229

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 24/04/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 4

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mọi người mở kinh văn, chúng ta xem tiếp “thượng dụ” của Hoàng đế Ung Chính, tờ thứ nhất, hàng thứ ba từ dưới lên, xem từ nửa đoạn sau:

Ngũ giới thập thiện của nhà Phật dẫn người hướng thiện. Ngũ thường bách hạnh của nhà Nho ta, chẳng có điều nào không dìu dắt, khuyến khích dẫn người làm thiện cả.

Chúng ta xem từ đoạn này. Đoạn phía trước nói cho chúng ta tông chỉ và nguồn gốc của tam giáo, đây cũng chính là khế cơ khế lý mà nhà Phật nói. Về lý thì cùng xuất phát từ một nguồn, về cơ thì không như nhau, cho nên mới có ba loại phương pháp giáo học này để tiếp dẫn ba loại căn tánh khác nhau. Điều này hoàn toàn tương ưng với nguyên lý nguyên tắc giáo học của Phật pháp Đại thừa. Phương pháp và hình thức tuy là khác nhau nhưng phương hướng mục tiêu của nó đều như nhau, đó chính là đồng quy về thiện. Tiêu chuẩn của thiện là phải tương ưng với tâm tánh, tương ưng với tánh đức, đây là nguyên tắc bất biến, thế nhưng mức độ tương ưng với tâm tánh đích thực có cạn sâu, rộng hẹp khác nhau. Chúng ta biết pháp thân là thanh tịnh nhất, pháp thân đại sĩ; tứ thánh pháp giới hơi kém hơn một chút so với pháp thân đại sĩ, cõi trời lại kém xa hơn một chút, cõi người thì còn xa hơn, ba đường ác thì hoàn toàn trái với tánh đức. Giáo giới của Phật, Phật chế định cho chúng ta một số quy luật, nhà Phật thường gọi là giới luật, đều là dựa vào nguyên tắc này mà nói ra. Việc này chúng ta phải hiểu rõ, rồi sau đó mới có thể lĩnh hội được trí tuệ chân thật, lòng từ bi vô tận, phương tiện khéo léo của chư Phật Bồ-tát. 

Đặc biệt là người chân thật có trí tuệ thì đối với hình thức tuyệt đối không để ở trong tâm, chỉ trọng thực chất. Hình thức thì then chốt ở khế cơ, thực chất là khế lý, quả nhiên khế lý, căn tánh của chúng sanh vô lượng vô biên, chúng ta không cách gì hiểu rõ. Chúng ta xem trong kinh Hoa Nghiêm, Phật Bồ-tát vẫn có thể dùng tham sân si để tiếp dẫn một loại chúng sanh nào đó, việc này chúng ta xem thấy dường như là trái ngược với tánh đức, nhưng kỳ thật các ngài không trái ngược. Chúng ta đi làm thì trái ngược, các ngài đi làm thì không trái ngược, nguyên nhân do đâu? Là do tâm địa của các ngài thanh tịnh, các ngài không nhiễm trước, hòa quang đồng trần. Vì sao chúng ta không thể làm? Vì chúng ta nhiễm trước. Hay nói cách khác, chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sẽ khởi lên vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Các ngài là pháp thân đại sĩ, khi tiếp xúc với cảnh giới các ngài không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, cao là cao ở chỗ này. Rời khỏi tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tương ưng với pháp tánh; nhiễm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì trái ngược, đó là tạo nghiệp. Thế nên, Phật chế định giới hạnh cho chúng ta, chúng ta nhất định phải hiểu rõ, cần phải khẳng định rằng chúng ta ngày nay là sơ cấp nhất. Phật dạy chúng ta điều gì? Thập thiện nghiệp đạo, đây là sơ cấp nhất, là lớp mầm non của Phật giáo. Chúng ta có thể làm được hay không? Nếu không thể làm được, vậy tư cách lớp mầm non của Phật giáo cũng không có, việc này bản thân chúng ta cần phải phản tỉnh. Chúng ta học Phật rốt cuộc là ở giai đoạn nào, cấp bậc nào, chính mình phải thật rõ ràng, thật tường tận. Gần đây, pháp sư Thái Hư có giảng nhân thừa của “ngũ thừa Phật pháp”, ngũ giới thập thiện thuộc về nhân thừa, thiên thừa thì cần phải thêm tứ vô lượng tâm, ít nhiều phải có chút định tuệ thì mới có thể từ đây mà nâng lên cao.

Hôm nay chúng ta xem tiếp: “Ngũ giới thập thiện của nhà Phật.” Nhà Phật nói về ngũ giới thập thiện, đây là nền tảng của Phật pháp, là đại căn đại bổn của Phật pháp. “Dẫn người hướng thiện”, “dẫn” là dẫn dắt, hướng dẫn người hướng thiện. Học Phật phải từ chỗ này mà học, người khác không làm nhưng chúng ta nhất định phải làm, nhất định phải tuân thủ. Giới và thiện ở trên hình thức là như nhau, nhưng ở trên quả đức thì không như nhau, việc này chúng ta cần phải biết, cho nên thọ giới và hành thiện là không như nhau. Ngũ giới là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu; trong thập thiện cũng là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, xem ra thì dường như là giống nhau, thế nhưng quả báo của chúng không như nhau. “Giới” là bạn chính thức tiếp nhận giáo huấn của đức Phật, chính bạn phát nguyện, cũng giống như người thế gian gọi là phát ra lời thề, bạn đã từng phát thệ nguyện muốn học. Thập thiện thì không như vậy, đối với thập thiện bạn không phát ra loại tâm này. Về quả báo thì thập thiện là mong cầu phước báo, còn ngũ giới thì không phải là phước báo, chỗ này không như nhau. Ngũ giới là cầu điều gì? Cầu tâm thanh tịnh, do giới được định, do định khai tuệ. Bạn xem trên hình thức là như nhau nhưng mục đích phương hướng thì không như nhau, một cái là mong cầu phước báo, một cái là mong cầu định tuệ, cho nên giới và thiện có khác biệt. Nhất định phải thọ ngũ giới ở trước mặt Phật Bồ-tát, thập thiện thì không cần. Cho nên cùng tu học các khoa mục như nhau nhưng dụng ý ở chỗ nào? Mục đích ở chỗ nào? Chính mình phải thật rõ ràng, thật tường tận. Trong Phật pháp, tâm thanh tịnh quan trọng hơn bất cứ thứ gì, giới có thể đoạn “tham, sân, si, mạn, nghi”, thiện không có loại năng lực này, dụng ý của tu thiện cũng không ở chỗ này. Cho nên, đây là thứ căn bản nhất để dẫn dắt người hướng thiện.