PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 26/04/2000
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 6
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo trang thứ hai, đoạn sau cùng “thượng dụ” của hoàng đế Ung Chính, xem từ câu thứ hai, hàng thứ ba từ dưới lên:
Hơn nữa, Phật giáo chuyển hóa tham lam, keo kiệt, khuyến dụ hiền lương. Tông chỉ và căn gốc của nó chính là ở chỗ này.
Phía trước đã nói, Trung Quốc từ xưa đến nay, ba nhà Nho Thích Đạo cùng gánh vác sứ mệnh giáo dục xã hội, thu được hiệu quả rất tốt. Vì vậy mỗi một triều đại, những đế vương chấp chính không có người nào mà không tôn sùng giáo học của tam giáo, nó giúp cho xã hội đạt được ổn định lâu dài, cũng giúp cho đế vương rảnh tay ngồi hưởng thái bình, điều này trong lịch sử có thể nhìn thấy rất rõ ràng. Nếu như quan sát tỉ mỉ thì quý vị sẽ nhận thấy, không phải nói một thời đại nào đó chính trị trong sạch, sức nước cường thịnh thì Phật giáo hưng thịnh; quốc gia suy yếu thì Phật giáo suy bại. Nếu như bạn nhìn từ góc độ này thì nhân quả bị điên đảo rồi, dường như sự hưng suy của Phật pháp là biến đổi theo thời cuộc vậy, không biết rằng sự thịnh suy của Phật pháp quyết định sự yên ổn hay động loạn của xã hội. Phật pháp hưng vượng thì người thiện nhiều, xã hội yên ổn, vì vậy thiên hạ đại trị; Phật pháp suy, người học Phật ít, người thiện ít thì xã hội sẽ động loạn. Cho nên giáo học của tam giáo Nho Thích Đạo là nhân, yên ổn hay động loạn là quả, chúng ta nhất định phải phân biệt rõ ở chỗ này.
Trong Học Ký của Lễ Ký, nhà Nho nói “dựng nước quản dân, giáo dục làm đầu”, đây chính là hiểu được “nhân”. Xây dựng một chính quyền, xây dựng một quốc gia, lãnh đạo nhân dân thì sự việc nào quan trọng nhất? Giáo dục làm đầu. Chỉ cần làm tốt giáo dục thì nhân dân có thể chung sống hòa mục, có thể đối xử bình đẳng, có thể tu thiện dứt ác, há chẳng phải thiên hạ thái bình rồi sao? Xã hội an định, nhân dân hạnh phúc, điều quan trọng nhất là giáo dục. Trị quốc như vậy, trị gia cũng không ngoại lệ. Nếu bạn mong muốn gia đình bạn hưng vượng, gia đình hưng vượng chắc chắn sinh ra con cháu tốt, con cháu tốt từ đâu mà có vậy? Vẫn là từ giáo dục mà ra! Bạn không dạy thì con cái làm sao tốt được? Do đó nhất định phải dạy chúng. Từ đó ta thấy, bất kể trong hoàn cảnh nào thì giáo dục là quan trọng nhất. Công thương nghiệp có thể phát đạt, sự nghiệp làm rất thành công là nhờ giáo dục nhân viên tốt. Nếu như lơ là giáo dục, chế độ tốt cỡ nào cũng có tệ nạn. Chúng ta nhìn thấy rất nhiều công ty lớn nước ngoài, ông chủ xảy ra vấn đề thì công ty đóng cửa ngay, đây là nguyên nhân gì vậy? Do thất bại nơi giáo dục, đã lơ là bồi dưỡng người kế thừa, lơ là giáo dục cho toàn thể nhân viên.
