.
Từ xưa đến nay tổ sư đại đức chỉ dạy chúng ta, học Phật là học từ đâu? Phải tu từ căn bản. Căn bản là gì? Là ý niệm; ý niệm phải thiện, ý niệm phải thanh tịnh, ý niệm phải bình đẳng. Nếu trong đại chúng, mình cảm thấy thân phận của mình đặc biệt, cảm thấy địa vị của mình không giống như người khác thì đây là bất thiện, đã không phải thiện. Chúng ta xem thánh triết của thế xuất thế gian, người Trung Quốc xem trọng pháp thế gian, coi trọng pháp thế gian thì Khổng lão phu tử là người đại biểu. Phẩm hạnh cả đời của Phu tử, thái độ đối nhân xử thế là hạ mình mà tôn người, thánh nhân đã làm nên hình mẫu cho chúng ta thấy. Ý niệm và hành vi cao hơn người khác một bậc này, trong Phật pháp gọi là tập khí nghiệp chướng sâu nặng. Ai hiểu được điều này? Phật hiểu được. Làm đệ tử Phật thì phải đem điều mà trong Phật pháp đã nói là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi làm ra cho mọi người thấy, đây là giáo hóa chúng sanh. Bản thân bạn thật sự làm được, đây là tự bạn thọ dụng, làm cho người khác thấy là hóa tha. Do đó, chúng ta phải làm thật hết lòng, nỗ lực mà làm.