/ 149
107

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 12/08/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 49

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Hôm nay, Tịnh tông Học hội Đài Bắc bắt đầu liên hệ hai chiều với chúng ta, sự liên lạc này có thể khiến chúng ta mỗi ngày đều gặp được nhau. Chúng ta có được lợi ích từ phát triển của khoa học kỹ thuật cao, xác thực giúp cho đồng tu toàn thế giới chúng ta mỗi ngày đều có thể tiếp xúc mặt đối mặt. Đây là việc mà trước đây chúng ta không thể tưởng tượng được, hiện nay đã trở thành sự thật rồi. Khoa học kỹ thuật đang tiến bộ không ngừng, kỹ thuật của chúng ta cũng đang đổi mới không ngừng, hình ảnh, âm thanh càng ngày càng giống như thật, ngày càng rõ nét, đây là một việc tốt.

Ngày nay, thế giới bất an, xã hội động loạn, có rất nhiều người nghiên cứu thảo luận nguyên nhân này, mong tìm ra cách giải quyết. Tôi cũng gặp rất nhiều người đến hỏi tôi, theo cách nhìn của tôi thì đây là vấn đề giáo dục. Nhà Nho nói: “Người không học, không biết nghĩa.” “Nghĩa” chính là việc phải nên làm. Việc không nên làm mà chúng ta làm, đây chính là bất nghĩa; việc cần nên làm thì chúng ta làm, đây gọi là nghĩa. Cho nên ngày nay gọi là “công tác nghĩa vụ”. Do đây có thể biết tầm quan trọng của giáo dục. Trung Quốc vào thời xưa, từ vua đến dân, những bậc hiền triết đều hiểu đạo lý này, đều coi trọng giáo dục. Trong Lễ Ký nói rõ ràng với chúng ta: “Dựng nước quản dân, giáo dục làm đầu.” Đây là nói xây dựng một quốc gia, xây dựng một chính quyền, việc gì quan trọng nhất? Giáo dục là quan trọng nhất. Giáo dục trên tổng thể có thể chia thành bốn hạng mục, bốn hạng mục là một thể, nhất định không được tách rời. Thứ nhất là giáo dục gia đình, thứ hai là giáo dục nhà trường, thứ ba là giáo dục xã hội, thứ tư là giáo dục tôn giáo. Trong bốn loại giáo dục này thì lấy giáo dục gia đình làm căn bản, giáo dục tôn giáo là để đạt đến cứu cánh viên mãn. Làm tốt bốn loại giáo dục này rồi thì thiên hạ thái bình, xã hội an định, nhân dân hạnh phúc; nếu lơ là bốn loại giáo dục này thì thiên hạ làm sao mà không loạn? Chúng ta phải hiểu đạo lý này.

Người Trung Quốc trên thế giới hiện nay, người phương Tây đã khẳng định lại, thừa nhận người Trung Quốc có trí tuệ, người Trung Quốc là người thông minh nhất trên thế giới. Vào năm 83, khi tôi hoằng pháp tại New York, người Mỹ ở nơi đây đã xưng tán như vậy, họ nói: “Toàn thế giới, nếu so sánh từng người từng người một thì người Trung Quốc đứng đầu, so sánh hai người với hai người thì người Do Thái đứng đầu, so sánh ba người với ba người thì người Nhật Bản đứng đầu.” Ý này rất rõ ràng, người Trung Quốc nếu so sánh từng người một thì đứng đầu thế giới, đáng tiếc là không đoàn kết, họ khẳng định trên toàn thế giới đoàn kết nhất là người Nhật Bản. Cho nên họ hỏi tôi: “Người Trung Quốc các bạn tại sao không đoàn kết?” Tôi thấy họ đều là tín đồ Ki-tô giáo nên tôi trả lời: “Đây là do thượng đế an bài.” Họ nghe xong rất kinh ngạc: “Vì sao thượng đế lại an bài như vậy?” Tôi bảo: “Nếu người Trung Quốc đoàn kết thì các bạn còn có cơm ăn sao?” Chúng tôi bèn cười xòa cho qua. Người nước ngoài bội phục người Trung Quốc thông minh tài trí, nhưng cũng chê cười người Trung Quốc không đoàn kết, đây là điều đáng để chúng ta phản tỉnh sâu sắc. 

Người Trung Quốc vốn dĩ rất đoàn kết, danh từ “đoàn kết” này người Trung Quốc thời xưa không dùng đến. Vì sao vậy? Giáo dục ngũ luân chính là đoàn kết. Người nước ngoài không có giáo dục này, cho nên họ phải nói đoàn kết. Bản thân người Trung Quốc, trời sinh đã đoàn kết rồi, nhưng tại sao hiện nay không đoàn kết vậy? Chúng ta đã đánh mất giáo pháp của tổ tiên, không cần nữa, cho nên hiện nay chúng ta không bằng người nước ngoài. Người nước ngoài đoàn kết, chúng ta không đoàn kết; vừa không có luân lý, lại không có đoàn kết thì làm sao có thể sánh bằng người nước ngoài được? Giáo dục của tổ tiên, chúng ta phải thể hội thật kỹ, đó là sự kết tinh kinh nghiệm và trí tuệ từ ngàn vạn năm, chúng ta không được khinh suất, trong đó có đại đạo lý về sự an định lâu dài, phồn vinh hưng vượng, lìa khổ được vui. Rất đáng tiếc người Trung Quốc cận đại đã lơ là, cho rằng những điều này là đồ cũ, những thứ cũ xưa đáng bị đào thải.

/ 149