Cho nên, nhà Nho đề ra “tác chi sư, tác chi thân, tác chi quân”, ba chữ này là nhất quán, hoàn toàn không chỉ nói riêng người lãnh đạo các cấp chính phủ quốc gia, mà là nói mỗi một chúng sanh. Bất kỳ một người nào, nếu muốn ở ngay trong đời này thành tựu đức hạnh, thành tựu sự nghiệp, đều không thể rời khỏi nguyên tắc này. “Tác chi quân” là lãnh đạo họ, thế nào gọi là lãnh đạo? Lãnh là dẫn đầu, người dẫn đầu đi ở phía trước, người phía sau đi theo họ. Ý nghĩa của đạo rất gần với lãnh, bạn dẫn họ đi đường chánh thì người đi sau bạn sẽ không đi vào đường tà. Do vậy, người lãnh đạo phải có trí tuệ, phải có đức hạnh, phải có phương tiện khéo léo. “Tác chi thân”, thân là bố thí ân đức. Trong ba loại bố thí của nhà Phật chúng ta, lãnh đạo là bố thí vô úy, “tác chi thân” là bố thí nội tài, “tác chi sư” là bố thí pháp. Bạn phải dùng tâm thương yêu che chở con cái của cha mẹ mà thương yêu che chở người khác. Bạn làm ông chủ của một công ty, bạn xem tất cả nhân viên của bạn như con em bạn, dùng sự quan tâm yêu thương che chở của tình thân. Bạn thử nghĩ xem, nhân viên đâu có lý nào mà không tận trung cho được? “Tác chi sư”, sư là chỉ dạy họ. Con người có ba sứ mệnh này, ba chữ này đều có thể làm được rồi thì bạn không có gì mà không thành công. Đức hạnh của bạn thành công, “lập đức, lập công, lập ngôn”, đây là tam bất hủ, là sự nghiệp mà nhà Nho tán thán, mọi người đều có thể làm được. Bạn làm không được là bạn không hiểu đạo lý này, bạn không nghiêm túc phụng hành nên bạn không làm được.
Đế vương các đời hiểu rõ đạo lý này, họ có người dạy. Từ nhỏ được thầy giáo giỏi nhất đến hướng dẫn cho họ, họ hiểu rõ, họ biết được. Biết được tất cả giáo học của thánh hiền, về cơ sở lý luận là giống nhau, tuy phương pháp thiện xảo khác nhau là do đối tượng không như nhau, nhưng phương hướng, mục tiêu chắc chắn là như nhau, đều là khuyến thiện. Còn nêu lên đoạn đối thoại giữa Tống Văn Đế với Hà Thượng Chi, đoạn đối thoại này nói vô cùng rõ ràng, chuẩn xác. Trong phần tổng kết, ông nói: “Khuyến thiện mới là đạo lý trọng yếu để trị thiên hạ.” Phương pháp lý luận của nhà Phật đối với khuyến thiện nói vô cùng thấu triệt, vô cùng tường tận.
“Phật giáo chuyển hóa tham lam, keo kiệt”, “tham lam, keo kiệt” là gốc bệnh của tất cả chúng sanh, là gốc rễ của tam đồ địa ngục. Con người lìa khỏi tham sân si thì chắc chắn không đọa ba đường ác, cho nên phải nhổ sạch tận gốc tham lận, lận là keo kiệt, bản thân mình có mà không chịu giúp đỡ người, không biết rằng giúp đỡ người là phước báo đích thực.
Chúng tôi trước khi tiếp xúc với Phật pháp cũng không hiểu, những đạo lý lớn này là do đại sư Chương Gia dạy cho tôi, tôi tin tưởng thầy. Là do nguyên nhân gì mà tin tưởng? “Quân, thân, sư”, ba chữ này thầy đều làm được. Chúng tôi lúc trẻ thân cận thầy, thầy thật sự đã xem chúng tôi như con cái, vô cùng quan tâm. Tôi lúc đó có công việc, nên chỉ có mỗi ngày chủ nhật mới đến gặp thầy một lần để tiếp nhận lời giáo huấn của thầy. Tôi mới học Phật có khi cũng lười biếng, bạn bè rủ đi chơi nên tôi không đến. Thấy không đến, mấy ngày sau thầy điện thoại ngay, thầy hỏi tôi: “Sao anh không đến, có phải là bị bệnh không?” Vô cùng quan tâm, lần sau tôi không thể không đi. Bạn nghĩ xem, mối quan tâm đó, tình thương yêu che chở đó là từ bi nhiếp thọ. Tâm thương yêu đó khiến chúng tôi thật sự cảm kích. Thầy chỉ dạy tôi, tôi mới hiểu được đạo lý này, thầy dạy tôi nhất định phải buông bỏ keo kiệt, phải buông bỏ tham ái, những thứ này không có gì tốt, chỉ có hại, hại bạn đời đời kiếp kiếp không thoát khỏi lục đạo luân hồi, hại bạn đọa tam đồ địa ngục. Thầy chỉ dạy biết bao nhiêu lần tôi mới thức tỉnh, mới hiểu ra. Sau đó dựa theo phương pháp của thầy chỉ dạy mà làm, quả nhiên có hiệu quả.
