/ 149
219

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 25/04/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 5

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời xem kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, “thượng dụ” của hoàng đế Ung Chính trang thứ hai, bắt đầu xem từ câu sau cùng của hàng thứ nhất: 

Hà Thượng Chi đáp rằng: “Làng có trăm nhà, nếu có mười người giữ ngũ giới thì mười người thuần hậu, cẩn thận. Ấp có ngàn nhà, nếu có trăm người giữ thập thiện thì trăm người hòa mục. Giữ được phong khí giáo hóa này trong khắp cả nước thì trong ngàn ức hộ sẽ có trăm vạn người nhân đức. Hơn nữa, có thể làm một việc thiện thì bỏ được một việc ác, bỏ được một việc ác thì dừng được một hình phạt. Một nhà dừng được một hình phạt thì cả nước dừng được vạn hình phạt. Tin chắc rằng có thể thõng tay ngồi hưởng thái bình rồi!” 

Chúng ta xem đoạn này. Đoạn này là hoàng đế Ung Chính trích dẫn một đoạn đối thoại giữa Tống Văn Đế và Hà Thượng Chi trước đây. Những người này đều hiểu rất rõ thành quả giáo dục của ba nhà Nho Thích Đạo vào thời đó, nó có sự cống hiến tích cực đối với sự an định xã hội, củng cố chính quyền, hòa bình và an lạc của nhân dân. Cho nên Văn Đế nói: “Lục kinh vốn là để chỉnh đốn phong khí”, “lục kinh” là chỉ cho giáo dục của nhà Nho. Còn như nói đến “chỗ trọng yếu thật sự của tánh linh” thì nhà Phật nói được rất rõ ràng. Nếu như nhân dân cả nước đều có thể tiếp nhận lời giáo huấn của Nho và Phật thì ta có thể ngồi hưởng thái bình rồi, đây chính là thái bình thiên tử.

Tiếp theo, Hà Thượng Chi có đoạn đối thoại rất quan trọng, mang lại tín tâm rất lớn cho chúng ta. “Làng có trăm nhà”, một trăm gia đình, khi đó chúng ta dùng phép tính sơ lược, một nhà có bốn người, một trăm nhà là bốn trăm người. Trong hơn bốn trăm người này, ông nói chỉ cần có mười người giữ ngũ giới, mười người này thuần hậu, cẩn thận, chất phác thì họ có thể cảm hóa được một trăm nhà này. Chúng ta thử nghĩ, đây là con số 1%, 1 đến 2%, trong một trăm người có một, hai người thật sự tiếp nhận nền giáo dục của hai nhà Nho và Phật, thật sự có thể hiểu rõ, y giáo phụng hành thì có thể tạo nên hiệu quả lớn như vậy đối với phong tục xã hội. “Ấp có ngàn nhà”, ấp là một đô thị, một thành phố, thành phố này có một ngàn hộ, trong thành phố này nếu có một trăm người giữ thập thiện, thật sự có thể tu học theo thập thiện nghiệp đạo, thì một trăm người này hòa thuận, họ có thể cảm hóa thành phố này. 

Vì vậy dứt khoát không được cho rằng thế giới này đã loạn, lòng người hư rồi, cảm thấy thất vọng vô phương, quan niệm này là sai lầm! Bản thân chúng ta phải cố gắng nỗ lực tu học. Họ làm điều bất thiện thì chúng ta hành thiện, nếu như chúng ta nhẫn nại thì thời gian lâu chắc chắn có thể cảm hóa được những người này. Chúng ta thấy thời kỳ thượng cổ, trong lịch sử Trung Quốc có ghi chép về vua Thuấn, cha mẹ và anh em của ông đều rất xấu ác, họ luôn muốn đưa ông vào chỗ chết, thế nhưng ông vẫn có thể tận hiếu. Thật sự giống như điều mà Lục tổ Huệ Năng nói là “không thấy lỗi thế gian”, chỉ nhìn thấy cái tốt của người khác chứ không nhìn thấy khuyết điểm của họ. Cha mẹ đối với ta không tốt, ông luôn luôn phản tỉnh, “mình đã làm không như pháp, mình làm không tốt nên mới khiến họ tức giận”, ngày ngày phản tỉnh, ngày ngày sửa lỗi, như vậy chừng ba đến năm năm thì cảm động được cả nhà. Sau khi cả nhà hòa thuận thì cảm động đến hàng xóm láng giềng của ông, cuối cùng cảm động đến quốc vương là vua Nghiêu, vua Nghiêu nghe được sự việc này liền đặc biệt đến thăm ông. Cho nên, Trung Quốc nói đến hiếu thì vua Thuấn xếp hàng đầu. Vua Nghiêu đem hai người con gái gả cho ông, đem ngôi vua nhường cho ông, hiếu cảm thiên địa! Một người dùng tâm chân thành tích lũy tất cả thiện hạnh thì có thể cảm động một nhà, cảm động một làng, cảm động một nước. Điều này trong Phật pháp gọi là phát tâm Bồ-đề, hành đạo Bồ-tát. Vì vậy, chúng ta không được nhìn thấy phong khí xã hội không tốt thì chính mình liền thoái tâm, liền thoái chuyển, vậy là sai lầm. Càng phải tích cực xả mình vì người, làm tấm gương tốt cho đại chúng, cho xã hội. 

/ 149