/ 149
220

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 05/08/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 48


Chư vị đồng học, chào mọi người! Cổ nhân thường nói: “Người còn chế độ còn, người mất chế độ mất.” Chế độ tốt đến đâu cũng cần phải có người chấp hành thì mới có thể tạo nên hiệu quả. Việc dạy học cũng không ngoại lệ, nền giáo dục tốt đến đâu, nếu người học tập không thực hiện được thì nó cũng trở nên vô vị, đối với bản thân thì tu thân tề gia, nhưng đối với xã hội, đối với quốc gia đều không có cống hiến thực chất. Giáo dục tôn giáo cũng không ngoại lệ, ngày nay xã hội chán ghét giáo dục Phật-đà một cách phổ biến, nguyên nhân do đâu? Chúng ta cần phải hiểu rõ. Sau khi chúng ta tiếp xúc rồi, hiểu rõ sâu sắc giáo dục Phật-đà xác thực là nền giáo dục chí thiện viên mãn của thế gian từ xưa đến nay trong và ngoài nước. Vì sao lại suy đồi đến mức độ này? Ai phải gánh trách nhiệm này? Học trò của Phật phải gánh, không được trách người khác. Phật đã không còn tại thế nữa, tổ sư đại đức cũng đã rời xa chúng ta mà đi rồi, đệ tử Phật hiện nay tại gia, xuất gia đối với lời giáo huấn của đức Phật, chúng ta không thể nhận thức, không thể lý giải, không thể phụng hành thì chúng ta là tội nhân của Phật Bồ-tát, là tội nhân của tổ sư đại đức.

Tối hôm qua, tôi nghe tiên sinh Hà Vân nói với tôi, giáo sư Cổ Chấn Mỹ của đại học quốc gia nơi này, những năm gần đây đã viết một cuốn sách lớn, phân lượng rất lớn, chuyên nghiên cứu Phật giáo 2.000 năm nay ở Trung Quốc, đã có sự cống hiến to lớn đối với quốc gia, với dân tộc, với chính trị, với xã hội. Tiên sinh Hà Vân vô cùng tán thán, vì công việc này trước đây chưa có người làm. Tôi biết giáo sư Cổ vào thời ông còn đang học đại học, tôi biết ông có lẽ là hơn 30 năm rồi. Ông nhìn Phật pháp từ góc độ này, rất hiếm có, đủ để gợi mở cho người lãnh đạo của mỗi quốc gia khu vực trên thế giới hiện nay.

Tôi biết phương Tây, vì tôi sống ở Mỹ rất lâu, nước Mỹ là một quốc gia rất hoan nghênh tín ngưỡng tôn giáo, từ tiểu học đã là như vậy. Họ điều tra học sinh tiểu học có tín ngưỡng tôn giáo hay không, bất luận bạn tín ngưỡng tôn giáo nào cũng tốt, người không có tín ngưỡng tôn giáo thì họ bèn đặt một dấu chấm hỏi, bạn là học sinh có vấn đề. Quả thật quan niệm không giống người phương Đông chúng ta. Tại sao vậy? Trong mắt người phương Tây, giáo dục tôn giáo là giáo dục đạo đức. Trong mắt bạn tôn kính thần thì bạn sẽ chịu sự ràng buộc bởi lời giáo huấn thần thánh, đây là một việc tốt, họ không xem việc này là mê tín. Chúng ta quan sát tỉ mỉ lãnh tụ của người phương Tây, tổng thống Mỹ, thủ tướng Anh, vào Chủ nhật đều đến giáo đường để cầu nguyện, đó là giáo dục tôn giáo.

Nếu nói Phật giáo là giáo dục tôn giáo thì định nghĩa của từ “tôn giáo” này so với quan niệm của họ hoàn toàn không như nhau, đây là điều mà người học Phật chúng ta cần phải biết rõ. Phật giáo chúng ta nói “tôn” là nói Thiền tông, chuyên chỉ cho Thiền tông; nói đến “giáo” là ngoài Thiền tông ra, chín tông phái khác đều gọi là Giáo hạ. Tông môn Giáo hạ, đây là “tôn giáo” mà riêng Phật giáo chúng ta gọi. Mọi người phải hiểu, Tông môn Giáo hạ đều là giáo dục, đều là dạy học, cho nên Phật giáo là giáo dục. Chúng ta không hề gọi Thích-ca Mâu-ni Phật là chúa, cũng không gọi ngài là thần, cũng không gọi ngài là thượng đế, mà chúng ta gọi ngài là bổn sư, các bạn xem cách xưng hô này. Bổn sư là ý nghĩa gì vậy? Đây là vị thầy đầu tiên của chúng ta, chúng ta gọi vị thầy sáng lập ra giáo dục Phật-đà là bổn sư. Chúng ta tự xưng là đệ tử, các bạn nghĩ xem đây có đạo vị gì? Quan hệ giữa chúng ta với Phật là quan hệ thầy trò. Trong giáo dục mới có quan hệ thầy trò. Trong tôn giáo có quan hệ cha con, quan hệ chủ tớ, không có quan hệ thầy trò, chúng ta phải biết đạo lý này.

Đời sau này, đại chúng thông thường trong xã hội gọi người xuất gia là hòa thượng. Hòa thượng là tiếng Phạn, ý nghĩa là thân giáo sư. Nếu dùng danh từ giáo dục hiện đại của chúng ta mà nói thì hòa thượng có hai loại thân phận, loại thân phận thứ nhất là hiệu trưởng trường học. Hiệu trưởng là hòa thượng, ngoài hiệu trưởng ra thì những người khác không được gọi là hòa thượng; những người khác ở trong Phật pháp gọi là a-xà-lê, người Trung Quốc chúng ta gọi là pháp sư. Hòa thượng là người chủ trì giáo dục, họ phụ trách toàn bộ việc dạy học, họ mời những giáo sư, thầy giáo thay họ chấp hành; hiệu trưởng quản lý chính sách giáo dục, lên kế hoạch dạy học, làm thế nào có thể đạt được mục đích dạy học. Còn các giáo viên đều là người giúp họ chấp hành. Vì vậy, hòa thượng chỉ có một người, không có hai người. Thế nhưng trong viện nghiên cứu đại học, giáo sư chỉ đạo cũng được xem là hòa thượng, là thân giáo sư, là giáo sư trực tiếp chỉ đạo trong viện nghiên cứu. Vì vậy, hòa thượng có hai loại thân phận, một là hiệu trưởng, một là giáo sư chỉ đạo, đây là cách xưng hô cực kỳ tôn kính. Cho nên, hòa thượng không thể gọi tùy tiện, là cách xưng hô cực kỳ tôn kính. A-xà-lê cũng là tiếng Phạn, ý nghĩa là ngôn hạnh của vị thầy này có thể làm tấm gương cho ta. Cho nên thời xưa dịch thành “quỹ phạm sư”, là quỹ đạo, mô phạm, đây là cách gọi thông thường dành cho giáo viên; ngôn hạnh của giáo viên có thể làm tấm gương cho học sinh, làm mô phạm cho học sinh.

/ 149