Tối hôm qua, tôi với hội trưởng Đao, ba người họ và cư sĩ Lý Mộc Nguyên, mấy người chúng tôi cùng nhau hội đàm, thầy Ngộ Hoằng cũng ở đó. Họ nói, khu vực lạc hậu giáp biên giới Trung Quốc rất đáng thương, cũng bàn cách làm thế nào giúp đỡ họ. Tôi nói: “Tôi mong muốn lập trường tiểu học ở nơi nghèo khó, giúp đỡ họ xây trường học.” Tối hôm qua tôi nói với họ, lấy danh nghĩa Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc mà làm. Tôi bỏ tiền xây 100 trường tiểu học, đây là giai đoạn thứ nhất của tôi. Trước tiên xây 100 trường tiểu học, sau đó có sức nữa thì tôi làm nhiều hơn. Làm giáo dục mà bạn không dạy người ta thì làm sao được? Trường tiểu học này do Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc giám sát quản lý, do Phật giáo làm, vậy thì trẻ con từ nhỏ sẽ có ấn tượng tốt đối với Phật giáo, tương lai lớn lên có thể tiếp nhận lời giáo huấn của Phật-đà, chúng ta phải hết lòng nỗ lực mà làm. Tiền để không ở đó là tội nghiệp, bao nhiêu người cần đến mà bạn đem nó để ở đây khóa lại không đưa người ta dùng, đây chính là tội lỗi. Có người nói: “Tôi không làm chuyện xấu”, đây chính là làm chuyện xấu. Có rất nhiều người làm chuyện xấu mà chính mình không biết mình đang làm chuyện xấu, bản thân họ cho rằng đây là chuyện bình thường, không có cảm giác tội lỗi. Tiền giữ trong tay, người cần mà không đưa cho họ dùng là có tội lỗi.
Hôm qua, tôi đã kiến nghị với hội trưởng Đao về việc bồi dưỡng nhân tài Phật giáo. Chúng ta cần chia ra làm hai bộ môn, một cái là bồi dưỡng nhân tài quản lý tự viện, đây là nhân tài nghiệp vụ hành chính, một cái là bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp, phải phân ra. Người quản lý hành chính không cần học giảng kinh thuyết pháp, nhân tài hoằng pháp dứt khoát không quản lý hành chính. Nhân tài hoằng pháp phải thanh cao, phải buông xuống danh văn lợi dưỡng[1], chuyên tâm vào học vấn, một đời giảng kinh dạy học, ngoài việc này ra không quản việc gì cả. Chúng tôi bồi dưỡng những nhân tài này không phải tương lai mời họ về làm phương trượng, làm trụ trì, nếu thế thì hỏng rồi, công sức của chúng ta đổ đi hết.
Vì vậy, chúng tôi đề cập đến lần chiêu sinh thứ năm tiếp theo này, tôi đặc biệt yêu cầu họ phải nói rõ ràng với học sinh, tương lai muốn làm phương trượng, làm quản lý, làm trụ trì thì đừng đến, vẫn muốn có danh văn lợi dưỡng thì không nên đến. Số người này của chúng tôi sau khi bồi dưỡng ra, xin nhà nước tổ chức một đoàn hoằng pháp, sau khi tốt nghiệp thì những nhân viên giảng kinh này đều là đoàn viên của đoàn hoằng pháp. Đoàn hoằng pháp tương lai chính là nhà của chúng ta, đời sống của chúng ta trong đời này sẽ do đoàn hoằng pháp chăm sóc. Khi không giảng kinh thì tự mình luyện tập giảng trong đoàn hoằng pháp, các bạn đồng học nghe. Nói tóm lại, chúng ta giảng kinh tuyệt không gián đoạn, mỗi ngày đều giảng, ở nơi nào có nhu cầu nghe kinh thì đến Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc thỉnh pháp, Hiệp hội sẽ phái đoàn viên đi giảng kinh, giảng xong rồi trở về ngay, không ở lại chỗ họ, như vậy mới được.
