/ 149
152

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 13/08/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 50

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời xem kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ chín, hàng thứ nhất:

Lại nữa, long vương! Nếu lìa nói thô ác thì được thành tựu tám loại tịnh nghiệp. Những gì là tám? Một, lời nói không trái mực.

Kinh văn rất rõ ràng, ý nghĩa sâu xa vô tận. Trong đây, Phật nói cho chúng ta biết làm thế nào thành tựu tịnh nghiệp, đặc biệt là đối với pháp môn niệm Phật mà nói. Mọi người đều biết pháp môn niệm Phật là tu tịnh nghiệp. Tịnh nghiệp tu từ đâu vậy? Tịnh từ miệng trước. Chúng ta xem thấy trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy chúng ta pháp cơ bản của tu hành là khéo giữ ba nghiệp. Trong khéo giữ ba nghiệp, vừa mở đầu Phật dạy chúng ta “khéo giữ khẩu nghiệp, không chê lỗi người”, chính là chỗ này nói. Do đây có thể biết, tu Tịnh độ là bắt đầu từ đâu? Chúng ta biết và hiểu rõ tầm quan trọng của đoạn giáo huấn này. 

Thế nào gọi là nói thô ác? Ý nghĩa của từ này nhất định phải làm rõ ràng. Nói thô ác là nói lời thô lỗ; âm thanh, thái độ, từ ngữ khiến người ta khó nghe lọt tai, hiện nay gọi là câu mệnh lệnh. Cho dù là cấp dưới của bạn, họ không thể không phục tùng bạn, nhưng cùng lắm là bề ngoài bất đắc dĩ phục tùng thôi, chứ trong tâm không phục, vậy là thất bại rồi. Thường thường vào thời khắc then chốt thì thuộc hạ sẽ phản bội bạn. Tại sao lại phản bội vậy? Ắt có nguyên nhân, trong đó chắc chắn không thể thiếu nhân tố thường ngày nói năng không đúng lẽ mà tạo thành hậu quả, đây là mấu chốt thành bại của tất cả sự nghiệp thế xuất thế gian. Con người chung sống, đối đãi với nhau, việc nói năng chiếm phân lượng rất lớn. Thế nên nhà Nho dạy học, ngôn ngữ được xếp vào môn học quan trọng. Phu tử dạy học có bốn môn, trong đó môn thứ nhất là đức hạnh, môn thứ hai là ngôn ngữ. Từ đó cho thấy, ngài coi trọng ngôn ngữ biết bao. Ngôn ngữ là biểu hiện của đức hạnh, xem lời nói của bạn, xem thái độ của bạn, xem động tác của bạn thì biết ngay đức hạnh của bạn cao hay thấp. Chúng ta phải làm thế nào tu đức, tích lũy công đức? Đây là điều mà Phật Bồ-tát trong kinh luận thường dặn dò chỉ dạy chúng ta, trong lời dạy đã nói rất nhiều, chư Phật Bồ-tát còn làm ra tấm gương cho chúng ta thấy, nhu hòa ái ngữ, đây là cứu giúp mọi người. 

Chúng ta thân cận thiện tri thức, tôi trước đây thân cận đại sư Chương Gia, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tôi đứng bên cạnh quan sát các ngài tiếp khách, tiếp người đến học, tôi thấy rồi cảm động sâu sắc, học tập ngay chỗ này. Sự gần gũi của thầy đối với học trò thì không giống với đại chúng, đối với học trò thường xuyên dạy dỗ nghiêm khắc, nhưng đối với đại chúng thì không. Đối với học trò thì thầy có trách nhiệm giúp đỡ họ, thành tựu họ, nhìn thấy họ có lỗi nhất định phải nói. Cho nên trước đây thầy nói với chúng tôi, nói lỗi lầm người, ai chịu nói lỗi của người? Ai chịu làm oan gia đối đầu với người khác? Người thông minh, người có học vấn chắc chắn không làm việc này, chỉ kết thiện duyên với người, dứt khoát không kết ác duyên với người. Bạn có lỗi lầm, người khác sẽ không nói ra. Chỉ có hai hạng người nói ra lỗi lầm của bạn: một là cha mẹ bạn, hai là thầy của bạn. Bạn bè, đồng học nói lỗi lầm cũng chỉ một hai lần, nhiều nhất là hai lần, sẽ không nói lần thứ ba. Nói hai lần mà bạn không chịu sửa thì lần thứ ba sẽ không nói, vì sao vậy? Nói nữa sẽ trở thành oan gia. Vậy họ sẽ đối xử với bạn thế nào? Kính mà tránh xa. “Tránh xa” nghĩa là gì? Là không cộng sự với bạn. Bạn ở trong xã hội làm bất kỳ sự nghiệp gì cũng không được người khác giúp đỡ, người mà bạn gặp gỡ là người có quan hệ lợi hại với bạn, còn bạn bè đạo nghĩa thì một người bạn cũng không có. Cho nên, không thể không học đức hạnh, ngôn ngữ.

Sự thực hành của đức hạnh chính là thập thiện nghiệp đạo mà Thế Tôn đã nói trong bộ kinh này. Khẩu nghiệp quan trọng. Bạn có thể lìa nói thô ác thì bạn sẽ đạt được tám loại tịnh nghiệp. Loại thứ nhất: “Lời nói không trái mực”, chữ “mực” này chính là ngày nay chúng ta gọi là chừng mực, ngôn ngữ của bạn đúng đắn chừng mực, thông thường gọi là như lý như pháp, hợp tình hợp lý, không thái quá, cũng không bất cập, đây là loại tịnh nghiệp thứ nhất. Ngôn ngữ thái quá chứng tỏ là người nịnh hót, người xu nịnh; ngôn từ bất cập chứng tỏ ngạo mạn, coi thường người khác. Muốn ngôn từ có thể đúng đắn chừng mực, thì nhất định ở trong đời sống hằng ngày phải học tập, thường xuyên luyện tập để hình thành thói quen.

/ 149