Hôm qua hội trưởng Đao nghe xong cũng rất hoan hỷ, ông nói: “Việc này tốt!” Tương lai bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp do Hiệp hội Phật giáo Bắc Kinh làm chủ trì, những Phật học viện các tỉnh sẽ phụ trách việc bồi dưỡng nhân tài quản lý. Tôi nói: “Vậy là đúng rồi.” Chúng tôi thật sự yêu cầu thực hiện “tam bất quản”, rất tốt! Không quản người, không quản việc, không quản tiền, tâm bạn thanh tịnh biết bao! Tôi đã nhận lời xây 100 trường học, việc này cần không ít tiền, vậy tiền từ đâu mà có? Có một số người chuyên ưa thích làm công đức nhưng không muốn để lộ tên tuổi, tôi điện thoại liên lạc, nói với họ và hỏi: “Được hay không?” Họ nói: “Được, không thành vấn đề!” Tôi gọi một cuộc điện thoại thì tiền liền đến, tiền xây 100 ngôi trường lập tức sẽ đến ngay. Tiền không nhất thiết là phải qua tay tôi, giao thiệp với nhà trường là được rồi, tự các bạn đi đưa. Nhất định phải làm nhiều việc tốt, tích nhiều đức thì phước báo này của bạn là vô lượng vô biên.
Các bạn đã bàn đến việc về nước giảng kinh, giảng ở đâu đây? Các bạn cũng đưa ra ý kiến rồi. Chiều hôm nay, lúc họp tiếp, các bạn phải nêu ra vấn đề này. Hội trưởng Đao nói: “Bắt đầu từ chùa Quảng Tế, Bắc Kinh”, chúng ta giảng ở địa điểm này trước. Tôi nói: “Được.” Nếu như chùa Quảng Tế của ông muốn mở cửa giảng kinh, tôi bảo ông một năm giảng 360 ngày, mỗi ngày không gián đoạn. Ông ta ngẩn người ra. Tôi nói được mà! Tôi hiện nay ở đây có hơn mười học trò, mỗi học trò tới lui giảng một tháng, luân phiên đi giảng thì một năm của ông đều không thiếu ngày nào rồi, đây là một hình mẫu tốt. Chúng ta đi giảng một tháng, sau khi giảng xong trở về thì đồng học thứ hai tiếp tục đi giảng.
Hôm qua, tôi đã quyết định bắt đầu từ tháng tám năm nay, đồng học các bạn phải tích cực chuẩn bị. Tôi giảng mở đầu ba ngày, tôi không thể giảng nhiều, tôi giảng ba ngày, ngày thứ tư thì các đồng học kế tiếp đến giảng, chúng ta kéo phong khí giảng kinh trong tự viện của đất nước chúng ta đi lên. Hôm qua, họ nhìn thấy Cư Sĩ Lâm thì có cảm xúc rất sâu, “trăm nghe không bằng một thấy”, nghe thôi chưa được, nhất định phải đích thân đến. Hôm qua, họ yêu cầu cư sĩ Lý Mộc Nguyên, cán bộ của Hiệp hội Phật giáo Bắc Kinh, là cán bộ của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, hy vọng họ đều có thể đến Singapore để tham học, đến ở hai tuần, để xem xét nghe ngóng thật kỹ. Lý Mộc Nguyên đã nhận lời, gửi thư mời họ đến. Chúng ta nhất định phải có biểu hiện tốt, nhất định phải làm ra tấm gương tốt cho người khác thấy, đem hình mẫu tốt này mở rộng đến toàn thế giới, tương lai sẽ hoằng pháp trên toàn quốc và toàn thế giới. Nếu quý vị nào muốn đóng góp ý kiến thì có thể trực tiếp nói, không nên khách sáo, phát biểu càng sôi nổi càng tốt, để họ được nghe nhiều. Quả thật họ đang có quyết tâm cải tiến, hy vọng nâng cao giáo dục Phật giáo; Phật giáo không những chỉ nói thiện, mà còn là đại thiện cứu cánh viên mãn.
Phật giáo không những dạy chúng ta trở thành một người hiền lương, một công dân tốt an phận giữ quy củ, mà mục tiêu cuối cùng của Phật giáo là muốn giúp chúng ta chuyển phàm thành thánh; không phải chỉ là người hiền lương mà thôi. Tiếp theo nói:
Nếu tin tưởng mà thuận theo như vậy.
Đây là giả sử, nếu như bạn thật sự tin tưởng, “thuận theo” là y giáo phụng hành.
Tin sâu rằng, có thể trở thành hình mẫu, giáo huấn phàm tục.
Đây là tin sâu, không hề có chút nghi ngờ, thật sự tin tưởng có thể làm hình mẫu. “Hình mẫu” là mô phạm, là tấm gương tốt, mô phạm tốt cho xã hội, đại chúng; “phàm tục” là người dân bình thường, người bình phàm; “giáo huấn” là dạy bảo, có thể dạy bảo lê dân bá tánh, thay đổi phong tục xã hội.
Mà còn là trợ giúp lớn đối với việc vua ban ân trạch cho dân.
Có giúp đỡ rất lớn, “vua” là người lãnh đạo quốc gia, “dân” là nhân dân, “trạch” là ân trạch, người lãnh đạo quốc gia bố thí ân huệ cho nhân dân. Nếu như thúc đẩy giáo học của tam giáo, đối với họ mà nói là sự trợ lực có lợi ích nhất. Cho nên, các đời đế vương không người nào mà không toàn tâm toàn lực thúc đẩy tam giáo, bản thân họ lấy mình làm gương. Đại đa số các đời đế vương Trung Quốc, khoảng bảy đến tám phần mười đều là đệ tử quy y nhà Phật, đều lễ thỉnh cao tăng đại đức đương thời đến dạy học trong cung đình, họ được gọi là “quốc sư”. Đại sư Chương Gia chính là quốc sư của triều Thanh, từ đời Khang Hy mãi đến cuối đời nhà Thanh, Từ Hy thái hậu cũng quy y với đại sư Chương Gia, đáng tiếc bà ham mê quyền lực, đối với lời giáo huấn của Phật, bà bề ngoài tuân theo nhưng bên trong chống lại, dẫn đến mất nước. Nếu bà quả thật có thể tin sâu, y giáo phụng hành, học theo tổ tiên của bà, Ung Chính là tổ tiên của bà, chúng tôi tin rằng ngày nay vẫn là đế quốc Đại Thanh, sẽ không bị mất nước. Như vậy mới hiểu rõ, thật sự tuân thủ theo lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền là quan trọng biết bao! Tiếp theo nói:
Nếu mặc tình công kích, phỉ báng, đặt điều cho là học thuyết dị đoan, thì đây đều là chưa thấy rõ sự thật, nên nói năng mù quáng, không công bằng vậy!
Đây là người trong xã hội thông thường không hiểu gì về giáo nghĩa của tam giáo, nên phỉ báng lẫn nhau. Phật giáo phỉ báng Đạo giáo, nhà Nho phỉ báng Phật và Đạo, điều này phía trước đã nói rồi, đây là sự sai lầm quá lớn. “Nếu mặc tình công kích, phỉ báng”, đây là nói giữa Phật và Đạo; “đặt điều cho là học thuyết dị đoan”, đây chính là nói Phật và Đạo là dị đoan, câu này là nhà Nho nói. Lời Ung Chính nói rất công bằng, “đều là chưa thấy rõ sự thật”, nghĩa là chưa hoàn toàn nhìn thấy sự thật, đây là không công bằng; “nói năng mù quáng” chính là nói mò, nói xằng nói bậy, đây là sai lầm.
Bạn thấy phía trước kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, ông thêm bài văn này vào, giống như viết lời tựa vậy, có thể thấy sự xem trọng của ông đối với kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. Chúng ta bèn nghĩ rằng kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo là bộ kinh luận quan trọng nhất trong việc dạy học thời tiền Thanh và giáo hóa chúng sanh trong Phật pháp. Kinh văn này không dài, nếu lưu hành phổ biến sẽ lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội. Bài văn này chúng ta giảng đến đây thôi, ngày mai chúng ta có thể giảng vào kinh văn.
[1] Danh văn lợi dưỡng (名聞利養): Danh tiếng và lợi dưỡng.